TỔNG TIẾN CÔNG XUÂN MẬU THÂN
uct
du lịch, tour du lich
Portal Hội An > TỔNG TIẾN CÔNG XUÂN MẬU THÂN
KỲ 1: QUYẾT TÂM CHIẾN LƯỢC
(12/02/2018)
Trong bối cảnh cuộc kháng chiến của nhân dân ta giành được những thắng lợi to lớn ở cả hai miền, tháng 12 năm 1967, Trung ương Đảng quyết định: “Động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên một bước phát triển cao nhất bằng phương pháp Tổng công kích - tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định”. Nhiệm vụ cụ thể là liên tục tổng tiến công và nổi dậy trên khắp chiến trường miền Nam, trọng điểm là các đô thị, mở đầu là cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 với mật danh T25.

Trong 2 ngày 14 và 15 tháng 12 năm 1967, Thị uỷ triệu tập hội nghị cán bộ chủ chốt để bàn biện pháp thực hiện quyết tâm chiến lược của Trung ương Đảng. Hội nghị tập trung phân tích tình hình tương quan lực lượng giữa ta và địch có quá nhiều chênh lệch: Địch có số quân đông hàng tiểu đoàn, đầy đủ các binh chủng và các sắc lính của quân Mỹ, quân Nam Triều Tiên và quân ngụy; được trang bị vũ khí, phương tiện chiến đấu, hậu cần đầy đủ và hiện đại; hệ thống bố phòng kiên cố, vững chắc, liên hoàn ở cả trung tâm thành phố và các vùng trọng điểm ở ngọai ô; điều kiện tác chiến cơ động và yểm trợ thuận tiện... Trong khi đó, quân ta thua kém hơn nhiều cả về quân số, trang bị, hậu cần; phải di chuyển đội hình từ vùng đông các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình vượt qua nhiều sông lạch trống trải; cần phải có nơi rấm quân, trú quân cho các tiểu đoàn bộ đội và sở chỉ huy chiến dịch ngay trong vùng sát nách địch để đảm bảo vận hành tác chiến; phải chủ động tấn công đánh vào các vị trí xung yếu của địch được phòng thủ tối đa; thời gian chuẩn bị cho chiến dịch ngắn... Tuy nhiên, ta hơn hẳn địch về tinh thần chiến đấu và quyết tâm chiến thắng; các trận tập kích đánh mạnh vào trung tâm thị xã và các vị trí quan trọng của địch trước đó thu thắng lợi lớn đã cỗ vũ mạnh mẽ khí thế tiến công và nổi dậy của toàn quân và toàn dân; lực lượng chính trị quần chúng được xây dựng và phát triển vững mạnh là chỗ dựa quan trọng của chiến dịch...

Trên tất cả là tinh thần cách mạng tiến công, triệt để chấp hành chủ trương, mệnh lệnh của cấp trên, Thị ủy xác định: “Nhiệm vụ chung sắp đến của thị xã chúng ta là động viên toàn đảng, toàn dân, toàn quân nỗ lực phi thường, phát huy cao độ năng lực chủ quan của mình, gây nên một chuyển biến tư tưởng mạnh mẽ vượt bậc, đi đôi với việc tăng cường công tác tổ chức, ra sức xây dựng lực lượng, phát huy bạo lực cách mạng của quần chúng, đẩy mạnh ba mũi giáp công liên tục tấn công địch, xáp vào mở ra vùng yếu, phá hỏng kèm nội ô tạo điều kiện gấp rút tiến lên phối hợp cùng toàn miền thực hiện phương hướng chiến lược của Đảng” .

Để thực hiện nhiệm vụ trên, hội nghị quyết định “Tổng động viên chính trị” trong toàn Đảng bộ, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân thị xã với khẩu hiệu: “Tất cả cho tiền tuyến! Tất cả cho chiến thắng! Tất cả để giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân!”. Cán bộ chỉ huy quân sự của tỉnh cùng Ban Thường vụ Thị ủy, Ban chỉ huy Thị đội và tất cả các cơ quan, ban ngành, xã phường, đoàn thể gấp rút bắt tay chuẩn bị cho cuộc Tổng công kích – tổng khởi nghĩa, chuẩn bị chiến trường, chuẩn bị lực lượng, xây dựng phương án tác chiến và phương án phát động quần chúng nổi dậy, đảm bảo hậu cần tiếp tê và hậu cần thông tin liên lạc; chuẩn bị cơ sở giấu ém lực lượng và bàn đạp xuất phát tấn công.

Ban chỉ huy Tổng công kích - tổng khởi nghĩa của thị xã do đồng chí Ngô Xuân Hạ bí thư Thị ủy làm chính ủy, đồng chí Nguyễn Hoán tham mưu phó Mặt trận 4 làm tư lệnh. Các đồng chí trong Ban Thường vụ Thị ủy và lãnh đạo các ban, ngành được phân công về các cánh và nội ô trực tiếp chỉ đạo công tác chuẩn bị mọi mặt cho Tổng công kích - tổng khởi nghĩa. Ban chỉ huy Thị đội phân công đồng chí Trần Hồng Thái- Thị đội trưởng phụ trách cánh Bắc nội ô, đồng chí Trần Văn Bừa- Thị đội phó phụ trách cánh Nam nội ô. 
Lực lượng vũ trang thị xã được tăng cường về quân số và trang bị. Ban chỉ huy Thị đội thành lập 3 tổ biệt động lót sâu vào các vùng Sơn Phòng, Mình Hương, Cẩm Phô hoạt động xây dựng tự vệ mật trong các đường phố, điều tra nắm tình hình địch. Du kích mật ở vùng yếu phát triển được 26 tổ phân bổ đều khắp ở các vùng Xóm Mới, Sơn Phô, Trường Lệ, Tử Lễ, Hậu Xá, Thanh An, Phước Trạch, Gành, Cẩm Nam và Cẩm Kim. Du kích các xã được bổ sung và củng cố: xã Cẩm Thành xây dựng được 2 trung đội, xã Cẩm Hà 1 trung đội, Cẩm Châu và Cẩm Nam mỗi xã 2 tiểu đội, Cẩm An và Cẩm Kim mỗi xã 1 tiểu đội. Các thôn An Bàng, Xóm Chiêu, thôn 4 xã Cẩm Nam, Trà Quế, Cửa Suối, Bàu Ốc đều xây dựng 1 tiểu đội du kích thôn.

Ban Thường vụ Thị ủy chủ trương dựa trên cơ sở thực lực và khả năng để thành lập một đại đội đặc công. Ngày 15 tháng 12 năm 1967, Ban chỉ huy Thị đội thành lập đại đội đặc công, mang phiên hiệu C2, gồm 35 chiến sĩ, chủ yếu rút các chiến sĩ từ trung đội 2 của đại đội bộ đội địa phương thị xã để xây dựng khung, còn lại điều động lực lượng nòng cốt du kích của các xã bổ sung. Ban chỉ huy đại đội gồm có đồng chí Đinh Văn Minh làm đại đội trưởng, đồng chí Phan Ngọc Đương làm đại đội phó, đồng chí Huỳnh Phước Cư làm chính trị viên và bí thư chi bộ đảng đại đội, đồng chí Nguyễn Nhỏ làm chính trị viên phó. Trong đơn vị có chi bộ đảng gồm 8 đảng viên, chi đoàn thanh niên có 17 đoàn viên và 10 quần chúng. Đại đội phân thành 3 trung đội, trang bị của đại đội gồm có 3 khẩu B40, 1 trung liên Mỹ, còn lại là súng AK cá nhân. Đại đội bộ binh của thị xã được tăng cường, kiên toàn lấy phiên hiệu là C1, do đồng chí Văn Thanh Tùng làm đại đội trưởng, đồng chí Mai Văn Liền làm chính trị viên.

Đầu tháng 1 năm 1968, phương án Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân ở thành phố Đà Nẵng, thị xã Hội An và các huyện Hòa Vang, Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc được phê chuẩn và phê duyệt. Thường vụ Khu ủy V và Thường vụ Đặc khu ủy Quảng Đà quyết định tập trung lớn nỗ lực cho trọng điểm Đà Nẵng . Các đồng chí Võ Văn Đặng phái viên Khu ủy khu V,  Hoàng Văn Lai ủy viên Ban Thường vụ Đặc khu ủy Quảng Đà và một số cán bộ chính trị của tỉnh, các huyện Duy Xuyên, Điện Bàn, Thăng Bình được cấp trên điều động tăng cường tham gia chuẩn bị, chỉ đạo tổng tiến công và nổi dậy trên chiến trường Hội An. Theo chỉ thị của Đặc khu ủy Quảng Đà, các xã phía đông dưới đường quốc lộ 1 có nhiệm vụ tham gia trực tiếp cuộc tổng tấn công và nổi dậy tại thị xã Hội An, gồm có các xã Bình Giang, Bình Triều, Bình Đào, Bình Dương (huyện Thăng Bình); Xuyên Phước, Xuyên Thọ, Xuyên Nghĩa, Xuyên Long, Xuyên Tân, Xuyên An (huyện Duy Xuyên); Điện Thành, Điện Nam, Điện Phương, Điện Ngọc, Điện Dương, Điện Hải (huyện Điện Bàn).
Cùng với sự trưởng thành của lực lượng vũ trang, lực lượng chính trị của quần chúng chuẩn bị cho tổng công kích - tổng khởi nghĩa được huy động tối đa. Bộ máy lãnh đạo đấu tranh chính trị được kiện toàn, gồm cả bộ máy chỉ huy do cán bộ hợp pháp đảm trách và bộ máy chỉ huy gồm cán bộ thoát ly hoạt động bí mật; từ chỉ huy chung toàn thị xã đến chỉ huy từng vùng, chỉ huy liên lạc, binh vận, trinh sát, xung kích, nòng cốt. Lực lượng chính trị quần chúng ở các vùng nông thôn giải phóng biên chế thành các tổ, tiểu đội, trung đội, đại đội, tiểu đoàn, từng cánh, từng mũi, do các cán bộ có kinh nghiệm lãnh đạo và chỉ huy. Ở các nơi công cộng trong nội ô như bến xe, bến đò, chợ, nhà thương, trường học đều thành lập các tổ huy động quần chúng.

Đến ngày 10 tháng 01 năm 1968, đợt “Tổng động viên chính trị” trong toàn dân cơ bản hoàn thành, ta thực hiện “nắm dân như nắm quân”, tổ chức 3 lần tập dượt đấu tranh nhập thị với quy mô lớn, huy động toàn lực lượng để rút kinh nghiệm và khích lệ tinh thần quần chúng. Công tác đảm bảo hậu cần cho chiến dịch cũng được giải quyết khẩn trương và chu đáo. Cơ sở của ta bằng các đường hợp pháp hoặc bí mật mua đường, sữa, gạo, xăng dầu và nhiều nhu yếu phẩm khác với hàng chục tấn từ vùng địch lần lượt chuyển ra chôn giấu dự trữ ở An Bàng, Trà Quế, Cẩm Thanh, Xuyên Thọ để sẵn sàng tiếp tế cho bộ đội. Hàng trăm hầm bí mật, công sự và hàng trăm ghe thuyền cùng với lực lượng dân công hùng hậu được khẩn trương chuẩn bị sẵn sàng phục vụ chiến trường.

(Còn nữa, mời xem tiếp kỳ 2: Tương quan lực lượng và phương án tác chiến)
Người biên soạn: Nguyễn Văn Lanh

Nguyễn Văn Lanh

Lượt xem:  0 Bản in Quay lại


Kỳ 2: TƯƠNG QUAN LỰC LƯỢNG VÀ PHƯƠNG ÁN TÁC CHIẾN 12/02/2018

Cho đến thời điểm giáp Tết Mậu Thân 1968, tình hình lực lượng quân sự địch trên chiến trường Hội An gồm có: Quân ngụy có 1 tiểu đoàn bảo an cùng 2 trung đội pháo có 4 khẩu 105 ly và 155 ly đóng tại cứ điểm Chi Lăng, 1 tiểu đoàn biệt động quân (1 đại đội đóng tại lao xá, 1 đại đội đóng tại sân bay, 1 đại đội đóng tại tiểu khu, 1 đại đội đóng tại tỉnh đường), 2 đại đội biệt kích (1 đại đội đóng ở khu Tây Hồ, 1 đại đội đóng ở Cẩm Kim), 1 đại đội cảnh sát dã chiến (450 tên) đóng dọc bờ sông hướng nhìn qua Cẩm Nam, 1 tiểu đoàn công binh (phiên hiệu số 102, có 2 đại đội), 1 đại đội hành chính tiếp vận, 1 đại đội quân vụ, 1 đại đội thám báo đóng ở tỉnh đường, 2 đại đội ngụy quân chủ lực thuộc trung đoàn 51 (1 đại đội thuộc trung đoàn 51 đóng tại Cồn Chài, Trường Lệ, bến xe cũ, Cẩm Nam và 1 đại đội thuộc D4/E51 đóng tại tiểu khu), 1 chi đoàn thiết xã vận 13-15 chiếc M113 tại chợ cá Cẩm Hà, 1 trận địa pháo ở Lai Nghi với 21 khẩu pháo cùng 77 chiếc cơ giới các loại chi viện trực tiếp cho chiến trường Hội An, 1 đại đội hải thuyền phụ trách duyên đoàn 14 tại Cửa Đại. Ngoài ra còn có 7 trung đội nghĩa quân, 7 đoàn bình định... Quân Nam Triều Tiên có 1 tiểu đoàn đóng ở Dốc Luyện xã Cẩm An và Cồn Thương xã Điện Dương luôn có từ 30-32 chiến xe thường trực phục vụ hành quân, 1 đại đội đóng ở cơ quan quận Hiếu Nhơn, 1 đại đội đóng tại bến xe cũ, 1 đại đội và 1 tiểu đoàn bộ đóng ở Cẩm Hà - Lai Nghi. Quân Mỹ có 1 trung đội bảo vệ cơ quan USOM, 1 đại đội đóng tại thôn 5 xã Cẩm Thanh, tiểu đoàn bộ binh và cơ giới đóng dọc các vùng Điện Nam, Điện Ngọc sẵn sàng cơ động ứng chiến cho Hội An.

KỲ 3: HÀNH QUÂN TIẾN VỀ PHỐ HỘI 12/02/2018

Đêm 30 tháng 01 năm 1968, lực lượng vũ trang từ vùng đông các huyện Thăng Bình, Duy Xuyên bí mật hành quân qua xã Cẩm Thanh. Trên đoạn sông Cổ Cò tại Cồn Đầm (Thanh Tây- Cẩm Châu), Hội đồng cung cấp tiền phương của thị xã huy động gần 40 chiếc ghe kết dây lại với nhau rồi trải các tấm liếp đan bằng tre ghép lại làm cầu nổi đưa 2 tiểu đoàn bộ đội tỉnh qua sông tập kết vào Xóm Chiêu xã Cẩm Châu và Trà Quế xã Cẩm Hà. Sở chỉ huy chuyển vào đóng tại Trường Lệ gần sát mục tiêu tấn công; hệ thống điện đàm, liên lạc đến các mũi tiến quân được thiết lập. Cùng lúc ấy, trong màn đêm, từng đợt ghe thuyền chuyển lực lượng quần chúng khởi nghĩa từ Duy Xuyên, Thăng Bình vượt qua sông Thu Bồn, từ Cẩm Thanh vượt các con lạch, từ Cẩm Kim vượt qua Vĩnh Thành… bí mật tập kết về thôn 4 xã Cẩm Nam. Ngoài các bến sông ghe thuyền dày đặc, các đội thuyền Cẩm Nam, Xuyên Long, Cẩm Thanh sẵn sàng chờ lệnh. Ở các cánh khác, lực lượng quần chúng khởi nghĩa cũng hành quân đến các vị trí cuối cùng sát ven nội ô, đội ngũ chặt chẽ sẵn sàng chờ lệnh.

Kỳ 4: KHÚC TRÁNG CA HÀO HÙNG 12/02/2018

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ thị xã, quân và dân Hội An đã nỗ lực phi thường, đem hết tinh thần và lực lượng để thực hiện quyết tâm chiến lược của Đảng với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh!”, “Tất cả để chiến thắng giặc Mỹ xâm lược!”. Qua đợt tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, ta đã tiêu diệt 625 tên địch (trong đó có 125 tên Nam Triều Tiên), bắt sống 107 tên, thu 81 súng các loại, phá hủy 3 pháo 105 ly, bắn cháy 1 xe Jeep, 3 xe bọc thép M113, phá hủy 50 xe vận tải, chiếm giữ một số vị trí quan quan trọng của địch ở nội ô suốt hơn một ngày. Với những thành tích đó, quân và dân Hội An được Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng Trung Trung bộ tặng Huân chương Quân công hạng nhì. Các xã Cẩm Châu và Cẩm Thanh được tặng Huân chương giải phóng hạng nhất. Các xã Cẩm Hà, Cẩm An được tặng Huân chương giải phóng hạng nhì và nhiều đơn vị, địa phương, cá nhân được tặng thưởng những danh hiệu cáo quý khác .

Kỳ 5: TẾT MẬU THÂN DƯỚI GÓC NHÌN VĂN HÓA 12/02/2018

Trong lịch sử oai hùng của dân tộc Việt Nam cũng đã từng có một cái Tết Kỷ Dậu 1789 lẫy lừng với cuộc hành binh thần tốc của anh hùng áo vải Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh, làm chấn động đất trời Đông- Tây- Nam- Bắc. Nhiều đế chế phong kiến hùng mạnh thời bấy giờ phải nể phục một dân tộc Việt qủa cảm, anh hùng!

Kế hoạch tổ chức các hoạt động 50 năm Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu thân 1968 12/02/2018

I.Mục đích, yêu cầu : - Nhằm khẳng định tầm vóc và ý nghĩa lịch sử to lớn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968; khẳng định đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và quyết tâm đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước của toàn dân, toàn quân ta; góp phần giáo dục truyền thống lịch sử đấu tranh cách mạng kiên cường, truyền thống yêu nước sâu sắc, sức mạnh của tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam. - Đây là dịp để Đảng bộ, Chính quyền, Nhân dân thành phố Hội An tôn vinh, tưởng nhớ những anh hùng, chiến sĩ, đồng bào đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trong cuộc quyết chiến lịch sử cách đây 50 năm. - Các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm cần tiến hành dưới nhiều hình thức, thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm, tạo khí thế phấn khởi trong nhân dân, gắn với các hoạt động mừng Đảng, mừng xuân Mậu Tuất và các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, của tỉnh và thành phố trong quý I-2018.

ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN 50 NĂM CUỘC TỔNG TIẾN CÔNG MẬU THÂN 1968 05/02/2018

ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN Kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968

Văn bản mới

tra cuu van ban
banner van ban trung uong

Video Clip

This text will be replaced

Thư viện hình ảnh

Liên kết hữu ích