uct
du lịch, tour du lich
Đình

Đình

20/01/2015
Đình làng truyền thống là trung tâm văn hóa tín ngưỡng của cư dân Việt hoặc của cộng đồng Việt gốc Hoa ở Hội An. Đình làng vừa là nơi thờ cúng, tri ân các bậc tiền nhân đã có công khai hoang mở làng lập xã và những vị thần bảo hộ của làng, đồng thời cũng là nơi sinh hoạt cộng đồng, tổ chức các hoạt động văn hóa - xã hội như được dùng làm nơi hội họp, tổ chức những lễ cúng và các sự kiện đặc biệt của làng/xã. Ngày nay các đình làng ở Hội An vẫn còn được sử dụng và phát huy, tích cực phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.

Một số ngôi đình tiêu biểu

* Đình Cẩm Phô

Đình có mặt tiền xây về hướng Đông - Nam có tổng diện tích 1125m¬2, xây theo kiểu chữ đinh. Từ ngoài đường nhìn vào có một cổng tam quan rất lớn bằng gạch vôi. Trên đỉnh hai trụ biểu gắn chìm trong tam quan tạo hình hai búp sen nở và hai quả cầu lớn. Dưới ghi: “Cẩm Phô Hương Hiền”, hai bên trụ có hai câu đối: “Cẩm tú giang sơn khai khẩn cơ thiên tải tại” và “Phô trương công đức phỉ thừa phỉ hiển vạn niên xuân”. Nhìn chung, tam quan đã được sửa chữa nhiều lần. Nối liền tam quan là một lư hương lớn, hai bên có hai bình, tất cả cao 2m và được xây bằng ciment. Đi qua một khoảng sân 20m đến tiền đình. Tiền đình được xây dựng kiểu 4 mái. mỗi đầu kèo có chạm hình “lồng đèn”, ở giữa có bức hoành “Hương Hiền từ”. Nối tiếp tiền đình là chính điện gồm 5 gian, mỗi gian được ngăn cách bởi những hàng cột và hệ tường cao giáp nóc đồng thời tạo thành 3 lối đi hình bán nguyệt. Ba gian giữa có bàn hương án chạm trổ chi tiết. Xà cò ghi niên đại trùng tu Gia Long 17 (1818). Hai bên tiền đình là nhà Đông, nhà Tây kiểu ba gian. Kèo cột trốn kẻ chuyền. Bờ nóc chạm hình chim phượng chầu mặt nguyệt. Mái lợp ngói âm dương. Nhìn chung, đình đã qua nhiều lần tu sửa nhưng dáng dấp xưa vẫn giữ được.
Ngôi đình đã góp phần làm sáng tỏ lịch sử vùng đất và vai trò của làng Cẩm Phô. Sự thành lập đình làng liên quan đến thời điểm hình thành quần thể kiến trúc Đô thị cổ Hội An. Làng Cẩm Phô là một làng hình thành rất sớm ở Hội An, trải qua nhiều lần chuyển dời địa bàn cư trú và đình làng, vì vậy, di tích này có ý nghĩa quan trọng khi nghiên cứu và quá trình hình thành làng xã tại Hội An từ những năm cuối thế kỷ XV. Qua các buổi sinh hoạt văn hóa diễn ra tại đình hiện được bảo lưu chúng ta có thể hiểu rõ hơn phong tục, tập quán, tín ngưỡng lễ hội của cư dân.

* Đình Đế Võng

Di tích nằm trên 1 khuôn viên đất, có tổng diện tích là 1780m2, mặt tiền xoay về hướng Nam - Tây Nam, nhìn ra dòng sông Hội An (hạ lưu của sông Thu Bồn). Phía trước là khoảng sân rộng (6m x 10m), với 1 bức bình phong, tam quan, trụ biểu nay đã bị sập (còn lại dấu vết móng), hai bên có 2 miếu nhỏ, bên tả là miếu thờ Lục vị tiên nương, bên hữu là miếu thờ thổ Thần, trong miếu này có 1 tượng Voi bằng đá niên đại khoảng thế kỷ VIII - IX (tác phẩm điêu khắc của cư dân Chàm). Toàn bộ công trình được bố cục theo kiểu “Tiền đình hậu tẩm”, hệ vì kèo theo lối nhà rường rất truyền thống, liên kết kiểu cột trốn kẻ chuyền khá điển hình. Tiền đình gồm 1 gian, 2 chái nhưng 2 chái ở đây được kéo dài mở rộng thành những chái kép, tạo cho lòng đình như 3 gian 2 chái. Một gian với 4 cây cột cái liên kết theo kiểu khung cụi khá vững chắc bởi hệ thống trính, xà thượng, xiên thượng, xiên hạ. Ở lòng 3, 2 đầu hồi trước của chái xây tường ngang bằng với đuôi mái, để trống ở giữa làm lối đi tạo thành mái hiên, với lối kiến trúc này cho ta cảm giác từ ngoài nhìn vào di tích như có nhà Đông nhà Tây. Không gian chính của tiền đình bao gồm lòng nhất, lòng nhì ở trước và sau, nơi đây có đặt một bàn hương án tiền đình khá lớn (2m x 1m cao 1m3). Trên các kẻ được bào sao chỉ, chạm nổi hoa văn hoa lá, nghé kẻ và đầu kẻ chạm hình đầu dao và các cây xà (thượng, trung, hạ) hình vuông cũng được bào nhẵn kẻ soi chỉ khá công phu. Khoảng giữa xà thượng và xiên có những ván ô hộp, ván thủng hình long ly qui phụng. Dưới 2 đầu xiên (gian giữa) liên kết với 2 cột cái có 2 mảng gỗ chạm nổi hình con dơi (cầu phúc) khá sinh động. Gian hậu tẩm là nơi thờ Thần hoàng bổn xứ, ngăn cách với tiền đình bởi hệ thống cửa thượng song hạ bản gồm 4 cánh, trên đố cửa có gắn 2 mắt cửa hình xoáy âm dương lá đề. Bờ nóc, bờ hồi đắp nổi những con giống hình rồng, phụng cẩn sành sứ khá sinh động, bờ diềm mái gắn những đĩa cổ men trắng vẽ lam, tất cả tạo nên vẻ đẹp cổ kính, duyên dáng của toàn bộ hệ mái trước. Đặc biệt nơi 2 đầu hồi, các nghệ nhân nề đã thể hiện tài năng nghệ thuật điêu luyện công phu của mình không thua kém gì nghệ nhân mộc, bởi nơi đây được cấu tạo theo lối bình phong cuốn thư, đắp nổi phù điêu bằng những mảnh sứ cổ như 1 bức tranh tuyệt mỹ.
Sự hiện tồn của di tích sẽ giúp cho các nhà nghiên cứu khoa học có điều kiện tìm hiểu sâu về mỹ thuật, kiến trúc cổ ở Hội An cũng như việc tìm hiểu về tâm lý cộng đồng, sinh hoạt cư dân ở đây. Với những nét độc đáo riêng của mình di tích góp phần làm phong phú thêm về loại hình đình làng nói riêng, trong quần thể kiến trúc ĐTC Hội An nói chung và cùng với cảnh quan thiên nhiên sông nước hữu tình di tích sẽ là 1 trong những điểm tham quan du lịch hấp dẫn ở Hội An.

Phòng Văn hóa và Thông tin Hội An

Văn bản mới

tra cuu van ban
banner van ban trung uong

Video Clip

This text will be replaced

Thư viện hình ảnh

Liên kết hữu ích