uct
du lịch, tour du lich
Lễ vía Quan Công

Lễ vía Quan Công

20/01/2015
Quan Công Miếu còn gọi là Trừng Hán Cung hay Chùa ông tọa lạc tại số 24 Trần Phú. ở vào vị trí trung tâm của phố cổ Hội An, miếu là nơi thờ vị tướng tài ba thời Tam Quốc là Quan Vân Trường (còn gọi là Quan Vũ), cùng Quan Thái Tử Quan Bình, Bộ tướng Châu Thương và 2 con ngựa Bạch Mã, Xích Thố.

  Trong "Đào Viên Minh Thánh Kinh" chép: Thời Tam Quốc ngài từng ứng mộ dẹp giặc Khăn Vàng nên đã kết nghĩa đào viên với Lưu Bị và Trương Phi. Ngài là một danh tướng bậc nhất đã có nhiều công lao lớn, phò Hán dẹp Ngô diệt Ngụy, nổi tiếng là người trung nghĩa tiết liệt và đức độ nên được người đời tán tụng "Tam Quốc anh hùng vô đối thủ, nhất trường trung liệt hữu hoàn nhân" (Người anh hùng thời Tam Quốc không ai là đối thủ, (Ngài) là người trung liệt, hoàn hảo thủy chung). Vào năm đời Hán Hằng Đế, niên hiệu Diên Hy năm thứ 3 (160), ngài bị bại trận, mất rồi hiển thánh tại Lâm Thư, núi Ngọc Tuyền. Sau đó, ngài hay hiển linh trừ ma, đuổi tà, giúp nước , cứu đời nên được sắc phong " Tam Giới Phục Ma Đại Đế Thần Uy Viễn Chấn Thiên Tôn Quan Thánh Đế Quân" và được lập miếu thờ ở nhiều nơi. ở Việt Nam, vào đầu thời Nguyễn cũng cho dựng miếu Quan Công ở các tỉnh và ban Sắc phong để thờ cúng. Thần hiệu cao nhất của Quan Thánh được Sắc phong là "Quan Thánh Đế Quân Hộ Quốc Tí Dân Hiển Hữu Công Đức Dực Bảo Trung Hưng Đại Vương Tôn Thần".
Quan Công miếu Hội An được cộng đồng người Minh Hương và người Việt kiến dựng vào trước năm Khánh Đức Quý Tỵ (1653). Với người dân Hội An, Quan Công biểu trưng cho đức độ Trung - Tín - Tiết - Nghĩa là đỉnh cao của đạo làm người.
Hàng năm, vào ngày 24/6 âm lịch, Quan Công Miếu Hội An đều tổ chức lễ vía Quan Thánh Đế Quân (Quan Công). Đây là một trong những lễ hội lớn, một sinh hoạt tín ngưỡng thu hút đại đa số nhân dân ở trung tâm khu phố và nhiều địa phương khác. Trước ngày vía chính (23/6), tổ quản lý di tích Quan Công miếu tổ chức trang trí, trưng bày cờ hội, cờ hoa. Ngay trước cửa chính treo 2 cờ đại trên có thêu dòng chữ Hán "Hiệp Thiên Đại Đế, Quan Thánh Đế Quân". Trên các bàn thờ đều bày nhiều hoa tươi, quả lạ của bà con hiến cúng. Trước đây còn có thêm lễ “gia quan mộc dục” để lau chùi kim tượng và đồ thờ vào chiều tối ngày 23, nhưng nay đã giản lược bớt, chỉ đánh trống, chiêng và thắp hương đèn.
Ngày 24 tháng 6 âm lịch là ngày chính thức diễn ra lễ tế quan trọng. Sáng tinh mơ, đội kèn nhạc đã tề tựu xếp hàng 2 bên tả, hữu vu, trong điện khói hương trầm nghi ngút, chuông trống vang lừng, chuẩn bị bước vào lễ tế. Ngay giữa chính điện bày nguyên một con heo quay, 1 mâm xôi vò, 1 mâm bánh bao và nhiều hoa quả, áo giấy. ở bàn thờ của ngựa Bạch Mã, Xích Thố, khám thờ Khổng Tử, Chúa Tiên cũng bày nhiều hoa quả, bánh trái và đồ vàng mã.
Ban tổ chức buổi tế lễ là tổ quản lý di tích Quan Công miếu (Chùa ông), ngoài ra còn có ban tiếp dẫn (đội gia lễ) và ban tế lễ (chánh tế, đông tây xướng và đọc văn tế). Bước vào lễ tế, mở đầu 3 hồi chiêng trống, tiếp theo là dàn cổ nhạc cất lên, đội gia lễ hương đèn sẵn sàng tiếp dẫn, dâng hoa quả lên điện theo lời xướng của đông, tây xướng. Người chủ tế lễ phục áo rộng thắt đai chỉnh tề quỳ lạy cúc cung, hưng bái trước điện Quan Công theo lời xướng tế, hai bên điện là sự tham gia chứng kiến của hàng trăm người dân trong và ngoài thị xã, ai nấy cũng đều đứng nghiêm, nín lặng trong suốt thời gian buổi tế lễ diễn ra. Văn tế Quan Thánh được viết bằng chữ Hán trên một tấm giấy màu vàng, đính lên giá văn và bên trên dán thêm một tờ vàng bạc, để đến bao giờ có lời xướng "Tuyên độc chúc" thì giá văn được đưa từ bàn thờ xuống, chuyển cho người đọc. Bên cạnh người đọc có hai học trò lễ, một người đỡ giá văn, người kia cầm đèn để soi sáng cho người đọc. Văn tế Quan Thánh cũng được viết theo thể văn biền ngẫu như những bài văn tế khác, nhưng phần sau hầu hết trích dẫn những câu từ "Đào Viên Minh Thánh Kinh", "Giác Thế Chân Kinh" để hầu ca tụng công đức, lòng trung liệt của Quan Công và cầu mong Thánh Đế ban phước, hộ trì dân chúng bình an vô sự, tai qua nạn khỏi, làm ăn phát đạt. Văn tế đọc xong là phần "Đồng Bái" (cùng lạy) của những thiện nam tín nữ và người dân. Sau đó là lễ "Phần Chúc" tức là đốt văn tế và hóa vàng mã, rồi kết thúc lễ tế. Cuối cùng là phần múa lân để làm tăng khí thế sôi động của buổi lễ.
Lễ vía Quan Công miếu tuỳ từng thời kỳ để làm lớn hoặc làm nhỏ nhưng luôn luôn được duy trì tổ chức, bởi nó mang nhiều ý nghĩa tín ngưỡng sâu sắc đối với người dân địa phương. Có thể nói đây là một trong những lễ hội lớn ở Hội An nên cần có biện pháp duy trì phát huy, phục hồi lại một số hoạt động phụ trợ của lễ hội này như tổ chức những đám rước sau lễ tế để phố phường sôi động hơn, để góp phần làm phong phú hình thức lễ hội tín ngưỡng dân gian đồng thời góp phần tạo sức hút thêm cho Hội An.

Phòng Văn hóa và Thông tin Hội An

Văn bản mới

tra cuu van ban
banner van ban trung uong

Video Clip

This text will be replaced

Thư viện hình ảnh

Liên kết hữu ích