uct
du lịch, tour du lich
Chùa

Những ngôi chùa của Thiền phái Lâm tế Chúc thánh ở Hội An

20/01/2015
I. Vài nét về Thiền phái Lâm tế ở Hội An - Quảng Nam

Thiền phái Lâm tế Chúc thánh là một trong những chi nhánh của dòng thiền Lâm tế tại Trung Hoa. Thiền phái này được tổ sư Minh Hải Pháp Bảo khai sáng vào khoảng cuối thế kỷ XVII tại chùa Chúc Thánh Hội An - Quảng Nam.
Theo các tư liệu hiện tồn, vào thời chúa Dũng Quận Công Nguyễn Phúc Tần (1648 -1687) có vị Thọ tôn hoà thượng huý Nguyên Thiều theo các thuyền buôn sang Việt Nam, trú tại phủ Quy Ninh (Bình Định) và lập chùa Thập Tháp Di Đà rồi làm trù trì ở đó. Đến thời Hoằng Quốc Công Nguyễn Phúc Trăn (Thái), chúa rất sùng mộ Phật giáo, chúa cho dựng chùa tại Thuận Hoá (Huế) và cho mời Nguyên Thiều hoà thượng ra khai đại giới đàn. Nhân vì thiếu người trong ban Thập sư A Xà Lê, nên chúa bèn yêu cầu hoà thượng về Trung Quốc mời thêm một số danh tăng sang chứng đàn đồng thời thỉnh thêm pháp tượng, pháp khí. Về Quảng Đông, hoà thượng Nguyên Thiều mời được nhiều danh tăng như các ngài: Minh Hoằng Tử Dung, Minh Hành Tại Toại, Minh Vật Nhất Trí, Minh Hải Pháp Bảo, Minh Lượng, Minh Dung… và đại giới đàn được khai ở chùa Báo Quốc.
Sau khi chứng đàn, tổ Nguyên Thiều khai sơn chùa Bảo Ân và Hà Trung ở Huế, ngài Minh hoằng Tử dung truyền pháp cho tổ Thiệt Diệu lập thành dòng phái Liễu Quán thì tổ Minh Hải và Minh Lượng vào Hội An - Quảng nam, tổ Minh Hải khai sơn chùa Chúc Thánh, tổ Minh Lượng khai sơn chùa Vạn Đức. Kể từ khi tổ Minh Hải dựng chùa, xuất kệ truyền thừa thiền phái Lâm tế Chúc Thánh ở Hội An - Quảng Nam đã trải qua trên 300 năm hình thành và phát triển. Hiện nay, dòng thiền này không ngừng phát triển, mở rộng không những trong tỉnh, trong nước mà còn ở nhiều nước khác trên thế giới.

II. Những ngôi chùa tiêu biểu trên đất Hội An

Chùa Chúc Thánh (Chúc Thánh tự): Chùa nằm cách trunh tâm phố cổ Hội An khoảng 2 km về phía Tây Bắc. Nguyên lúc ban sơ chùa chỉ là một ngôi thảo am (am bằng tranh) do tổ sư Minh Hải Pháp Bảo (tục danh là Lương Thế Ânn) dựng nên để tu tập, dần dần đạo hạnh của ngài có ảnh hưởng rất lớn nên có nhiều đồ đệ, thiện nam tín nữ đương thời theo học ngày một đông, đồng thời họ cũng đã góp phần phát triển quy mô của ngôi chùa với tên gọi là chùa Chúc Thánh.
Chùa Chúc Thánh được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVII trên một khoảng đất cát rộng thuộc xã Thanh Hà, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn của dinh Quảng nam nay là phường Tân An Thị xã Hội An. Mặt chùa được xoay theo hướng Tây Nam, kiến trúc tổng thể dựng theo hình chữ “quốc” gồm chính điện, nhà tổ và hai chái Đông, Tây. Phần chính điện được xây dựng khá quy mô với hệ thống cột đồ sộ cao vút, tạo cho ngôi chùa một không gian thoáng đãng uy nghi. Các vì kèo “chồng rường giả thủ”, “cột trốn kẻ chuyền” trong chính điện vừa thể hiện sự kết hợp hài hoà giữa các phong cách kiến trúc Việt - Hoa vừa tạo nét độc đáo cho một ngôi chùa cổ xưa. Hệ thống tượng thờ trong chùa đều là “những tác phẩm điêu khắc nghệ thuật tuyệt mỹ”, từ tượng phật Thích Ca, Di Đà đến các tượng Bồ Tát, Hộ pháp… đều được chạm khắc hết sức tài hoa, sống động. Nhà tổ (hậu điện) xây dựng đơn giản hơn, đây là nơi đặt thờ long vị của những vị tổ sư, trù trì của chùa qua các đời. Hệ thống long vị, bài vị cũng được chạm trổ hết sức công phu, sắc xảo thể hiện bàn tay tài hoa của các nghệ nhân xưa.
Ngoài ra, trong khuôn viên chùa còn có 16 tháp mộ của các vị sư trù trì qua các thế hệ. Đặc biệt, ở góc tây chùa có ngôi tháp 7 tầng của vị tổ sư khai sơn ngôi chùa, đó là tháp của tổ Minh Hải Pháp Bảo.
Kể từ khi được tổ sư Minh Hải khai sáng đến nay, chùa Chúc Thánh được xem như là ngôi chùa tổ của dòng thiền Lâm Tế ở Quảng Nam nên thường được gọi là Tổ đình Chúc Thánh. Hằng năm, vào ngày mồng 7/11 ÂL chư tăng ni, phật tử khắp nơi tập trung về tổ đình để tưởng niệm ngày viên tịch (ngày mất) của vị tổ sư khai sơn Minh Hải. Đây là một trong những lễ hội tôn giáo lớn nhất ở Hội An.

Chùa Vạn Đức (Vạn Đức tự):

Chùa Vạn Đức nằm bên bờ Nam của sông Cổ Cò (Lộ Cảnh giang) với các tên gọi Lang Thọ tự hay chùa Cây Cau. Chùa do tổ sư Minh Lượng Nguyệt Ân khai sơn vào khoảng cuối thế kỷ XVII, cùng thời với chùa Chúc Thánh được tổ Minh Hải khai sơn.
Tổ sư Minh Lượng tự Nguyệt Ân, hiệu Thành Đẳng, tục danh là Lý Nhuận, người phủ Triều Châu tỉnh Quảng Đông - Trung Quốc. Ngài được tổ sư Nguyên Thiều mời sang cùng thời với tổ Minh Hải Pháp Bảo, sau khi tham dự đại giới đàn tại Thuận Hoá (Huế), ngài vào Quảng Nam đến xứ Đồng Nà xã Thanh Hà huyện Diên Phước thuộc phủ Điện Bàn nay là xã Cẩm Hà - Hội An khai sơn chùa Lang Thọ.
Cũng như chùa Chúc Thánh, lúc ban đầu chùa Vạn Đức chỉ là một thảo am tu hành. Đến khoảng năm 1699 thì tổ Minh Lượng mới chính thức lập chùa lấy tên là Lang Thọ tự mà người dân địa phương quen gọi là chùa Cây Cau. Nơi đây cũng là một trong những ngôi chùa quan trọng để nhiều thế hệ sư sãi tu tập phật pháp, nhiều vị danh tăng kế vị trù trì. Mãi đến đời ngài Phổ Triêm là một vị cao tăng đắc đạo đã có công rất lớn trong việc đại trùng tu chùa Lang Thọ và đổi tên gọi là Vạn Đức, đồng thời đổi hướng của chùa từ hướng Đông Bắc sang hướng Tây Nam cho phù hợp với phong thuỷ địa lý. Tuy trải qua nhiều lần tu bổ, nhưng cơ bản chùa vẫn giữ được vẻ nguyên sơ cho đến ngày nay. Chùa Vạn Đức là một công trình có lối kiến trúc độc đáo, giàu tính nghệ thuật từ không gian bố cục, phong cách kiến trúc đến trang trí nội thất, là một trong những ngôi chùa danh tiếng được sách Đại Nam Nhất Thống Chí nhắc đến như là một danh lam thắng cảnh của Hội An - Quảng Nam.
Hiện nay trong chùa Vạn Đức còn lưu giữ được nhiều hiện vật hết sức quý giá như: bình bát của thiền sư Minh Lượng, y tăng cang của tổ Phổ Triêm, bức độ điệp của vua Minh Mạng ban cho thiền sư Toàn Đức Hoằng Tông cùng hàng trăm mộc bản (ván khắc gỗ) … Từ những giá trị đặc biệt đó, chùa Vạn Đức đã được Bộ VHTT công nhận là di tích cấp quốc gia.

Chùa Phúc Lâm (Phúc Lâm tự):

Chùa Phúc Lâm toạ lạc tại phường Thanh Hà, thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam, xưa là xứ Trảng Kèo, xã Thanh Hà, huyện Diên Phước thuộc phủ Điện Bàn - Quảng Nam. Chùa do tổ sư Thiệt Dinh Chánh Hiển - Ân Triêm đời thứ 35 thuộc thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh khai sơn vào giữa thế kỷ XVIII với tên gọi là Phước Lâm tự bao hàm ý nghĩa là rừng phước vô hạn.
Ngôi chùa này được xây dựng trên một khu đất cao ráo, phong cảnh hết sức lý tưởng. Phía sau là đồi cát lớn, trước mặt hồ nước rộng, xung quanh cảnh vật thanh u vắng lặng, thật đáng là nơi lý tưởng cho các bậc tu hành xa dứt trần duyên chăm bề kinh kệ.
Toàn bộ công trình được xây dựng theo kiểu hình chữ “quốc” với chánh điện cao rộng bao gồm tiền điện, hậu điện và hai lầu chuông trống. Tiếp sau chánh điện là nhà thờ tổ làm nơi thờ cúng lịch đại các đời tổ sư, trù trì. Hai nhà Đông Tây chạy dài dọc theo trục Bắc Nam, là cầu nối giữa chánh điện và nhà thờ tổ tạo thành một khuôn viên khép kín.
Ngoài những công trình chính, trong khuôn viên chùa còn có nhiều tháp mộ của các vị trù trì qua các đời như tháp các tổ Ân Triêm, Luật Oai Minh Giác, Quán Thông, Pháp Hoá, Vĩnh Gia… Đây cũng là những công trình kiến trúc khá độc đáo, cũng vừa góp phần tạo cho cảnh quang ngôi chùa càng thêm tráng lệ. Phúc Lâm tự xưa cũng từng được triều Nguyễn ban biển sắc tứ, công nhận là một trong những ngôi chùa tiêu biểu trên mảnh đất Hội An. Chùa cũng được Bộ VHTT công nhận là di tích cấp quốc gia.

Chùa Hải Tạng (Hải Tạng tự):

Chùa Hải Tạng là một ngôi chùa làng “quy mô nhất”, toạ lạc tại Bãi Làng xã Tân Hiệp, xưa kia là xứ Cù Lao thuộc Tân Hiệp phường của tổng Thanh Châu, Hoà Vang huyện, phủ Điện Bàn. Theo sách Đại Nam Nhất Thống Chí thì ngôi chùa này từng là nơi tu tập của Hương Hải thiền sư cùng nhiều vị danh tăng khác.
Theo văn bia hiện đang lưu giữ tại chùa cho biết, vào năm Cảnh Hưng thứ 19 (1758) chùa được dựng tại vị trí khác, cách vị trí hiện nay khoảng 200m về phía Đông Bắc. Nhưng do bị mưa bão làm hư hại nên vào năm Tự Đức nguyên niên (1848) chùa được dời về xây dựng lại trên địa điểm hiện nay.
Chùa được xây dựng lại trên một khoảng đất cao, lưng dựa vào núi, mặt quay ra biển theo hướng Tây Nam, trước mặt là vùng đồng ruộng và các khe nước tự nhiên. Toàn bộ công trình được bao bọc bởi tường rào xây bằng đá núi, phía trước có cổng tam quan với 3 lối ra vào. Trong là một khoảng sân rộng vừa để làm nơi tập trung thiện nam tín nữ trong các ngày đại lễ, vừa tạo không gian thoáng đãng cho ngôi chùa. Chính điện được xây dựng khá quy mô với nhiều hàng cột bằng gỗ lim cao lớn, khung chịu lực chính là hệ kèo “chồng rường giả thủ” chia khoảng cách làm 3 lòng, tạo cho không gian ngôi chùa càng thêm rộng rãi. Hầu hết các kèo gỗ được chạm trổ nhiều đồ án, hoa văn tinh xảo vừa để trang trí tăng vẻ thẩm mỹ, vừa làm giảm đi sự cao to nặng nề của toàn bộ khung chịu lực bên trong.
Hệ thống thờ tự trong chùa cũng khá phong phú đa dạng. Gian chính giữa là nơi thờ Tam thế phật, hai gian tả hữu thờ Quan Thế Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát. Ngoài ra, tại chính điện còn thờ Quan Thánh Đế Quân, Ngọc Hoàng Đại Đế, hậu điện thờ sư tổ Đạt Ma cùng long vị của các vị hoà thượng trù trì đời trước. Với cách thức thờ tự như vậy thể hiện quan niệm tam giáo đồng nguyên của cư dân xứ Cù Lao và cũng là một quan niệm khá phổ biến của các ngôi chùa làng ở Hội An.
Ngoài các ngôi chùa tiêu biểu kể trên, trên đất Hội An còn không ít những ngôi chùa lớn thuộc hệ phái Lâm tế Chúc thánh như các chùa Long Tuyền, Viên Giác, Pháp Bảo… và hệ thống nhiều chùa làng ở các địa phương trong thị xã. Đã từ bao đời nay, thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh cùng những ngôi chùa danh tiếng đã có nhiều đóng góp cho thương cảng quốc tế vang bóng một thời, và là một bộ phận quan trọng của di sản văn hoá Hội An./.

Phòng Văn hóa và Thông tin Hội An

Văn bản mới

tra cuu van ban
banner van ban trung uong

Video Clip

This text will be replaced

Thư viện hình ảnh

Liên kết hữu ích