Kỳ 2: TƯƠNG QUAN LỰC LƯỢNG VÀ PHƯƠNG ÁN TÁC CHIẾN
uct
du lịch, tour du lich
Kỳ 2: TƯƠNG QUAN LỰC LƯỢNG VÀ PHƯƠNG ÁN TÁC CHIẾN (12/02/2018)
Cho đến thời điểm giáp Tết Mậu Thân 1968, tình hình lực lượng quân sự địch trên chiến trường Hội An gồm có: Quân ngụy có 1 tiểu đoàn bảo an cùng 2 trung đội pháo có 4 khẩu 105 ly và 155 ly đóng tại cứ điểm Chi Lăng, 1 tiểu đoàn biệt động quân (1 đại đội đóng tại lao xá, 1 đại đội đóng tại sân bay, 1 đại đội đóng tại tiểu khu, 1 đại đội đóng tại tỉnh đường), 2 đại đội biệt kích (1 đại đội đóng ở khu Tây Hồ, 1 đại đội đóng ở Cẩm Kim), 1 đại đội cảnh sát dã chiến (450 tên) đóng dọc bờ sông hướng nhìn qua Cẩm Nam, 1 tiểu đoàn công binh (phiên hiệu số 102, có 2 đại đội), 1 đại đội hành chính tiếp vận, 1 đại đội quân vụ, 1 đại đội thám báo đóng ở tỉnh đường, 2 đại đội ngụy quân chủ lực thuộc trung đoàn 51 (1 đại đội thuộc trung đoàn 51 đóng tại Cồn Chài, Trường Lệ, bến xe cũ, Cẩm Nam và 1 đại đội thuộc D4/E51 đóng tại tiểu khu), 1 chi đoàn thiết xã vận 13-15 chiếc M113 tại chợ cá Cẩm Hà, 1 trận địa pháo ở Lai Nghi với 21 khẩu pháo cùng 77 chiếc cơ giới các loại chi viện trực tiếp cho chiến trường Hội An, 1 đại đội hải thuyền phụ trách duyên đoàn 14 tại Cửa Đại. Ngoài ra còn có 7 trung đội nghĩa quân, 7 đoàn bình định... Quân Nam Triều Tiên có 1 tiểu đoàn đóng ở Dốc Luyện xã Cẩm An và Cồn Thương xã Điện Dương luôn có từ 30-32 chiến xe thường trực phục vụ hành quân, 1 đại đội đóng ở cơ quan quận Hiếu Nhơn, 1 đại đội đóng tại bến xe cũ, 1 đại đội và 1 tiểu đoàn bộ đóng ở Cẩm Hà - Lai Nghi. Quân Mỹ có 1 trung đội bảo vệ cơ quan USOM, 1 đại đội đóng tại thôn 5 xã Cẩm Thanh, tiểu đoàn bộ binh và cơ giới đóng dọc các vùng Điện Nam, Điện Ngọc sẵn sàng cơ động ứng chiến cho Hội An.

Về phía ta, bộ đội tỉnh ngoài tiểu đoàn 2 (V25) gồm 4 đại đội với tổng quân số khoảng 350 cán bộ, chiến sĩ, ngày 25 tháng 01 năm 1968, Bộ tư lệnh Mặt trận 4 quyết định tăng cường thêm tiểu đoàn 3 quân số khoảng 350 cán bộ, chiến sĩ. Lực lượng vũ trang Hội An gồm có 2 đại đội bộ đội địa phương quân số hơn 80 cán bộ, chiến sĩ và 183 đội viên du kích các xã. Vũ khí của bộ đội ta chủ yếu là tiểu liên AK, B40, B41, bộc phá, thủ pháo, lựu đạn; hỏa lực bắn thẳng có 2 khẩu ĐK75 mỗi khẩu 14 quả đạn, 6 khẩu cối 81 mỗi khẩu 20 quả đạn. Lực lượng quần chúng khởi nghĩa dự kiến huy động ở các vùng nông thôn thị xã và các huyện Thăng Bình, Duy Xuyên, Điện Bàn tổng cộng trên 15.000 người.

Ngày 26 tháng 01 năm 1968, sau khi khảo sát địa bàn và kiểm tra tình hình chuẩn bị của các đơn vị, Ban chỉ huy chiến dịch họp các lãnh đạo đấu tranh chính trị và chỉ huy các đơn vị vũ trang thông qua phương án tổng tiến công và nổi dậy:
- Huy động triệt để lực lượng cách mạng quần chúng khởi nghĩa giành chính quyền là chính, sử dụng bạo lực cách mạng của quần chúng là chủ yếu để lật đổ chính quyền địch. Lực lượng vũ trang có nhiệm vụ đánh chiếm một số mục tiêu then chốt để tiêu diệt và tiêu hao sinh lực địch, hỗ trợ quần chúng khởi nghĩa.

- Lực lượng chính trị tấn công vào nội ô theo 4 cánh: bắc, tây, đông, nam. Ở cánh nam huy động cả lực lượng quần chúng cách mạng của vùng đông các huyện Thăng Bình và Duy Xuyên tham gia. Ở cánh tây huy động thêm lực lượng quần chúng cách mạng của các xã lân cận thuộc huyện Điện Bàn tham gia. Mỗi cánh chia làm nhiều mũi, có du kích đi cùng, trang bị súng, dao, gậy, lựu đạn... với 3 nhiệm vụ: khởi nghĩa, binh vận và vũ trang tác chiến trên đường tiến quân; đưa “tối hậu thư” vào các đồn bót đề nghị địch đầu hàng, tiến sâu vào các vị trí địch ở trung tâm thành phố, cùng lực lượng quần chúng nội ô giành chính quyền.
- Tiểu đoàn 2 và tiểu đoàn 3 của Mặt trận 4 làm chủ công ở hướng tiến công phía đông bắc, mục tiêu chính là đánh chiếm tiểu khu Quảng Nam (có 1 tiểu đoàn thuộc trung đoàn 51 chủ lực ngụy canh giữ và một số xe tăng bố trí dọc các ngã tư bao quanh phòng ngự từ xa). Để mở cửa tấn công đánh vào tiểu khu Quảng Nam, trước hết phải chiếm khu công binh do tiểu đoàn 102 ngụy đóng giữ và khu Chi Lăng. Đại đội 2 của Hội An được giao nhiệm vụ bảo vệ sở chỉ huy chiến dịch, sẵn sàng đánh địch phản kích. Đại đội 1 của Thị đội Hội An tiêu diệt địch ở Cẩm Nam tạo điều kiện cho lực lượng chính trị cánh nam tiến vào nội ô. Du kích các xã vừa bố trí chặn đánh các hướng tiếp viện từ các vị trí ở ngoại ô, vừa hỗ trợ và tham gia cùng lực lượng quần chúng khởi nghĩa giành chính quyền.

Đêm 26 tháng 01 năm 1968, Ban chỉ huy hạ lệnh tác chiến cho các đơn vị. Đồng bào các vùng giải phóng tổ chức ăn Tết trước, thề “Không giành được thắng lợi không trở về!”, “Mũi ta sắc nhọn chứ không tà!”. Đồng bào từ các khu dồn lấy cớ về quê ăn Tết để bí mật gia nhập vào đội quân khởi nghĩa. Lực lượng quần chúng cách mạng trong nội ô được lệnh chuẩn bị tiếp tế và phối hợp hành động.

Bọn địch ở Hội An lúc này cũng dự lường ta sẽ đánh lớn trong dịp Tết nhưng qua những đòn đau đã nếm trải trong suốt năm 1967 và những ngày đầu 1968 làm cho chúng không thể phán đoán ta sẽ đánh vào đâu, quy mô, phương thức, sử dụng lực lượng như thế nào. Vì vậy, chúng ra lệnh báo động, điều thêm lực lượng về phòng ngự, ráo riết canh phòng chuẩn bị đối phó. Riêng tiểu đoàn Nam Tiều Tiên lúc này vẫn nghi quân ta đang tập kết đông ở xã Xuyên Thọ nên tiếp tục càn quét, truy lùng hòng “tìm diệt”, ngăn chặn từ xa. Trên sông Thu Bồn, hải thuyền địch lên xuống quầng liên tục cả ngày và đêm nhưng nhân dân ta đã khéo léo huy động tổ chức cả hàng trăm chuyến ghe từ vùng thôn 1 Cẩm Thanh qua Xuyên Thọ đón bộ đội mà địch vẫn không hề hay biết.

(Còn nữa, mời xem tiếp kỳ 3:Hành quân tiến về Phố Hội)
Người biên soạn: Nguyễn Văn Lanh

 

Nguyễn Văn Lanh

Lượt xem:  873 Bản in Quay lại

Tin đã đưa

Văn bản mới

banner van ban trung uong

Video Clip

This text will be replaced

Thư viện hình ảnh

Website các phòng ban - xã phường