uct
du lịch, tour du lich
Lễ hội Cầu ngư

Lễ cầu Ngư

20/01/2015
Việc tôn sùng, tín bái cá Ông là một tập tục có từ lâu đời của hầu hết ngư dân vùng ven biển miền Trung Việt Nam.

Có thể nói, nơi nào có ngư dân sinh sống làm ăn thì nơi đó có lăng Ông để thờ cá Ông. Quan niệm của những người đánh cá cho rằng, cá Ông là vị thần biển có nhân tính, thường xuất hiện cứu vớt những người bị nạn trên biển, là vị cứu tinh kịp thời của dân chúng trên vùng biển mênh mông khi gặp thủy tai. Vì vậy, khi có cá Ông lỵ (lụy) do đánh nhau với cá mập, cá xà, trôi dạt vào bờ thì người ta có nhiệm vụ phải làm đám tang đúng theo sách Thọ mai gia lễ, sau đó chôn cất và đưa xương vào lăng thờ cúng. Trước đây, nhà nước phong kiến Việt nam cũng công nhận vai trò quan trọng của cá Ông đối với ngư dân, nên đã nhiều lần ban sắc phong, gia tặng mỹ tự là “Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân tôn thần” và cho ngư dân khắp nơi xây lăng lập miếu để thờ.
Ở Phước Trạch, khi ngư dân phát hiện được xác cá ông luỵ họ thường đem mai táng tại các bãi cát ven biển (trước đây chôn tại lăng ba Sở, nay lăng đã bị lỡ trôi ra biển). Sau khi chôn được 3 năm, người ta đào lấy xương cá ông, dùng rượu rửa sạch và thỉnh về thờ tại lăng Ông.
Hàng năm, trước khi chuẩn bị ra khơi đánh bắt cá vụ nam, ngư dân thường tổ chức lễ cúng tại lăng Ông gọi là lễ cầu ngư. Lễ này được tổ chức khá quy mô với sự tham gia của hầu hết ngư dân địa phương và đông đảo ngư dân ở các vùng lân cận.
Lễ cúng cầu ngư được diễn ra theo nghi thức tế lễ truyền thống vốn có từ bao đời nay của địa phương. Lễ tế thường diễn ra trong hai ngày, ngày đầu người ta tổ chức bày trí trần thiết trong lăng; đến tối thì tiến hành cúng lễ túc (còn gọi là lễ cáo yết hay lễ tiên thường). Sang ngày hôm sau thì tổ chức lễ nghinh thần. Để tiến hành lễ nghinh, người ta làm một kiệu thần rồi đặt lên một chiếc thuyền lớn, trên thuyền trang trí cờ hoa, cờ hội rất là lộng lẫy. Ngoài ra, còn bố trí chiêng trống, đội nhạc để phụ trợ trong lễ nghinh thần. Sau khi nghinh thần về người ta tiến hành cúng âm linh, cầu an. Lễ cúng âm linh kéo dài khoảng hơn một giờ, sau đó người ta hoá vàng mã và tiếp tục phần tễ ông Ngọc Lân Nam Hải. Lễ tế Ông thường bao gồm ba phần chính đó là sơ hiến lễ, á hiến lễ và chung hiến lễ; Trong lễ cúng bao giờ cũng có xướng tế, đọc văn tế và đi gia lễ. Thành phần tham dự chủ yếu trong lễ tế là các cụ cao tuổi, cư dân địa phương và ngư dân ở các vùng lân cận. Thông thường sau khi kết thúc tế lễ là phần hát chèo bả trạo, trước đây người ta còn tổ chức hát bội 6, 7 ngày. Sau lễ cầu ngư, ngư dân thường tổ chức các hoạt động thể thao vui chơi giải trí như: đua thuyền, lắc thúng chai, kéo co…
Trong ngày lễ, ngoài việc cúng tế, người ta còn tổ chức hát bả trạo mà người dân địa phương quen gọi là hát chèo (hát bả trạo hay hát chèo là vừa hát vừa cầm chèo diễn tả động tác chèo thuyền, chứ không phải như hát chèo ở miền Bắc). Đây là loại hình hát múa dân gian được ngư dân điạ phương thường xuyên biểu diễn trong các dịp cúng cầu ngư, tế cá Ông... Hát bả trạo được trình diễn với sự điều khiển của 3 ông tổng đó là tổng tiền, tổng khoang và tổng lái (có khi thêm 1 tổng khậu), đám bạn chèo khoảng từ 10 - 16 người tùy theo sự tổ chức của từng địa phương. Đội hình bả trạo được sắp theo lối chèo thuyền, 3 tổng đứng giữa theo thứ tự trước sau: tổng tiền - tổng khoang - tổng lái; đám bạn chèo chia thành 2 hàng đứng 2 bên như đang đứng bên mạn thuyền. Nhạc khí phục vụ cho hát bả trạo, ngoài chiêng trống phải có thêm dàn cổ nhạc. Nội dung hát bả trạo thường gồm 3 phần chính đó là “ra khơi”, “bủa lưới” và “thuyền bị gặp nạn và được ông cứu giúp”. Trình tự của buổi diễn bả trạo giống như kết cấu của một hoạt cảnh thể hiện diễn biến từ khi thuyền ra khơi đến khi thuyền cập bến an toàn. Đặc điểm của hát bả trạo là có sự kết hợp với hình thức diễn tuồng, một hình thức diễn kịch cổ truyền rất được nhân dân Quảng Nam ưa thích. Ngoài lối múa chèo thuyền đã được nghệ thuật hóa, trong lối hát bả trạo còn có lối xướng, xô và trình diễn các làn điệu dân ca như lý, hò, ngâm... được thể hiện qua tài năng của các nghệ nhân (các ông tổng) và đám bạn chèo tạo nên sự lôi cuốn hấp dẫn người xem từ mở đầu đến khi kết thúc.
Mục đích chính của lễ cúng cầu ngư và hát bả trạo là nhân lúc trước khi ra khơi, người ta tổ chức cúng ông Nam Hải và chư thần để cầu mong làng xóm bình yên, những người ra khơi được thuận buồm xuôi gió, đánh bắt được nhiều hải sản. Lễ cầu ngư ở Phước trach (Cẩm An) là một trong những lễ hội dân gian truyền thống tiêu biểu của Hội An; Đây là một lễ hội gắn liền với tín ngưỡng sông nước của đai đa số nhân dân làm nghề biển nên mỗi khi tổ chức đều thu hút đông đảo quần chúng tích cực tham gia. Qua lễ hội này có thể thấy được sự phong phú, đa dạng về các hoạt động văn hoá lễ hội ở Cẩm An nói riêng, cả Hội An nói chung.

Phòng Văn hóa và Thông tin Hội An

Văn bản mới

tra cuu van ban
banner van ban trung uong

Video Clip

This text will be replaced

Thư viện hình ảnh

Liên kết hữu ích