uct
du lịch, tour du lich
Thánh thất Cao Đài

Thánh thất đại đạo tam kỳ phổ độ Cao Đài Hội An

20/01/2015
Đạo Cao Đài là tên gọi tắt của một tôn giáo bản địa Việt Nam, có tên đầy đủ là Đại đạo Tam kỳ Phổ độ. Đạo Cao Đài ra đời năm 1926 tại Nam Bộ, người có công sáng lập và trở thành tín đồ đầu tiên của đạo là ông Ngô Minh Chiêu. Không chỉ phát tích và phát triển ở Nam Bộ, những tín đồ của Đạo đi khắp các vùng miền trong nước để truyền bá và hình thành các trung tâm để thờ tự và sinh hoạt, trong đó có Hội An - Quảng Nam.

Đạo Cao Đài ở Hội An hình thành và phát triển khá muộn, vào khoảng những năm 1950, trong bối cảnh những năm đầu kháng chiến chống Pháp, các tín đồ Cao Đài ở vùng Bắc Quảng Nam, sinh hoạt tại Thánh Thất Từ Quan - Gò Nổi - Điện Bàn di tản nhiều nơi. Nhiều tín đồ phải tản cư ở vùng nông thôn Quế Sơn, Tam Kỳ… Trong khi đó một số tín đồ lại tập trung về Hội An để sinh sống và lập thánh thất để sinh hoạt, trong đó có Thánh thất Hội An thuộc Hội thánh Truyền giáo Cao Đài.
Về lịch sử, Thánh thất Hội An thuộc Hội thánh Truyền giáo Cao Đài hiện tọa lạc tại số 20/14 Trần Cao Vân - phường Cẩm Phô. Khi đến Hội An, ban đầu các tín hữu sinh hoạt và thờ cúng tại ngôi nhà của ông Lương Thùy (Năm Bò) tại Cẩm Phô - Hội An. Vào ngày 15/10/1952 được sự đóng góp công quả, tiền của và vật chất của các đạo hữu, đặc biệt là sự hiến tặng mảnh đất 200m2 của gia đình ông Nguyễn Hồng Tần, các tín đồ đã khởi công xây dựng cơ sở đạo Hội An. Sau một thời gian xây dựng, đến 12/1952 cơ sở Đạo Hội An bước đầu được hoàn tất. Năm 1953 thánh thất Hội An đã hoàn thành trùng tu. Lúc đầu Thánh thất Hội An là ngôi nhà đơn sơ, tường gạch mái tôn. Ông Lương Như Ý đạo hiệu Giáo sư Thượng Lý Thanh được cử làm Đầu họ Đạo đầu tiên.
Sau khi hiệp định Giơ-ne-vơ ký kết, hòa bình được lập lại. Ngày 27/10/1954 thánh thất Hội An được vinh dự tổ chức lễ đoàn tụ của các tín đồ theo đạo Cao Đài ở Trung Kỳ. Nhiều Hướng đạo trong cơ quan Truyền giáo Cao Đài Trung Kỳ, quý chức sắc, chức viện, quý đạo tâm nam nữ khắp các tỉnh miền Trung về hội họp. Thyeo tài liệu lưu trữ tại Thánh thất đạ đạo tam kỳ phổ độ Hội An, vào tháng 02/1954 ông Huỳnh Quốc Tuyến được phong làm Đầu họ Đạo. Năm 1957 ông Phạm Tâm đạo hiệu Thượng Tâm Thanh được Hội thánh bổ nhiệm làm Đầu họ thánh thất thay ông Huỳnh Quốc Tuyến điều về Hội thánh. Tháng 7/1959 thánh thất trùng tu lần thứ 2, xây thêm Hiệp Thiên Đài, lầu chuông Bạch Ngọc, lầu trống Lôi Âm và việc trang trí nơi thờ cúng quy mô hơn so với trước. Năm 1997 Giáo sư Thượng Tâm Thanh quy liễu, sau đó ông Trần Thanh Thái được tín đồ và Hội thánh tín nhiệm bầu làm Đầu họ đạo. Thánh thất Hội An sau nhiều lần trùng tu mãi đến ngày 02/11/1991 hoàn thành trùng tu xây cất Bát Quái Đài. Đến đây, thánh thất Hội An đã hoàn thành đầy đủ Tam Đài gồm Bát Quái Đài, Cửu Trùng Đài và Hiệp Thiên Đài. Năm 2009 Giáo hữu Ngọc Thái Thanh quy liễu, hội thánh cùng đạo hữu tín nhiệm ông Nguyễn Mân đạo hiệu Thái Mân Thanh lên làm Đầu họ đạo tiếp tục dìu dắt tín hữu tu học và xây dựng nền chánh pháp Cao Đài của Hội thánh truyền giáo Cao Đài. Về tổ chức, Thánh thất Hội An gồm các chức sắc, chức việc và tín đồ. Đứng đầu Thánh thất là Đạo họ. Cấp bậc cao nhất của Đạo họ hiện nay là Lễ sanh. Giúp việc cho Đạo họ là Ban cai quản gồm hành chính (sách vở và trật tự), phổ tế (phổ truyền chân đạo), minh trai hay còn gọi là luật sự (giữ gìn luật lệ), phước thiện (làm từ thiện), nữ phái (giáo hóa nữ đồ). Dưới Ban cai quản là Ban trị sự xã đạo gồm có Chánh trị sự, Phó chánh trị sự, Thông sự. Ban trị sự xã đạo gồm 5 cơ sở ở Thanh Quýt, Vĩnh Điện, Cẩm Châu, Trường Lệ, Cẩm Phô.
Về lễ nghi - thờ tự, Thánh thất Hội An thờ biểu tượng Thiên nhãn ở Bát Quái Đài, thiên nhãn có nghĩa là con mắt Trời. Thờ Thiên nhãn tức là thờ Trời. Thiên nhãn được vẽ ngay phía trên ngôi sao Bắc Đẩu. Cùng phối thờ với Thiên nhãn là các vị Thái Thượng Lão Quân, Phật Thích Ca, Khổng Thánh Tiên Sư, Lý Thái Bạch. Tại Cửu Trùng Đài thờ Quan Thánh Đế Quân bên trái và Bồ Tát Quan Âm bên phải. Bên cạnh đó, hai bên thánh thất có bàn thờ Diêu Trì Thánh Mẫu và bàn thờ đại tiên Ngô Minh Chiêu, di ảnh các cố đời Đạo họ.
Hàng năm các tín hữu tổ chức các ngày lễ quan trọng của Đạo như Lễ Đản sanh Đức Chí Tôn, Lễ Đản sanh Đức Phật Thích Ca (15/4), lễ vía Diêu trì Thánh mẫu (15/8)… Trong các ngày lễ lớn, lễ Đản sanh Đức Chí Tôn là lễ nghi lớn nhất của Đạo. Bên cạnh đó, hàng ngày tại thánh thất tổ chức 4 khóa lễ vào các giờ Tý (12h khuya), Ngọ (12h trưa), Mão (6h sáng), Dậu (6h tối). Hàng tháng, tổ chức 2 ngày lễ vào ngày 15 và mồng 1 Âm lịch.
Tóm lại, Thánh thất Cao Đài Hội An hình thành và phát triển đáp ứng nguyện vọng của một bộ phận các tín đồ, nhân dân Hội An. Hiện nay, Thánh thất Cao Đài Hội An có hơn 480 tín đồ thường xuyên đến sinh hoạt và tu tịnh, số lượng tín đồ theo Đạo không ngừng phát triển và tăng lên. Thánh thất Cao Đài Hội An góp phần làm phong phú thêm loại hình sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng ở Hội An.
Tác giả bài viết: Phạm Phước Tịnh

Phòng Văn hóa và Thông tin Hội An

Văn bản mới

tra cuu van ban
banner van ban trung uong

Video Clip

This text will be replaced

Thư viện hình ảnh

Liên kết hữu ích