uct
du lịch, tour du lich
Tổng quan về khu phố cổ - DSVH thế giới

TỔNG QUAN VỀ ĐÔ THỊ CỔ HỘI AN

26/01/2015
I. Đô thị cổ Hội An - Khái quát về sự hình thành và phát triển

Thành Hội An nằm ở vùng cửa sông - ven biển, cuối tả ngạn của sông Thu Bồn, ôm trọn bờ Bắc Cửa Đại - của biển đóng vai trò vô cùng quan trọng làm cho đô thị - thương cảng Hội An phát triển thịnh đạt, vàng son một thời trong lịch sử. Trung tâm Thành phố có tọa độ địa lý 15053’ vĩ Bắc, 108020’ kinh Đông, cách thành phố Đà Nẵng 30 km về phía Đông Nam và cách thị xã tỉnh lỵ Tam Kỳ chừng 50km về phía Bắc. Hội An được bao bọc bởi môi trường tự nhiên sông - biển và sự chở che, gắn bó của các huyện bạn láng giềng: Đông và Đông Nam giáp huyện Duy Xuyên, Tây và Tây Nam giáp huyện Điện Bàn, Bắc giáp biển Đông.
Với diện tích tự nhiên hết sức khiêm tốn (60km2, trong đó đất liền chỉ chiếm 44,5 km2) song địa hình, địa mạo Hội An lại rất phong phú, đa dạng: vừa có đồng bằng được chia cắt bởi hệ thống sông lạch chằng chịt, vừa có biển, có hải đảo, lại vừa có núi, có rừng,... Môi trường thuận lợi đó đã tạo nên nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào về lâm, thổ, hải sản bên cạnh nguồn tài nguyên nhân văn độc đáo: quần thể kiến trúc đô thị cổ.
Thành phố Hội An hiện nay có số dân khoảng 85.000 người, được phân bố không đều trên 9 phường (Minh An, Sơn Phong, Cẩm Phô, Thanh Hà, Tân An, Cửa Đại, Cẩm Châu, Cẩm An, Cẩm Nam), 3 xã đất liền (Cẩm Thanh, Cẩm Hà, Cẩm Kim ) và một xã hải đảo (Tân Hiệp).
Hội An là mảnh đất giàu truyền thống yêu nước - cách mạng, truyền thống lao động sáng tạo và có bề dày lịch sử văn hóa được kết tinh qua nhiều thời đại và đã từng nổi tiếng trên thương trường quốc tế với nhiều tên gọi khác nhau như Lâm ấp, Faifo, Hoài Phô,... Hội An.

Lịch sử cổ - trung đại Hội An có thể chia làm 3 thời kỳ cơ bản:
1) Thời kỳ Tiền - sơ sử (từ thế kỷ II trở về trước):
Do có đặc điểm địa lý thuận lợi nên từ hơn 3000 năm trước, mảnh đất này đã tồn tại và phát triển nền văn hóa Tiền - sơ sử mà đỉnh cao là nền văn hóa Sa Huỳnh muộn. Qua kết quả nghiên cứu khảo cổ học tại Cẩm Hà, Thanh Hà, Cẩm Phô, Cẩm Thanh, Tân Hiệp, với nhiều loại hình mộ chum đặc trưng với những công cụ sản xuất, công cụ sinh họat, đồ trang sức tuyệt xảo bằng đá, gốm, thủy tinh, kim loại,... được lấy lên từ lòng đất đã khẳng định sự phát triển rực rỡ của nền văn hóa Sa Huỳnh trong thời Tiền - Sơ sử đóng góp quan trọng cho việc nghiên cứu, tìm hiểu liên quan đến thời kỳ Tiền - Sử của cư dân sứ Quảng và cả chuỗi Nam đạo ở Đông Nam Châu á. Đặc biệt, việc phát hiện hai loại tiền đồng Trung Quốc thời Hán (Ngũ Thù, Vương Mãng từ thế kỷ II BC - thế kỷ I), những hiện vật sắt kiểu Tây Hán, dáng dấp Đông Sơn, óc eo, hoặc đồ trang sức với công nghệ chế tác tinh luyện trong các hố khai quật đã chứng minh một điều thú vị rằng, ngay từ đầu công nguyên, đã có nền ngoại thương manh nha hình thành ở Hội An.

2) Thời kỳ Champa (thế kỷ II - thế kỷ XV):
Dưới thời Champa (nhất là trong các thế kỷ IX - X) Lâm ấp phố, Hội An đã từng là cảng thị phát triển, thu hút nhiều thương nhân Arập, Ba Tư, Trung Quốc đến buôn bán, trao đổi vật phẩm mà hàng hóa xuất khẩu chủ yếu của người Chăm lúc bấy giờ là tơ tằm, ngọc trai, đồi mồi, vàng, trầm hương, nước ngọt,... Nhiều thư tịch cổ ghi nhận đã có một thời khá dài, Chiêm cảng Lâm ấp phố đóng vai trò quan trọng bậc nhất trong việc tạo nên sự hưng thịnh của Kinh thành Trà Kiệu và Trung tâm tôn giáo - tín ngưỡng Mỹ Sơn. Với những phế tích móng Chăm, những giếng nước Chăm và những pho tượng Chăm (tượng Vũ Công Thiên Tiên Gandhara, tượng Nam thần Tài lộc Kubera, tượng Voi thần,..) cùng những mảnh gốm - sứ Trung Quốc, Đại Việt, Trung Cận Đông thế kỷ II - XIV, và đồ trang sức, những mảnh vật dụng bằng thủy tinh màu nổi tiếng của vùng Trung cận Đông, Nam ấn Độ được phát hiện càng làm sáng tỏ giả thuyết từng có một Lâm ấp phố (thời Champa) trước Hội An (thời Đại Việt), từng tồn tại một Chiêm cảng với nền mậu dịch hàng hải phát triển phồn thịnh.
Song, thời kỳ huy hoàng của vương quốc Champa cũng khá ngắn ngủi do cuộc chiến tranh liên miên giữa Champa và Đại Việt. Các cuộc Nam tiến của Lê Hồng Đức (1471) đã kéo dài biên giới Đại Việt vào đến đèo Cù Mông và của chúa Nguyễn Phúc Trăn (1693) đã làm cho bản đồ Champa không còn trên thực tế.

3) Thời kỳ Đại Việt - Đại Nam (thế kỷ XV- XIX):
Người Việt kế tiếp người Chàm là một bộ phận cư dân cơ bản, chủ nhân chính của khối cộng đồng cư dân Hội An ngày nay với nguồn gốc chủ yếu là cư dân Đại Việt, một số rất ít ở đồng bằng Bắc Bộ, còn đại bộ phận ở Bắc Trung Bộ - cụ thể là Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tỉnh. Trong buổi sơ khai lúc ban đầu vào đây họ chủ yếu sinh sống bằng các nghề cổ truyền là nông nghiệp - làm ruộng lúa nước, trồng các loại cây rau màu, hoa quả... Một số cư dân đã dựa vào địa thế biển rộng, sông ngòi chằng chịt ở đây khai thác đánh bắt hải sản (cá, tôm, mực)... và một số ngành nghề thủ công nghiệp như gốm, dệt, mộc... để phục vụ cho nhu cầu của buổi sơ khai ban đầu đó. Có kết hợp nông nghiệp, ngư nghiệp và thủ công nghiệp từ đó tất nhiên có chợ, bến để trao đổi buôn bán giữa các làng với nhau và với thuyền buôn nước ngoài. Trên cơ sở có đứt gãy, gián đoạn mà cũng có tiếp nối truyền thống của người Chàm với người Việt trong làm ăn sinh sống, kỹ thuật khai thác, kỹ thuật sản xuất và kinh tế buôn bán, cùng các hình thức sinh hoạt kinh tế, văn hóa tương ứng.
Rồi cùng với năm tháng, thời gian lịch sử, với bản tính cần cù thông minh sáng tạo của con người Đại Việt trên mảnh đất được thiên nhiên ưu đãi, nền kinh tế ở đây không ngừng phát triển theo hướng chuyên nghề, chuyên ngành, sớm tạo nên sự hình thành nhiều làng xã có điều kiện sinh hoạt kinh tế khác nhau về cơ bản như làng nông nghiệp, làng ngư nghiệp, làng buôn/ thương nghiệp, làng nông nghiệp gắn với ngư nghiệp, làng nông nghiệp gắn với tiểu thủ công nghiệp (như mộc, gốm, khai thác yến sào...)... Đó là dấu hiệu của một nền sản xuất kinh tế hàng hóa giản đơn nhưng là yếu tố cơ bản, là nguyên nhân sâu xa, cùng với yếu tố vị trí địa lý thuận lợi tạo thành điều kiện đủ - yếu tố nội sinh đầy sức sống, hấp lực thu hút sự nhập cư của các thành phần cư dân khác trên mảnh đất Hội An này, góp phần nhanh chóng đưa Hội An phát triển mạnh mẽ, trở thành một trung tâm thương nghiệp - ngoại thương nổi tiếng của Đàng Trong - Việt Nam.
Trong suốt 117 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1858 - 1975), hàng vạn người dân Hội An đã ngã xuống cho độc lập và thống nhất đất nước. Các phong trào Nghĩa Hội hưởng ứng Hịch Cần Vương, Duy Tân, chống thuế... đều được người Hội An nhiệt tình tham gia để như mạch sóng ngầm qua nhiều thế hệ rồi trào dâng ở các giai đoạn tiếp theo. Từ những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Hội An là trung tâm của các trào lưu yêu nước ở tỉnh Quảng Nam. Năm 1927, tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Hội An được thành lập. Trong Cách mạng Tháng Tám, Hội An là một trong bốn tỉnh lỵ khởi nghĩa giành Chính quyền sớm nhất trong cả nước (ngày 18/8/1945). Trong chiến tranh chống Pháp, Hội An là địa phương đi đầu trong phát triển lực lượng vũ trang địa phương, được Bác Hồ tặng khẩu súng carbin. Trong chiến tranh chống Mỹ, Hội An cũng là nơi đầu sóng ngọn gió xứng đáng với chữ vàng “Anh dũng hiên ngang” bám trụ kiên cường.
Ngày 22/8/1998, Hội An được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân". Cả Thành phố đến nay đã được Nhà nước phong tặng 175 “Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng”, 6 xã, 2 đơn vị vũ trang và 15 cá nhân được tuyên dương là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Ngày 24/8/2000, Hội An được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới". Hội An đang là trung tâm du lịch của tỉnh và khu vực, được Chính phủ ghi nhận và biểu dương kết quả thực hiện Đề án xây dựng Hội An Thị xã Văn hóa - mô hình Đô thị Văn hóa tiêu biểu của cả nước giai đoạn 1999 - 2005. Ngày 03/4/2006, Bộ Xây dựng đã có quyết định số 602/QĐ-BXD công nhận Hội An là Đô thị loại 3.
Phát huy những thành tựu đạt được, hệ thống chính trị của thị xã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành, Đảng bộ và nhân dân Hội An quyết tâm tiếp tục thực hiện sự nghiệp đổi mới, triệt để phát huy thế mạnh, khai thác tiềm năng, mọi nguồn lực sẵn có, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phấn đấu vì mục tiêu xây dựng Hội An thành Đô thị Sinh thái - Văn hóa - Du lịch phát triển bền vững.

Phòng Văn hóa và Thông tin Hội An

Văn bản mới

tra cuu van ban
banner van ban trung uong

Video Clip

This text will be replaced

Thư viện hình ảnh

Liên kết hữu ích