uct
du lịch, tour du lich
Di tích lịch sử văn hóa(Đình Tiền Hiền, Miếu tổ nghề yến...)

Các di tích tiêu biểu

05/01/2015
(các di tích được Bộ VHTT&DL xếp hạng cấp Quốc gia và hiện nay là các điểm tham quan chính trên đảo)

 Di chỉ Bãi Ông: Địa điểm khảo cổ học Bãi Ông nằm tại cồn cát sát chân núi, ở giữa hai khe nước bắt nguồn từ núi chảy ra biển.
Ở hai hố thám sát, khai quật có diện tích rộng và tầng văn hóa sâu nên hiện vật tại địa điểm Bãi Ông được tìm thấy với số lượng lớn, loại hình đa dạng. Gốm thô tiền Sa Huỳnh là hiện vật phổ biến nhất với hơn 13.000 mảnh vỡ của các vò hình cầu, nồi miệng khum, mồi miệng loe xiên, bình chân thấp, mâm bồng, dọi xe chỉ... Các hiện vật này được làm từ đất sét pha nhiều cát sạn nhỏ, bã thực vật. Xương gốm thường có màu đen, nâu đen, nâu xám; áo gốm màu nâu đỏ, nâu hồng, đỏ, vàng. Đồ án trang trí của đồ gốm cũng rất đa dạng như mép vỏ sò, vạch răng sói, cuốn rạ. Có 180 mảnh gốm Chăm, Đường, gốm sành miền Trung và xứ men xanh, một số mẩu gạch vụn, ngói cũng được tìm thấy. Đồ đá có hơn 185 hiện vật nguyên và mảnh, thuộc các nhóm hiện vật công cụ sản xuất: các dạng rìu, bàn mài, chày nghiền, màu đá thường là xanh, xanh xám, xám trắng; nhóm đồ tùy táng gồm có đá kè, đá cuội viên; nhóm đồ trang sức có chuỗi hạt màu đen vân trắng được mài trau chuốt. Và một vài hạt cây cháy, xương động vật cũng được phát hiện.
Đây là di tích có niên đại sớm nhất được phát hiện ở Hội An. Di tích đã góp phần làm rõ thêm vai trò của Cù Lao Chàm trong thời kỳ Tiền - Sơ sử ở Hội An. Đồng thời chứng minh cư dân Sa huỳnh cư trú liên tiếp ở Hội An từ Sơ kỳ đến hậu kỳ Văn hóa Sa Huỳnh.

Di chỉ Bãi Làng: Địa điểm khảo cổ thuộc thôn Bãi Làng CLC, vị trí khai quật nằm sát chân núi, cách bãi biển khoảng 80m.
Hiện vật thu thập được trong hố khai quật chủ yếu bao gồm: mảnh vỡ của đồ gốm sứ gia dụng, kiến trúc, đồ thủy tinh, kim loại, đá.
Dựa vào vị trí địa lý và hiện vật phát hiện tại di tích cho thấy địa điểm Bãi Làng là di chỉ cư trú của cư dân Champa vào thế kỷ VII - X sau công nguyên và đời sống khá phát triển. Nhiều ngành nghề được hình thành và phát triển như khai thác lâm, hải sản, sản xuất gốm, thủy tinh.
Qua nhiều hiện vật gốm, sành Trung Hoa, Islam và thủy tinh Islam được phát hiện trong di tích Bãi Làng cho thấy vị trí quan trọng của hải đảo Cù Lao Chàm trên con đường hàng hải quốc tế. Nơi đây chắc chắn có sự dừng chân trao đổi của các thương thuyền Trung Quốc, Trung Đông. Qua đó cũng cho thấy cư dân cổ Bãi Làng cũng đã sớm có những hoạt động giao lưu thương mại với các thương nhân nước ngoài.

Giếng xóm Cấm: Kiến trúc nguyên gốc của giếng cũng có hình ống lăng trụ, thành giếng tròn, nền giếng hình vuông, ở mỗi góc có một trụ vuông. Diện tích khuôn viên giếng 15m2
Phần kiến trúc được xây dựng bổ sung, cải tạo gồm thành miệng giếng xây gạch xi măng dày 30cm. Nền tráng xi măng, hình bán nguyệt, cạnh vuông còn lại có dấu tích hai trụ vuông ở nằm giáp sân vận động xã Tân Hiệp, phần bầu tròn năm sát đường bê tông.
Mặc dầu giếng được đào và xây dựng ở đảo nhưng giếng luôn cung cấp một lượng nước dồi dào, trong, ngọt. Hiện nay, đang có hơn 30 hộ với 150 nhân khẩu thuộc hai thôn Bãi Làng và Xóm Cấm lấy nước từ giếng xóm Cấm để dùng. Nhiều tàu thuyền đánh cá vẫn ghé vào giếng này để lấy nước.
Di tích là công trình kiến trúc quan trọng phục vụ đời sống cư dân trên đảo. Xưa kia ngư dân, thương nhân đi thuyền từ nơi khác đến cập bến Cù Lao Chàm lấy nước ngọt để đảm bảo cho nhu cầu sinh hoạt của họ trên những chặng hành trình tiếp theo, qua đó thể hiện mối giao lưu mạnh mẽ của cư dân trên đảo với thương dân, ngư dân bên ngoài.
Di tích cung cấp những thông tin cần thiết để hiểu rõ hơn sinh hoạt văn hóa của cư dân địa phương, quá trình phát triển làng xã cũng như vai trò, vị trí Cù Lao Chàm trên chặng đường giao thương hàng hải ven biển Đông trước đây. Kỹ thuật xây dựng giếng là nguồn tư liệu quan trọng góp phần làm rõ thêm kỹ thuật xây dựng giếng Chăm ở Hội An cũng như sự kế thừa kinh nghiệm xây dựng giếng của cư dân Việt tại đảo.

Lăng Tiền Hiền: tọa lạc tại xóm giữa, thôn Bãi Làng, xã Tân Hiệp. Hiện nay, trong di tích không còn giữ được những cứ liệu về niên đại xây dựng của ngôi đình, nhưng qua điều tra những vị cao niên của làng thì lăng được xây dựng khá lâu, khoảng cuối thế kỷ thứ 18, đầu thế kỷ 19.
Đây là một di tích có vai trò quan trọng trong hệ thống các di tích tín ngưỡng của các cư dân trên đảo Cù Lao Chàm nên di tích được xây dựng khá quy mô bề thế. Di tích chủ yếu được xây dựng bằng các vật liệu sẵn có tại địa phương như vôi, gạch, đá, san hô... Kiến trúc theo lối cuốn vòm, không có cột kèo bằng gỗ. Mái lợp ngói âm dương, bờ nóc trang trí hình “lưỡng long tranh châu”, bờ hồi mềm mại, đầu đao tạo dáng hoa lá, đuôi cá, mặt rồng... Nội thất có không gian rộng lớn chia làm nhiều nếp, ngăn cách bởi các trụ rộng. Hiện nay, trong di tích còn lưu giữ được 3 bai vị bằng gỗ, có chạm trổ, sơn son thếp vàng, trên khắc thần hiệu của các vị Phục Ba Tướng quân. Ngoài ra, còn có 2 bức hoành phi sơn son thếp vàng lớn do các thương hiệu trong phố Hội An phụng cúng.
Trên tường của các bệ thờ khác và các trụ giữa đều có ghi nhiều câu đối bằng chữ Hán, nội dung ca tụng công đức của các bậc tiền, hậu hiền và thần thánh. Trước lăng là một khoảng sân rộng lát gạch đỏ, có bình phong lớn án ngữ, có cổng cao, trên tạo dáng hình bông sen.
Lăng tiền hiền là một bằng chứng quan trọng trong việc nghiên cứu về quá trình định cư, khai hoang khẩn hóa, ổn định cuộc sống và làm sáng tỏ tập tục tôn giáo tín ngưỡng của cư dân trên đảo Cù Lao Chàm xưa. Đồng thời góp phần làm phong phú hệ thống các công trình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng trong quần thể các di tích tôn giáo tín ngưỡng ở Tân Hiệp nói riêng và Hội An nói chung.

Lăng Ông Ngư: Quan niệm của những người đánh cá cho rằng, cá Ông là vị thần biển có nhân tính, thường xuất hiện cứu vớt những người bị nạn trên biển, là vị cứu tinh kịp thời của dân chúng trên vùng biển mênh mông khi gặp thủy tai, thủy nạn. Vì vậy, khi có cá Ông lỵ (lụy) do đánh nhau với cá mập, cá xà, trôi dạt vào bờ thì người ta có nhiệm vụ phải làm đám tang đúng theo sách Thọ mai gia lễ, sau đó chôn cất và đưa xương vào lăng thờ cúng.
Lăng Ông Ngư nằm giữa khu dân cư theo hướng Tây Nam, cách bờ biển chừng 10m, lưng dựa vào núi, mặt nhìn ra biển theo thuật phong thủy dân gian truyền thống. Lăng được xây bằng vôi, gạch, san hô với kiểu mái cuốn vòm thấp, sau có hậu tẩm để làm nơi đặt xương cá Ông. Mái lợp ngói âm dương, trên trang trí đề tài tứ linh gồm: bờ nóc trang trí đề tài “lưỡng long triều dương”, bờ nóc nếp hai trang trí hình chim phượng; hai đầu hồi đắp hình lân, trước mái trang trí đề tài “quy thư”.
Nội thất tương đối rộng gồm hai nếp ba gian. Gian giữa gắn liền với hậu tẩm, là nơi đặt các hòm xương cá Ông; trên bệ thờ có 13 bài vị sơn son thếp vàng bằng gỗ khắc thần hiệu của cá Ông.
Trước hậu tẩm có án thờ bằng gạch dùng để bày lễ vật hiến cúng trong các ngày cúng kỵ. Hai gian bên là nơi thờ những vị tả hữu ban, thị tùng bộ hạ. Cách lăng 7m về phía trước có bình phong dạng cuốn thư, mặt trước đắp nổi hình hổ, mặt sau đắp hình cá chép uốn lượn uyển chuyển.
Di tích lăng Ông Ngư ở Cù Lao Chàm đã góp phần minh chứng sự đa dạng phong phú sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của cư dân địa phương, là bằng chứng là loại hình di tích tín ngưỡng của cư dân làm nghề sông nước tại Hội An nói chung, Tân Hiệp nói riêng. Đồng thời còn góp phần làm phong phú loại hình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng của quần thể kiến trúc tại xã đảo Tân Hiệp - Cù Lao Chàm.

Miếu tổ nghề Yến: Yến sào ở những hang đá trong cụm đảo Cù Lao Chàm đã được cư dân Champa biết đến giá trị và khai thác, còn đối với người Việt, sau khi tiếp thu mảnh đất này đã tiếp quản, kế thừa phát triển thành nghề khai thác yến sào, nghề này đã gắn chặt với cư dân làng Thanh Châu trong lịch sử hình thành và phát triển. Căn cứ vào nhiều nguồn tư liệu: bia đá, biển, liễn hiện còn và các văn bia khác thì có thể khẳng định ông Hồ Văn Hòa làm quan kiêm chức quản yến ở vào đời vua Gia Long và ông đã đứng ra lo xây dựng miếu để thờ các bậc tiền bối của nghề. Như vậy di tích hiện tồn cho đến nay là công trình được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ 19 để thờ tổ nghề yến và Thành Hoàng bổn xứ.
Di tích được xây dựng trên một gò cát thuộc Bãi Hương Cù Lao Chàm, mặt tiền xoay ra hướng biển tức là hướng Tây - Tây Bắc nhìn vào đất liền. Toàn bộ công trình được xây tường bao bọc xung quanh. Từ cổng vào di tích là khoảng sân rộng lót gạch Bát Tràng, giữa sân là bình phong kiểu cuốn thư, mặt trước đắp hình hổ, mặt bên trong của bình phong đắp cảnh sơn thuỷ.
Công trình chính gồm 2 nếp nhà nối liền thông với nhau, mái lợp ngói âm dương. Nếp thứ nhất hệ vì kèo cấu tạo theo kiểu chồng rường giả thủ. Mặt tiền thấp, không có lối đi giữa mà có hai lối đi ở hai bên theo kiểu cửa vòm, cùng với hai cửa ở hai đầu hồi còn lại gần như tường thành bao bọc chung quanh.
Đây là một công trình kiến trúc tín ngưỡng thờ cúng Tổ nghề, một nghề khá đặc biệt ở Việt Nam và có vai trò kinh tế quan trọng đối với cư dân trong vùng nói riêng và nước nhà nói chung. Di tích nằm trên cụm đảo Cù Lao Chàm, góp phần làm tôn thêm sự phong phú điểm tham quan du lịch ở nơi đây, vừa là nơi có cảnh quan thiên nhiên vừa là nơi có di tích kiến trúc lịch sử văn hóa.

Chùa Hải Tạng: là một ngôi chùa làng “quy mô nhất”, toạ lạc tại Bãi Làng xã Tân Hiệp, xưa kia là xứ Cù Lao thuộc Tân Hiệp phường của tổng Thanh Châu, Hoà Vang huyện, phủ Điện Bàn. Theo sách Đại Nam Nhất Thống Chí thì ngôi chùa này từng là nơi tu tập của Hương Hải thiền sư cùng nhiều vị danh tăng khác.
Theo văn bia hiện đang lưu giữ tại chùa cho biết, vào năm Cảnh Hưng thứ 19 (1758) chùa được dựng tại vị trí khác, cách vị trí hiện nay khoảng 200m về phía Đông Bắc. Nhưng do bị mưa bão làm hư hại nên vào năm Tự Đức nguyên niên (1848) chùa được dời về xây dựng lại trên địa điểm hiện nay.
Chùa được xây dựng lại trên một khoảng đất cao, lưng dựa vào núi, mặt quay ra biển theo hướng Tây Nam, trước mặt là vùng đồng ruộng và các khe nước tự nhiên. Toàn bộ công trình được bao bọc bởi tường rào xây bằng đá núi, phía trước có cổng tam quan với 3 lối ra vào. Trong là một khoảng sân rộng vừa để làm nơi tập trung thiện nam tín nữ trong các ngày đại lễ, vừa tạo không gian thoáng đãng cho ngôi chùa. Chính điện được xây dựng khá quy mô với nhiều hàng cột bằng gỗ lim cao lớn, khung chịu lực chính là hệ kèo “chồng rường giả thủ” chia khoảng cách làm 3 lòng, tạo cho không gian ngôi chùa càng thêm rộng rãi. Hầu hết các kèo gỗ được chạm trổ nhiều đồ án, hoa văn tinh xảo vừa để trang trí tăng vẽ thẩm mỹ, vừa làm giảm đi sự cao to nặng nề của toàn bộ khung chịu lực bên trong.
Hệ thống thờ tự trong chùa cũng khá phong phú đa dạng. Gian chính giữa là nơi thờ Tam thế phật, hai gian tả hữu thờ Quan Thế Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát. Ngoài ra, tại chính điện còn thờ Quan Thánh Đế Quân, Ngọc Hoàng Đại Đế, hậu điện thờ sư tổ Đạt Ma cùng long vị của các vị hoà thượng trù trì đời trước. Với cách thức thờ tự như vậy thể hiện quan niệm tam giáo đồng nguyên của cư dân xứ Cù Lao và cùng là một quan niệm khá phổ biến của các ngôi chùa làng ở Hội An.
Tính đến nay chùa Hải Tạng tại Cù Lao Chàm đã trải qua gần 160 năm. Hơn một thế kỷ rưỡi đối diện với bão táp mưa sa nhưng ngôi chùa vẫn tồn tại gần như nguyên vẹn cả về kết cấu kiến trúc, mỹ thuật cũng như hình thức bố trí thờ tự bên trong. Vì vậy, có thể nói ngôi chùa đã đóng vai trò tích cực, điển hình về loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật trên đất Cù Lao nói riêng, cả Hội An nói chung. Ngoài ra, ngôi chùa còn là một bằng chứng quý giá cho việc nghiên cứu về loại hình kiến trúc, tôn giáo - tín ngưỡng và ngôi chùa cũng là một địa điểm tham quan lý tưởng cho du khách khi bước chân đến Cù Lao Chàm.

Văn bản mới

tra cuu van ban
banner van ban trung uong

Video Clip

This text will be replaced

Thư viện hình ảnh

Liên kết hữu ích