Kỳ 4: KHÚC TRÁNG CA HÀO HÙNG
uct
du lịch, tour du lich
Kỳ 4: KHÚC TRÁNG CA HÀO HÙNG (12/02/2018)
Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ thị xã, quân và dân Hội An đã nỗ lực phi thường, đem hết tinh thần và lực lượng để thực hiện quyết tâm chiến lược của Đảng với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh!”, “Tất cả để chiến thắng giặc Mỹ xâm lược!”. Qua đợt tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, ta đã tiêu diệt 625 tên địch (trong đó có 125 tên Nam Triều Tiên), bắt sống 107 tên, thu 81 súng các loại, phá hủy 3 pháo 105 ly, bắn cháy 1 xe Jeep, 3 xe bọc thép M113, phá hủy 50 xe vận tải, chiếm giữ một số vị trí quan quan trọng của địch ở nội ô suốt hơn một ngày. Với những thành tích đó, quân và dân Hội An được Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng Trung Trung bộ tặng Huân chương Quân công hạng nhì. Các xã Cẩm Châu và Cẩm Thanh được tặng Huân chương giải phóng hạng nhất. Các xã Cẩm Hà, Cẩm An được tặng Huân chương giải phóng hạng nhì và nhiều đơn vị, địa phương, cá nhân được tặng thưởng những danh hiệu cáo quý khác .

Tuy nhiên, do lực lượng quân sự giữa ta và địch quá chênh lệch, ta chưa đánh giá tình hình chính xác lại phải tuân thủ tuyệt đối mệnh lệnh cấp trên, cho đây là trận quyết định và chắc thắng nên đưa phương án tác chiến chưa phù hợp, công tác chuẩn bị chiến trường chưa tốt, hợp đồng chiến đấu giữa các mũi tiến công chưa chặt chẽ nên hiệu suất chiến đấu chưa cao. Ta sử dụng hai tiểu đoàn bộ binh quân số ít đánh vào hai khu vực của hai tiểu đoàn địch phòng thủ trong công sự kiên cố, trang bị hỏa lực mạnh. Do đó, khi chiếm lĩnh được trận địa thì ta bị thương vong nhiều, vũ khí vơi cạn, trời đã sáng tỏ, lại không có xe tăng hỗ trợ nên không thể phát triển tiếp tục đánh vào tiểu khu, tỉnh đường giữa ban ngày. Khi địch đã hết bất ngờ, nắm được cán cân lực lượng, đã ổn định tinh thần và đội ngũ, tăng cường viện binh, tiến hành phản kích thì quân ta lọt vào thế bị bao vây, cô lập nên phải rút ra vòng ngoài để đánh phản kích, bảo tồn lực lượng.

Bên cạnh đó, việc đánh giá khả năng nổi dậy của quần chúng một cách chủ quan, đơn giản, sử dụng bạo lực chính trị chưa đúng thời cơ, không tính đến phản ứng quyết liệt và tàn bạo của địch nên đề ra kế hoạch quá cao, cho rằng nếu lực lượng quân sự không tiến sâu được thì vẫn dùng lực lượng quần chúng làm áp lực giành chính quyền. Mặc khác, kế hoạch của cấp trên thay đổi liên tục, thời gian nổ súng dời đi dời lại ba lần, đến lúc đưa quân vào vị trí chuẩn bị xuất kích thì Ban chỉ huy Hội An mới nhận được lệnh hoãn sang ngày sau. Vì vậy, cũng như các địa phương khác ở Quảng Đà, cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân Hội An vẫn diễn ra vào đêm 30 rạng 31 tháng 01 năm 1968, trước một đêm so với chiến trường Quảng Nam. Thêm vào đó, các hướng tấn công vào Đà Nẵng không kết quả nên địch có điều kiện tập trung đối phó tại trung tâm đầu não tỉnh lỵ Hội An.

Do những nhược điểm và nguyên nhân nêu trên nên những mục tiêu chủ yếu của cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 ở chiến trường Hội An chưa đạt được. Tuy nhiên, “bài học của trận đánh Hội An lần này là đánh trong điều kiện gấp rút, dám đánh và đánh được đó là nhờ quyết tâm” .

Đã bao lần quân và dân Hội An có những trận đánh sâu, “nở hoa trong lòng địch”, đã bao lần đồng bào ta có những cuộc đấu tranh chính trị vào tận cơ quan đầu não của ngụy quyền Quảng Nam. Nhưng với chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, lần đầu tiên quân và dân Hội An đồng loạt tấn công và nổi dậy với quy mô lớn, khí thế sục sôi, với một lực lượng đông đảo chưa từng có và một tinh thần qủa cảm vô biên.
Một chiến dịch mà nhân dân chắt chiu cất giấu từng lon gạo, lít dầu, lon sữa, viên thuốc, từng đòn bánh tét, gói bánh chưng để phục vụ chiến trường.

Một chiến dịch mà nhân dân huy động từng chiếc ghe, lấy tre đan từng tấm liếp ghép lại làm cầu nổi trên sông để gần một nghìn bộ đội hành quân vượt sông lạch tiến về Phố Hội.
Một chiến dịch mà nhân dân đào hầm, làm công sự ngay các vùng sát nách địch như Trà Quế, Xóm Chiêu, Trường Lệ để quân ta tập kết, đóng sở chỉ huy và chăm sóc thương binh.

Một chiến dịch nổ ra giữa những ngày Tết ngay trong lòng thành phố không chỉ có cán bộ chỉ huy và các chiến sĩ, mà rất đông các cụ, các mẹ gìa, các chị, các em bé- cả gia đình, dòng tộc, xóm làng đều xông pha.
Một chiến dịch mà cả con người, đất trời, cỏ cây, sông nước đều ra trận, đều hóa thân thành anh hùng.

(Còn nữa, mời xem tiếp kỳ 5: Tết Mậu Thân dưới góc nhìn văn hóa)
Người biên soạn: Nguyễn Văn Lanh

Nguyễn Văn Lanh

Lượt xem:  640 Bản in Quay lại

Tin đã đưa

Văn bản mới

banner van ban trung uong

Video Clip

This text will be replaced

Thư viện hình ảnh

Website các phòng ban - xã phường