Triển vọng từ mô hình bảo vệ nguồn giống thủy sản ở Hội An
uct
du lịch, tour du lich
Triển vọng từ mô hình bảo vệ nguồn giống thủy sản ở Hội An (31/03/2021)
Quản lý và khai thác bền vững một số nhóm nguồn lợi cá có giá trị thương phẩm kết hợp với tour du lịch đang là hướng khai thác triển vọng tại Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An.

 

Tổ quản lý cộng đồng tổ chức tuần tra 2 ngày/lần

Quản lý nguồn giống

Làm nghề chài lưới trên sông, ngư dân Diệp Hồ ở xã Cẩm Thanh – TP. Hội An đã hợp tác với Viện Hải dương học Nha trang làm Tổ trưởng Tổ quản lý cộng đồng gồm 12 thành viên và triển khai đánh bắt thử nghiệm một số loại ngư cụ mới. 

Du khách khám phá cỏ biển nằm dưới mực nước 50cm

Trước đây, khi khai thác trên vùng hẹ (giới khoa học gọi là thảm cỏ biển) trên sông từ rừng dừa nước Cẩm Thanh xuống gần khu vực cửa biển Cửa Đại, ngư dân này thường sử dụng lờ dây có mắc lưới nhỏ có thể đánh bắt thủy sản ở mọi kích thước. Bây giờ, ông  đưa vào thử nghiệm 2 loại lờ có mắc lưới lớn hơn là lờ dây và rập tròn có mắc lưới từ 20mm trở lên. “Loại lồng sưa ni chỉ bắt con cá lớn thôi, con cá nhỏ còn lại sau này nó lớn lên mình sẽ bắt tiếp thì có hiệu quả hơn” – Ngư dân Diệp Hồ, cho biết.

Cẩm Thanh là vùng đệm trong Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An, đây là nơi ngập nước cửa sông ven biển với rừng ngập mặn và cỏ biển. Trong đó, cỏ biển quanh năm sống chìm trong môi trường nước, là nơi cư trú, sinh sống của nhiều loài động vật biển có giá trị, nhất là các loại tôm, cua, ghẹ và động vật thân mềm. Hiện tại vùng rừng dừa Bảy Mẫu Cẩm Thanh có tổng cộng 92 loài thủy sản, cùng với đó, các thảm cỏ biển là nơi sinh sống và bắt mồi, ẩn nấp của ấu thể nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế.

Theo nghiên cứu của Viện Hải dương học Nha Trang, trong khu vực Cẩm Thanh có nhiều con giống của các loài cá mú mè, cá mú điểm gai, cá dìa bông, cá dò, cá hồng bạc, cá nâu,… Đây là những đối tượng chính có con mẹ ở vùng biển Cù Lao Chàm; cá bố mẹ đẻ con ở các rạn vùng nước sâu Cù Lao Chàm, sau đó trứng nổi lên, theo dòng chảy và sóng biển đưa vào vùng cửa sông Cẩm Thanh. Từng đối tượng nguồn giống xuất hiện với các thời điểm khác nhau, cụ thể vào tháng 4 chủ yếu là cá mú, tháng 6 tháng 7 là cá dìa và cá hồng.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Long – Viện Hải dương học Nha Trang cho biết, trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước “Nghiên cứu cơ chế phát tán nguồn giống và tính liên kết quần thể nguồn lợi nâng cao hiệu quả quản lý các khu bảo tồn vùng biển ven bờ từ Quảng trị đến Kiên Giang”, Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An là nơi duy nhất được chọn để thiết lập mô hình trình diễn theo phương thức quản lý nguồn lợi gắn kết với hệ sinh thái nhằm hướng đến quản lý và khai thác bền vững một số nhóm nguồn lợi cá có giá trị thương phẩm cao, trong đó con giống cư trú và phát triển ở vùng cửa sông Thu Bồn nơi có sự hiện diện của rừng dừa nước và thảm cỏ biển, còn nguồn lợi thương phẩm trưởng thành lại ghi nhận trên rạn san hô Cù Lao Chàm.

Xem đánh bắt bằng ngư cụ có mắc lưới lớn để bảo vệ nguồn giống

“Mục tiêu của đề tài là thiết lập mô hình quản lý nguồn giống ở tại Cẩm Thanh và nguồn lợi bố mẹ từ Cù Lao Chàm. Làm sao giữ được con bố mẹ và con giống để từng bước tái tạo và phục hồi nguồn lợi, mục đích là gia tăng bày đàn và tạo điều kiện cho ngư dân khai thác được nhiều hơn, duy trì cuộc sống ổn định hơn” – Tiến sĩ Nguyễn Văn Long – Viện Hải dương học Nha Trang, nói.

Kết hợp làm du lịch

Trong 2 năm 2019 và 2020, mô hình quản lý nguồn cá giống này đã thiết lập 2 khu vực bảo vệ con giống tại Cẩm Thanh với diện tích hơn 50ha và quản lý cá bố mẹ tại cụm Rạn Mành, Hòn Tai – Cù Lao Chàm với diện tích 300ha.

Trải nghiệm vùng sông nước luôn là điều thú vị với du khách

Tại Cù Lao Chàm, Tổ quản lý cộng đồng tiểu khu Bãi Hương và tại Cẩm Thanh có Tổ quản lý cộng đồng kết hợp với Tổ quản lý du lịch xã Cẩm Thanh thường xuyên tổ chức tuần tra 2 ngày/lần nhằm ngăn chặn và xử lý các hoạt động khai thác. Thời gian quản lý bảo vệ nguồn giống từ tháng 4 đến tháng 8 hằng năm, sau đó mở lại cho bà con ngư dân khai thác khi con giống đủ lớn.

Ông Huỳnh Sanh, Tổ quản lý du lịch xã Cẩm Thanh, chia sẻ: “Quá trình tạo nguồn giống cho thủy sản là đrất quan trọng, rất tốt vì mang tính lâu bền. Thêm vào đó, kết hợp khai thác bền vững và du lịch là tạo điều kiện cho người dân làm ăn lâu dài hơn”.

Từ năm 2019, Viện Hải dương học Nha Trang đã ký văn bản hợp tác với Công ty du lịch Jack’s Trần Tour để khai thác chương trình tour du lịch tìm hiểu, khám phá nguồn cá giống này. Du khách được đưa ra vùng dừa nước và thảm cỏ biển bằng thúng chai. Tìm hiểu hệ sinh thái dừa nước và cỏ biển ven các cồn gò, vực nước chung quanh các dãy dừa từ vùng triều thấp trở xuống.

TS Nguyễn Văn Long (Bìa trái) – Chủ nhiệm đề tài, làm việc tại Cẩm Thanh

Đây là một hệ sinh thái đặc thù trong vùng đất ngập nước với những loài thực vật bậc cao quanh năm sống chìm trong môi trường nước luôn có dòng chảy và sóng gió. Hệ sinh thái nhiệt đới điển hình này đã được chứng minh là quan trọng đối với môi trường trong vai trò điều hoà khí hậu, chống xói lở, gia tăng trầm tích, kết chặt trầm tích và hoạt động như một máy lọc sinh học, nâng cao chất lượng môi trường và duy trì cân bằng sinh thái. Lá và mùn bã hữu cơ do có biển tạo ra là nguồn thức ăn không thể thiếu cho các loài hải sản. Các hệ sinh thái này có sự đa dạng sinh học rất cao, là nơi cư trú, sinh sống của nhiều loài động vật biển có giá trị, nhất là các loại tôm, cua, ghẹ và động vật thân mềm. Sau đó, du khách trực tiếp xem ngư dân đánh bắt bằng lờ dây, rập tròn có mắc lưới lớn; tìm hiểu quá trình bảo vệ nguồn cá giống; thưởng thức các hoạt động hát dân ca, hô hát bả trạo và ẩm thực vùng sông nước.

Ông Trần Văn Khoa – Giám đốc Công ty Jack’s Trần Tour, nói: “Là doanh nghiệp khai thác tour sông nước này, tôi rất ủng hộ mô hình vì nó mang tính chất bền vững, khai thác có trách nhiệm với môi trường sinh thái. Dù mô hình đang thử nghiệm nhưng chắc chắn sẽ góp phần mang lại môi trường đánh bắt tốt hơn cho ngư dân, từ đó tạo môi trường du lịch tốt hơn cho Hội An về sau này”.

Quốc Hải

 

Lượt xem:  981 Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 25 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn bản mới

banner van ban trung uong

Video Clip

This text will be replaced

Thư viện hình ảnh

Website các phòng ban - xã phường