uct
du lịch, tour du lich
Lăng

Lăng

26/01/2015
Lăng ở Hội An hiện tồn dưới nhiều quy mô tùy theo đối tượng thờ tự và sự khác nhau về hình tượng của đức tin. Đây là loại hình kiến trúc được xây dựng chủ yếu ở các địa phương gắn liền với ngư nghiệp, với tục thờ cá Ông, thần sông nước. Ở Hội An lăng thường có quy mô nhỏ, thấp; trông xa có cảm giác như một hang động. Kết chủ yếu là tường xây gạch cuốn vòm, không có cột kèo bằng gỗ. Mái thường được lợp bằng ngói âm dương, trên mái có trang trí nhiều đề tài cát tường rất phong phú và mang nhiều ý nghĩa.

 * Lăng Ông Ngư: Quan niệm của những người đánh cá cho rằng, cá Ông là vị thần biển có nhân tính, thường xuất hiện cứu vớt những người bị nạn trên biển, là vị cứu tinh kịp thời của dân chúng trên vùng biển mênh mông khi gặp thủy tai, thủy nạn. Vì vậy, khi có cá Ông lỵ (lụy) do đánh nhau với cá mập, cá xà, trôi dạt vào bờ thì người ta có nhiệm vụ phải làm đám tang đúng theo sách Thọ mai gia lễ, sau đó chôn cất và đưa xương vào lăng thờ cúng.
Lăng Ông Ngư nằm giữa khu dân cư theo hướng Tây Nam, cách bờ biển chừng 10m, lưng dựa vào núi, mặt nhìn ra biển theo thuật phong thủy dân gian truyền thống. Lăng được xây bằng vôi, gạch, san hô với kiểu mái cuốn vòm thấp, sau có hậu tẩm để làm nơi đặt xương cá Ông. Mái lợp ngói âm dương, trên trang trí đề tài tứ linh gồm: bờ nóc trang trí đề tài “lưỡng long triều dương”, bờ nóc nếp hai trang trí hình chim phượng; hai đầu hồi đắp hình lân, trước mái trang trí đề tài “quy thư”.
Nội thất tương đối rộng gồm hai nếp ba gian. Gian giữa gắn liền với hậu tẩm, là nơi đặt các hòm xương cá Ông; trên bệ thờ có 13 bài vị sơn son thếp vàng bằng gỗ khắc thần hiệu của cá Ông.
Trước hậu tẩm có án thờ bằng gạch dùng để bày lễ vật hiến cúng trong các ngày cúng kỵ. Hai gian bên là nơi thờ những vị tả hữu ban, thị tùng bộ hạ. Cách lăng 7m về phía trước có bình phong dạng cuốn thư, mặt trước đắp nổi hình hổ, mặt sau đắp hình cá chép uốn lượn uyển chuyển.
Di tích lăng Ông Ngư ở Cù Lao Chàm đã góp phần minh chứng sự đa dạng phong phú sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của cư dân địa phương, là bằng chứng là loại hình di tích tín ngưỡng của cư dân làm nghề sông nước tại Hội An nói chung, Tân Hiệp nói riêng. Đồng thời còn góp phần làm phong phú loại hình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng của quần thể kiến trúc tại xã đảo Tân Hiệp - Cù Lao Chàm.
* Lăng Bà Cẩm Thanh: Di tích nằm trên cồn cát cao, mặt tiền quay hướng Đông- Bắc, nhìn ra biển Đông. Từ lăng có thể nhìn bao quát khắp cánh đồng thôn 6 xã Cẩm Thanh và các vùng phụ cận. Do nằm trên địa bàn thường xuyên có chiến sự nên di tích đã bị nhiều lần phá hủy, hư sập. Hiện trạng còn lại là một ngôi miếu 3 gian bằng vôi gạch, mái lợp tôn. Sau nhà hiền tế là hậu tẩm tạo thành mặt bằng chữ đinh(T). Các cột hiên và cột bên trong hiành vuông, bằng vôi gạch. Phía trước di tích đề: Cẩm Thanh Từ Sở, trước hậu tẩm ghi: Vương phi điện. Giữa hậu tẩm thờ tượng bà Chúa Ngọc, trên tường đề chữ Thần, hai bên là bàn thờ, tả ban, hữu ban. Bên trong tượng bà Chúa Ngọc là cột tượng bằng đá thạch một vi Nam thần Chàm. Phía sau hậu tẩm là nền miếu cũ bằng gạch không có hồ. Giữa nền cũ là một bệ đa sa thạch kiểu bệ thờ Chàm.Cách nhà tiền tế khoảng 30m về phía trước là một bình phong hình cuốn thư bằng vôi gạch. Các hình đắp khảm sành sứ đã bị bong.
Đây là di tích khẳng định sự có mặt của dân cư Chàm tại Hội An trong giai đoạn lịch sử từ thế kỷ 15 trở về trước. Góp phần xác định giao lưu văn hóa Chàm- Việt. Xác định vai trò trọng yếu về kinh tế văn hóa và quân sự của vùng đất Thanh Châu và cửa Đại Chiêm trong lịch sử từ vương quốc Champa đến Đại Việt. Góp phần làm phong phú loại hình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng tại Hội An.

Phòng Văn hóa và Thông tin Hội An

Văn bản mới

tra cuu van ban
banner van ban trung uong

Video Clip

This text will be replaced

Thư viện hình ảnh

Liên kết hữu ích