uct
du lịch, tour du lich
Nhà thờ tộc

Nhà thờ tộc

20/01/2015
Nhà thờ tộc là những công trình riêng biệt được xây dựng trên một mảnh đất vuông vắn, thường nằm trong những hẻm nhỏ hoặc quay lưng ra đường. Khu đất có hàng rào bao bọc và có một sân vườn lớn phía trước nhà chính. Mặt bằng và cấu trúc chính cũng giống như nhà chính của nhà cửa hiệu nhưng có mái hiên ở các bên. Thông thường, nhà để ở nằm riêng biệt về một phía của khu đất. Các nhà thờ tộc cơ bản phục vụ nhu cầu thờ tự tổ tiên và cũng chính là nơi giáo dục con cháu lòng biết ơn, kính trọng tổ tiên. Nhà thờ tộc là biểu tượng của mối quan hệ đoàn kết, đùm bọc và giúp đỡ lẫn nhau của những người trong dòng tộc.

Một số nhà thờ tộc tiêu biểu

* Nhà thờ tộc Trần

Còn gọi là Trần từ đường. Đây là một trong những ngôi từ đường có lối kiến trúc tiêu biểu ở Hội An do gia tộc họ Trần xây dựng vào đầu thế kỷ thứ 19 để thờ cúng tổ tiên của dòng họ. Ngoài vẻ đẹp về kiến trúc, những hiện vật như gia phả, hoành phi, câu đối, đồ thờ, cổ vật … hiện đang lưu giữ tại nhà thờ đã góp phần minh chứng cho quá trình giao lưu về văn hóa, kinh tế giữa Việt Nam và Trung Hoa trong những thế kỷ trước đây.

* Nhà thờ tộc Nguyễn Tường

Di tích là một tòa công trình cao ráo, đồ sộ (nền cao so với mặt đường là 1m), nền móng này được xây bằng đá vuông, toàn bộ mái được lợp ngói âm dương, rêu phong phủ kín, bờ nóc, bờ hồi được tô đắp mềm mại bởi hình thù uốn lượn khá đẹp mắt. Bước lên khỏi tam cấp là mái hiên, phần hiên này rộng khoảng 1m, hai đầu hồi của chái được xây tường nhô ra ngang bằng với mái hiên. Ngăn cách phần hiên với nội thất công trình là hệ thống 3 bộ cửa “thượng song hạ bản”, mỗi bộ 4 cánh.
Toàn bộ công trình gồm 3 gian 2 chái. Hệ thống vì kèo ở đây có sự kết hợp khá hài hòa độc đáo của nhiều kiểu kiến trúc trong 2 mái (mái trước và mái sau) trong toàn bộ công trình. Ba lòng nhà ở mái trước mỗi lòng lại có một kiểu kết cấu vì kèo khác nhau. Lòng nhất hệ vì kèo kiểu “cột trốn kẻ chuyền” đặt trên cột, trếnh liên kết gian theo kiểu khung cụi, lòng nhì hệ vì kèo theo kiểu “chồng rường giả thủ”. Thực tế công năng tránh mưa, nắng chỉ ở phần mái trước của hệ vì kèo này, còn mái sau của nó là mái giả, bởi mái trước của lòng nhất kéo dài tiếp nối với mái trước của lòng nhì. Ở lòng 3 lạitheo lối mái thừa lưu (vì vỏ cua). Với sự kết hợp của nhiều loại kiểu vì kèo này đã cho phép mở rộng công trình mà không phải theo lối kẻ chuyền. Ở lòng nhì, giả thủ hình quả bầu, đấu hình quả bí khá sinh động. Hai đầu của rường được chạm nổi hình đầu giao, ở lòng ba, mái vỏ cua được tạo dáng chạm thủng hình hoa sen kết mái sau của công trình vẫn giữ theo phong cách hệ kèo phổ biến là kẻ chuyền (từ lòng nhất xuống lòng ba).
Toàn bộ nội thất công trình còn được tôn thêm vẻ đẹp uy nghiêm, bề thế bởi hệ thống hoành phi, liễn đối sơn son thếp vàng và hệ thống bàn thờ ông bà tổ tiên ở chính giữa.
Di tích là một công trình kiến trúc tín ngưỡng của tộc họ Nguyễn Tường. Vốn là tộc họ có khá nhiều người ở nhiều thế hệ làm quan lớn trong triều đình vua Nguyễn và có nhiều nhân vật là tác giả văn hóa nổi tiếng thời 30 - 45 (trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn).
Di tích có quy mô khá đồ sộ, kết cấu kiến trúc rất độc đáo, ở đây cũng với biện pháp mở rộng công trình nhưng lại theo lối kết hợp hài hòa, của nhiều loại, kiểu vì kèo khác nhau đã tạo nên một sự phong phú về kiểu thức trong chính bản thân di tích, thể hiện cai tài năng biểu hiện nghệ thuật kiến trúc, mỹ thuật của nghệ nhân nghề mộc ở đây.
Bản thân di tích sẽ giúp cho các nhà nghiên cứu khoa học lịch sử, kiến trúc, mỹ thuật, văn học, dân tộc - xã hội học nhiều tư liệu quý giá đồng thời sẽ là một điểm tham quan nghiên cứu, du lịch thú vị và hấp dẫn.

* Nhà thờ tộc Lâm

Di tích nguyên xưa kia có mặt tiền xây về hướng Nam, đường Japonnaise (Trần Phú) nhưng do điều kiện lịch sử, sự phát triển của dân cư, đường phố được qui hoạch lại nên di tích hiện nay phía trước đã bị che lấp bởi 1 ngôi nhà, do đó, từ đường Trần Phú hiện nay chúng ta không thể thấy được mà phải thông qua ngôi nhà 120 để vào di tích.
Toàn bộ công trình là nếp mhà gồm 3 gian 2 chái, kết cấu hệ vì kèo theo kiểu “cột trốn kẻ chuyền”, bao gồm lòng nhất, lòng nhì, lòng ba và hiên. Ngăn cách giữa lòng nhì và ba là hệ cửa bản “thượng song hạ bản”(gồm 3 bộ, mỗi bộ 4 cánh). Với hệ cửa này hai khoảng không gian đã được tạo nên có chức năng khác nhau phần trước gần như là hiên, tiền đình, nơi ngồi uống nước, trang hoàng khá nhiều bức tranh xưa, có phần trong là nơi đặt những bàn hương án thờ ông bà tổ tiên.
Trên các kẻ, cột trốn, nghé kẻ, xà đều có kẻ xoi chỉ hoặc chạm trổ hoa văn khá đẹp mắt. Đặc biệt bàn hương án thờ phía chính điện phía trước được chạm trổ rất tinh vi theo lối chạm thủng có cẩn xà cừ với đề tài hoa lá cách điệu thật tuyệt tác. Dưới xà thượng, xà hạ là những khoảng trang trí ô hộc, hoa thị, hoặc ván chạm nổi hay con tiện trong sự bố trí rất hài hòa, tuyệt mĩ.
Đây là một di tích nhà thờ ông bà tổ tiêncủa tộc họ Lâm, một tộc họ có nguồn gốc từ Trung Quốc đến định cư sinh sống, buôn bán làm ăn tại Hội An từ TK 17. Sự hiện tồn của di tích cùng những di vật quý trong di tích đã góp phần làm sáng tỏ lịch sử một bộ phận dân cư gốc Trung Quốc ở Hội An trong lịch sử hình thành và phát triển của ĐTC Hội An.
Kiểu kiến trúc “nhà rường” truyền thống ở đây của một tộc họ có gốc Trung Hoa nằm trong quần thể phố cổ Hội An chính là nguồn tư liệu quý giá cho các nhà khoa học về kiến trúc, mỹ thuật, văn hóa, tâm lý cộng đồng.

Phòng Văn hóa và Thông tin Hội An

Văn bản mới

tra cuu van ban
banner van ban trung uong

Video Clip

This text will be replaced

Thư viện hình ảnh

Liên kết hữu ích