Áp lực của Cù Lao Chàm
uct
du lịch, tour du lich
Áp lực của Cù Lao Chàm (11/11/2015)
Dịch vụ du lịch phát triển đột biến; điện lưới quốc gia sẽ được kéo ra đảo, cơ sở hạ tầng được đầu tư… là những tín hiệu vui nhưng cũng đặt ra nhiều áp lực trong quá trình phát triển, giữ gìn nét đặc trưng của Cù Lao Chàm.

Cảnh báo

Trong 5 năm, thu nhập bình quân đầu người ở xã đảo Tân Hiệp (Hội An) tăng hơn 2 lần; lượng khách đến tham quan tăng gần gấp 5 lần; ngành kinh tế dịch vụ - du lịch - thương mại chiếm tỷ trọng hơn 50% trong cơ cấu kinh tế toàn xã. Đó là những con số ấn tượng, nhưng để đạt được, Cù Lao Chàm đang phải hứng chịu quá nhiều áp lực. “Cái bất cập chúng tôi đang lo hiện nay là vệ sinh môi trường. Một số cống xả nằm trong khu dân cư Bãi Làng chảy thẳng ra bờ biển, tạo thành vệt đen dài và có mùi hôi ở trước Bãi Làng” - ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND TP.Hội An nói.

Giữ nét hoang sơ, riêng có của Cù Lao Chàm là tiêu chí hàng đầu trong quá trình phát triển. Ảnh: Q.HẢI
Giữ nét hoang sơ, riêng có của Cù Lao Chàm là tiêu chí hàng đầu trong quá trình phát triển. Ảnh: Q.HẢI

Nguồn tài nguyên sinh quyển địa phương đang suy giảm; tình trạng khai thác các loài bào ngư, điệp quạt, ốc vú nàng, ốc nón, sao biển, trai tai tượng, cá cảnh... đang diễn ra khá phức tạp. Một số khu vực trên đảo đang bị ô nhiễm, thậm chí, các rạn san hô tại Bãi Bấc đã chết và bị sóng biển đánh lên bờ cát. Việc đầu tư mở đường quanh đảo, xây dựng bờ kè, sửa chữa lại âu thuyền, các công trình hạ tầng và cả những tour du lịch lặn ngắm san hô đã “góp phần” ảnh hưởng đến cảnh quan. Khảo sát của Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho thấy, sinh sống trên đảo nhưng có đến gần 80% người dân được hỏi đều chưa biết về khu dự trữ sinh quyển thế giới này. Hậu quả là môi trường sinh thái bị ô nhiễm, nguồn lợi trên rừng, dưới biển bị xâm hại.     

Dự kiến sắp tới Cù Lao Chàm sẽ có điện lưới quốc gia. Một số doanh nghiệp đang chuẩn bị đầu tư các dự án du lịch mới trên đảo ngay sau khi có điện. Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp trong nước đã ra đảo mua đất; một số người dân ở Bãi Hương, Bãi Làng sẵn sàng bán đất. Như vậy, tác động từ quá trình đô thị hóa thực sự là một nguy cơ có thể xảy ra trên vùng đảo hoang sơ này. “Chúng ta không tỉnh táo bây giờ thì một thời gian gần, khi điện ra rồi thì họa sẽ đến Cù Lao Chàm lớn hơn ngoài cái phúc là được điện. Chưa có du lịch thì dân khó khăn, đến khi phát triển thì hệ quả là môi trường, nếp sống người dân bị xáo trộn bởi kinh doanh, buôn bán chụp giựt. Sự hiền hòa, chân chất, thiệt thà của một bộ phận người dân Cù Lao Chàm bây giờ bắt đầu bị sự hỗn mang của thị trường thâm nhập. Đó là nguy cơ thực tế. Cái họa thứ hai, về mặt tự nhiên, môi trường thay đổi, ô nhiễm nhiều hơn, rác thải nhiều hơn” - ông Nguyễn Sự, Chủ tịch HĐND thành phố nói.

Phát triển du lịch tạo nhiều áp lực lên tự nhiên và xã hội ở Cù Lao Chàm.
Phát triển du lịch tạo nhiều áp lực lên tự nhiên và xã hội ở Cù Lao Chàm.

Giữ nhịp phát triển

Để dự lường nguy cơ phát triển ồ ạt các dự án xây dựng trên đảo, tác động tiêu cực đến cảnh quan sinh thái tự nhiên, chủ trương của Hội An hiện nay là không khuyến khích đầu tư các dự án phát triển du lịch lớn mà tập trung phát triển các loại hình dịch vụ, tạo điều kiện cho cư dân Cù Lao Chàm hưởng lợi trực tiếp. Bên cạnh đó, thành phố đã đề nghị tỉnh thu hồi một số dự án du lịch kéo dài quá lâu, thậm chí bỏ hoang.

Tại Cù Lao Chàm hiện còn duy nhất khu vực Đồng Chùa là có diện tích rộng với 2,15ha, trong đó có 1,57ha sản xuất lúa nhưng phần lớn đã bị bỏ hoang. Theo người dân, gần đây một số doanh nghiệp và cá nhân ngoài địa phương đã ra đảo hỏi mua đất trong khu vực Đồng Chùa này. Một số hộ sẵn sàng bán đất vì cho rằng đất sản xuất không hiệu quả mà bỏ hoang thì uổng phí. Trước thực tế này, địa phương tổ chức họp dân, thu hồi toàn bộ diện tích đưa vào phương án trồng cây xanh, lập công viên. “Khu vực này là đất nông nghiệp nhưng nếu bán đi thì nay mai sẽ thành đất xây dựng. Như vậy, toàn bộ không gian sống ở Cù Lao Chàm, còn duy nhất cánh Đồng Chùa, sẽ trở thành đô thị. Do đó, chủ trương của thành phố là bằng mọi giá phải thu hồi đất làm đất công, sau này có điều kiện phục vụ cho nhân dân và nhu cầu phát triển bền vững. Mục đích là giữ gìn nguyên vẹn tài nguyên sinh quyển biển đảo, giữ gìn từng không gian lao động, sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân Cù Lao Chàm” - ông Trần Tấn Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hiệp nói.

Mới đây, để hạn chế sự quá tải về khách du lịch, Hội An đã quy định cụ thể số lượng khách tham quan Cù Lao Chàm không được vượt quá 3.000 người trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 14 giờ hằng ngày. Thế nhưng, thời gian tới, khi cầu Cửa Đại hoàn thành, việc kiểm soát số lượng du khách ra Cù Lao Chàm không chỉ nằm ở Cửa Đại mà còn diễn ra tại Duy Duyên, Thăng Bình bởi các địa phương này cũng có quyền lập tuyến và cho xuất bến. Như vậy, khách ra Cù Lao Chàm sẽ nhiều hơn, nhưng sự quá tải là một nguy cơ thực sự; Hội An không thể can thiệp, kiểm soát được lượng khách ra đảo mỗi ngày.

Đề cập một nguy cơ khác tồn tại ngay trong đội ngũ cán bộ địa phương, ông Nguyễn Sự - Chủ tịch HĐND TP. Hội An cảnh báo: “Cù Lao Chàm phải hoang sơ, nguyên vẹn, không phải là phiên bản của Hội An. Thực tế, sự phát triển nào cũng phải trả giá, nhưng tôi đề nghị phải lường hết được cái giá phải trả quá đắt trong tương lai để ngăn ngừa. Bây giờ xuất hiện tình trạng chủ quan, bằng lòng, buông lỏng trong công tác kiểm tra, quản lý và tư tưởng ỷ lại đối với cán bộ, kể cả nhân dân nữa. Chính đó sẽ dẫn đến bế tắc, Cù Lao Chàm sẽ nát; phải thấy được nguy cơ chứ không chỉ thấy thuận lợi để cảnh giác mình, cảnh giác người dân mình!”.

QUỐC HẢI (baoquangnam.com.vn)

 

Lượt xem:  1,859 Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 4 1 2 3 4
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn bản mới

banner van ban trung uong

Video Clip

This text will be replaced

Thư viện hình ảnh

Website các phòng ban - xã phường