uct
du lịch, tour du lich
Hội quán

Các Hội quán của người Hoa ở Hội An

26/01/2015
Người Hoa có mặt tại Hội An rất sớm, từ thế kỷ XVII họ đã đến đây buôn bán, lập phố phường để giao thương với người bản địa, cư dân các vùng thượng nguồn sông Thu Bồn và thương nhân của nhiều nước đến buôn bán tại Hội An. Trong nhiều thế kỷ sinh sống tại đây, họ đã tạo dựng nhiều công trình kiến trúc rất có giá trị như nhà ở, nhà thờ tộc, đền miếu, hội quán... Trong số đó, Hội quán được xem là những công trình tiêu biểu nhất về cả kiến trúc lẫn công năng sử dụng. Hội quán được xây dựng với mục đích chính là để làm nơi sinh hoạt của đồng hương, đồng thời là nơi thờ cúng các vị thần bảo trợ và những bậc tiền hiền của từng bang.

 Hiện nay, trong khu phố cổ Hội An còn 5 hội quán của người Hoa đó là:

1) Trung Hoa Hội Quán: còn gọi là Dương Thương Hội quán, Chùa Bà, Chùa Ngũ Bang, trường Lễ Nghĩa,...
Hội quán toạ lạc ngay tại trung tâm khu phố cổ Hội An (số 64 Trần Phú), mặt nhìn ra hướng sông Hoài. Theo các văn bia và tư liệu Hán - Nôm hiện đang tồn tại cho biết hội quán này được xây dựng vào khoảng năm 1741, đến nay công trình này đã trải qua nhiều lần trùng tu nhưng cơ bản vẫn giữ nguyên gốc theo lối kiến trúc nguyên thuỷ ban đầu.
Hội quán Trung Hoa được xây dựng theo hình chữ “Quốc”, gồm nhà tiền giảng (tiền điện), chánh điện, tả vu và hữu vu (còn gọi là nhà Đông và nhà Tây). Nhà tiền giảng gồm 3 gian với nhiều cột gỗ cao to, từơng lắp bằng các mảng đá lớn được vận chuyển từ Trung Quốc sang. Chính giữa tiền điện là cửa ra vào chính, bên trên là bức hoành đá chạm khắc 4 chữ “Trung Hoa Hội Quán”, bức hoành phía sau chạm 4 chữ “Thiên hạ vi công”, tương truyền chữ này là lấy nguyên mẫu theo thủ bút của Tôn Trung Sơn. Hệ kèo của tiền điện là vì chồng rường giả thủ được chạm trổ tinh vi, sắc xảo, các đầu dư của kèo được chạm trổ hình đầu rồng. Hai gian bên của tiền điện còn có 2 cửa Đông - Tây đó là Hoà bình môn và Bác ái môn.
Tiếp sau tiền điện là khoảng sân rộng được lát đá và trang trí nhiều cây cảnh, hoa lá. Phía Đông và Tây của sân có hai dãy nhà dài là tả vu và hữu vu. Trước đây, hai dãy nhà này được người Hoa sử dụng làm nơi giảng dạy tiếng Hoa các cấp sơ - trung học cho con em của họ, vì vậy nơi đây còn có tên là Trung Hoa công học hay trường Lễ nghĩa.
Chính điện được nôí với nhà tiền điện bởi tả vu và hữu vu. Kết cấu bên trong của chánh điện chủ yếu là khung gỗ với hệ thống cột kèo cao to, sơn son tráng lệ. Vì kèo được tạo theo kiểu chồng rường giả thủ, chạm trổ đơn giản, ít cầu kỳ. Gian giữa là khám thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu vị nữ thần hộ biển của người Hoa. Hai gian bên thờ Tài Bạch Tinh Quân và Quan Âm Bồ Tát. Ngoài ra, trong hội quán còn thờ hai thần Thiên Lý Nhãn, Thuận Phong Nhĩ và mô hình thuyền buồm, đây là mẫu thuyền ngày xưa được người Hoa sử dụng làm phương tiện hàng hải giao thương buôn bán.
Hội quán Trung Hoa là nơi sinh hoạt tín ngưỡng và hội họp đồng hương chung của cả 5 bang Phúc Kiến, Triều Châu, Gia ứng, Hải Nam và Quảng Đông.

2) Phước Kiến Hội Quán: còn gọi là Kim Sơn Tự, chùa Phúc Kiến.
Hội quán toạ lạc trên khoảng đất rộng, mặt giáp đường Trần Phú, lưng giáp đường Phan Chu Trinh. Theo các tài liệu hiện tồn cho biết hội quán được khởi dựng vào khoảng năm 1757.
Tương truyền, vào thời xa xưa, khu vực này còn là rừng cây cối rậm rạp, dãy phố phía trước còn là dòng sông, có một tượng Phật dạt trôi đến. Thấy trong tượng có nhiều vàng, dân địa phương lấy số vàng đó thuê người đốn gỗ xây dựng chùa thờ Phật. Qua nhiều năm tháng mưa nắng dãi dầu, chùa hư hỏng dần. Năm 1697, đó là thời kỳ hưng thịnh của đô thị thương cảng Hội An, thương nhân Phước Kiến đến Hội An ngày một nhiều nên đã mua lại chùa này để xây dựng hội quán để làm nơi thờ tiền hiền, thần và làm nơi hội họp đồng hương.
Với mặt bằng khuôn viên đất kéo dài từ đường Trần Phú đến đường Phan Chu Trinh, hội quán Phước Kiến được kiến trúc theo hình chữ Tam. Cổng ngoài bằng bê tông cốt thép, xi măng đúc liền một khối. Qua một số bậc cấp thì lên đến sân trước tam quan, tam quan là dãy tường dài, giữa có ba lối đi, hai dãy tường bên đắp nổi hình cửu long mô phỏng theo cửu long bích trong Tử Cấm Thành Bắc Kinh. Sau tam quan là khoảng sân rộng dùng để đặt chậu cảnh, hồ nuôi cá.
Khu vực chính bao gồm tiền điện, nhà Đông Tây, chính điện và hậu điện theo kiểu nội công ngoại quốc (trong hình chữ công, ngoài hình chữ quốc). Cấu trúc kèo tiền điện dạng chồng rường giả thủ, kết cấu chồng đấu con sơn chạm trổ tinh vi, đẹp mắt. Đặc biệt là các bức giả màn được chạm lộng theo hình chim, cây, hoa, lá xếp chồng ẩn hiện. ở đây còn có những bức hoành lớn sơn son thếp vàng hoặc chạm xoi, chạm nổi tạo nên vẻ khang trang, uy nghi. Sau tiền điện là sân trời có mái che lợp ngói vảy cá, hai bên là nhà giải vũ chạy dài ra đến hậu điện. Chính điện rộng lớn với hệ cột kèo bằng gỗ quy mô sơn son, mái lợp ngói ống, bờ nóc trang trí đồ án lưỡng long triều dương và nhiều tượng người, tượng thú rất có giá trị về mặt tạo hình dân gian. Trong chính điện thờ tượng Thiên hậu Thánh mẫu, tương truyền đây là vị thánh có công cứu giúp những người bị nạn trên biển nên được đại đa số người Hoa thờ cúng. Trước tượng Thiên hậu Thánh mẫu bày hai hàng lỗ bộ bát bửu, bên trái đặt mô hình thuyền buồm. Đây là mẫu hình thuyền của thương nhân người Hoa từng sử dụng để vượt biển buôn bán. Hậu điện cũng được xây dựng quy mô với hệ cột tròn to lớn liên kết bởi các vì chồng rường giả thủ, các khám thờ được chạm trổ cầu kỳ, sơn son thếp vàng. Gian giữa hậu điện thờ Lục tánh Vương gia. Gian phía Đông thờ Kim Hoa nương nương (ba bà chúa Sanh Thai và 12 Bà Mụ), gian phía Tây thờ Tài Bạch Tinh quân.

3) Triều Châu Hội Quán: còn gọi là chùa Triều Châu, chùa Âm Bổn, chùa Ông Bổn, được khởi dựng vào khoảng năm 1845 và được trùng tu vào các năm 1887, 7970...
Hội quán Triều Châu được xây dựng theo lối kiến trúc nội công ngọai quốc, mặt quay theo hướng Nam - Tây Nam. Phần trước hội quán là nhà tiền điện được làm chủ yếu bằng gỗ và đá. Mặt tiền được lắp dựng bằng nhiều mảng đá lớn có chạm trổ nhiều đồ án trang trí như: lý ngư hoá long, long mã, hồ điệp, tứ linh, hoa điểu... Nội thất tiền điện được kiến trúc theo kiểu chồng rường giả thủ, thân các vì kèo chạm trổ hết sức tinh vi, lộng lẫy. Ngoài ra, bên các rường chính còn gắn nhiều mảng chạm lộng, chạm lủng theo các môtíp bức bình phong, long mã, chim muông... Bờ nóc, bờ hồi được tạo dáng cong vuốt, mền mại với kết cấu đa tầng, khoảng cách giữa các tầng đắp nổi nhiều hình hoa điểu, nhân vật.
Chính điện rộng lớn gồm 3 gian, kết cấu chủ yếu là các cột gỗ to và các vì chồng rường giả thủ đặt trưng. Đặc biệt, các con ke trang trí được điêu khắc thành các hình thân rồng đầu cá, rồng dây, long mã... Các cánh cửa chính đều được làm bằng gỗ, chạm trổ nhiều đồ án cát tường như: thái bình hữu tượng, thái sư thiếu sư, sư tử hý tiền... Gian giữa chính điện có khám thờ chạm trổ lộng lẫy thờ tượng Phục Ba tướng quân - vị thần chém sóng, trị gió để biển yên gió lặng và phù hộ thuận buồm xuôi gió. Hai gian bên thờ Tài Bạch tinh quân và Phước Đức chánh thần.
Nối liền giữa nhà tiền điện với chánh điện là tả vu và hữu vu, nơi đây dùng để tiếp khách, chuẩn bị phẩm vật để hiến cúng trong các dịp đại lễ của hội quán. Phía sau của tả, hữu vu là nơi thờ linh vị của các bậc tiền hiền, hậu hiền của các bang Triều Châu. Hàng năm, vào dịp tết Nguyên tiêu (rằm tháng giêng), hội quán đều tổ chức lễ cầu phước và cúng giỗ tiền hiền.

4/ Quỳnh Phủ Hội Quán: còn gọi là hội quán Hải Nam, chùa Hải Nam.
Theo các tài liệu hiện còn lưu giữ tại hội quán cho biết công trình này được xây dựng vào khoảng năm 1875 và đại trùng tu vào năm 1931.
Một số tư liệu có ghi chép rằng vào thời nhà Nguyễn có một 108 thuỷ thủ người Hải Nam đi buôn gặp gió tấp thuyền vào lánh nạn tại cửa biển Thị Nại (Quy Nhơn), bị quan quân nhà Nguyễn tưởng nhầm là tàu của giặc cướp nên đã nã đại bác bắn chìm thuyền, 108 người tử nạn oan uổng. Sau khi điều tra rõ sự tình, vua Tự Đức sắc phong họ là “Nghĩa Liệt Chiêu ứng”, cho phép xây đền thờ cúng để an ủi linh hồn.
Hội quán Hải Nam được kiến trúc theo hình chữ quốc với quy mô rộng lớn chạy dài từ đường Trần Phú đến đường Phan Chu Trinh. Nhà tiền điện là kiến trúc mới nên vật liễu xây dựng chủ yếu là bê tông cốt thép, ít có chạm trổ điêu khắc. Chính điện được tạo dựng khá quy mô với các hàng cột lớn đứng trên những chân tảng bằng đá cẩm thạch; các vì chồng rường đồ xộ liên kết các hàng cột với nhau tạo thành khung chịu lực chắc chắn. Các khám thờ trong chánh điện được điêu khắc tinh vi thể hiện sự tài tình giàu nghệ thuật trong kỹ thuật điêu khắc truyền thống. Đặc biệt, án thờ gian giữa chạm khắc nổi, mạ vàng cảnh sinh hoạt tam giới “trời, đất, thuỷ cung” hết sức lộng lẫy, uy nghi. Nối giữa chánh điện và tiền điện là hai dãy nhà Đông, Tây. Hai dãy nhà này cũng được kiến trúc chủ yếu bằng gỗ nhưng kết cấu đơn giản.
Hàng năm, vào dịp rằm tháng 6, người Hải Nam tổ chức vía 108 vị Nghĩa Liệt Chiêu ứng và cúng giỗ tiền hiền. Lễ cúng được tổ chức linh đình với sự tham gia của Hoa Kiều bang Hải Nam ở Hội An và nhiều nơi khác như: Tam Kỳ, Đà Nẵng, Huế...

5/ Hội quán Quảng Triệu: còn gọi là Hội quán Quảng Đông, chùa Quảng Triệu.
Hội quán Quảng Triệu nằm phía cực Tây của đường Trần Phú, cạnh phía Đông Bắc Chùa Cầu. Đây là hội quán có niên đại xây dựng muộn khoảng cuối thế kỷ thứ 19. Tuy vậy, niên đại xây dựng cụ thể của hội quán cần phải được nghiên cứu lại, bởi vì nhiều tài liệu ghi rằng Quảng Triệu hội quán được xây dựng vào năm 1885 tức năm thứ 11 đời vua Quang Tự nhà Thanh. Nhưng thực tế, cây xa cò hiện đang gắn trên di tích lại ghi trùng tu năm Quang Tự thứ 10 tức năm 1884, bồn hương hợp chất đặt trước chánh điện lại ghi Quang Tự năm thứ 9 tức năm 1883. Như vậy thì trùng tu trước, xây dựng sau. Có người cho rằng trước kia Hội quán được xây dựng tại Thanh Chiêm (phía Tây Hội An) và được dời về kiến dựng lại ở Hội An vào năm 1885, nhưng điều này vẫn chưa tìm được tư liệu ghi chép cụ thể.
Tuy có niên đại xây dựng muộn nhưng hội quán Quảng Triệu được tạo dựng khá công phu độc đáo không kém gì các hội quán khác. Công trình được kiến trúc theo kiểu hình chữ quốc trên một nền đất rộng, cao ráo. Nhà tiền điện khá quy mô với các mảng tường được lắp dựng bằng đá, hệ cột kèo cao to, chạm trổ tinh xảo, lộng lẫy, mái tạo dáng cong vuốt, nhiều tầng, khoảng cách giữa các tầng gắn nhiều tượng người, tượng thú theo các điển tích xưa.
Chính điện rộng lớn khoáng đãng với hệ cột kèo đồ xộ được liên kết bởi các vì chồng rường giả thủ vững chắc. Điện chia làm 3 gian, gian giữa thờ Quan Công và ngựa Bạch, Xích thố; Hai gian còn lại thờ Tài Bạch tinh quân và Phước Đức Chánh thần. Ngoài ra ở hai phía Đông Tây còn có tả, hữu vu được tạo dựng đơn giản để nối giữa nhà tiền điện với chánh điện. Khoảng giữa sân có hồ nước lớn đắp nổi hình rồng uốn lượn uyển chuyển theo tích “lý ngư hoá long”.
Hàng năm, vào dịp rằm tháng giêng, hội quán tổ chức lễ hội Nguyên tiêu, cúng giỗ tiền hiền. Lễ hội này diễn ra sôi nổi với các nghi thức tế lễ truyền thống, đãi tiệc mừng hội ngộ đồng hương và cầu chúc đầu năm gặp vận may, phát tài, phát lộc.
Các bang của người Hoa đều xây dựng hội quán, riêng bang Gia ứng (còn gọi là Khách Gia, người Hẹ) do số lượng người quá ít nên họ không xây dựng hội quán mà sinh hoạt chung tại Trung Hoa hội quán. Các hội quán đều có tổ chức Lý Sự Hội do hoa kiều trong bang bầu ra để đảm nhiệm, điều hành công việc của hội quán. Riêng ở Trung Hoa hội quán, ngoài tổ chức Lý Sự Hội điều hành công việc chung của 5 bang còn có Đổng Sự Hội để điều hành việc dạy học tiếng Hoa tại trường Lễ Nghiã.
Các hội quán người Hoa là những công trình kiến trúc tiêu biểu, độc đáo. Các lễ hội, phong tục tập quán của người Hoa... cũng góp phần làm đa dạng phong phú loại hình văn hoá ở di sản văn hoá Hội An. Ngoài ra trong các di tích còn lưu giữ khá nhiều hiện vật, tài liệu quý giá giúp cho những người nghiên cứu có điều kiện nghiên cứu về quá trình di nhập cư, sinh hoạt thương mại của người Hoa ở nhều thế kỷ trước.

Phòng Văn hóa và Thông tin Hội An

Văn bản mới

tra cuu van ban
banner van ban trung uong

Video Clip

This text will be replaced

Thư viện hình ảnh

Liên kết hữu ích