Phát triển CN-TTCN ở Hội An: Kích cầu phát triển du lịch
uct
du lịch, tour du lich
Phát triển CN-TTCN ở Hội An: Kích cầu phát triển du lịch (18/09/2015)
Khi nhắc đến Hội An, người ta nghĩ ngay đến một đô thị phát triển mạnh về du lịch. Thế nhưng giờ đây, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) cũng đang có một bước tiến mới, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển ở vùng đất này.

Không còn manh mún

Hội An vốn là vùng đất có nhiều lợi thế để phát triển du lịch, đây cũng được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương này. Vì vậy, việc phát triển CN-TTCN ở Hội An luôn được nghiên cứu kỹ và đặt dưới sự quản lý khắt khe để đảm bảo hài hòa môi trường sinh thái. Chính quyền địa phương đã nỗ lực đưa ra nhiều chính sách để đẩy mạnh CN-TTCN tại Hội An. Năm 2004, HĐND thị xã Hội An (cũ) ra Nghị quyết về cơ chế hỗ trợ phát triển CN-TTCN, đến năm 2010, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI cũng xác định CN-TTCN là mũi nhọn phát triển kinh tế sau dịch vụ - du lịch - thương mại. Đến đầu năm 2011, UBND thành phố tiếp tục ban hành Quy định hỗ trợ, ưu đãi, khuyến khích đầu tư phát triển CN-TTCN với những hỗ trợ, ưu đãi hết sức thông thoáng cho các doanh nghiệp nhưng mãi đến thời gian gần đây thì mảng này mới bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc.

Các sản phẩm CN-TTCN góp phần kích cầu phát triển du lịch ở Hội An. Ảnh: Q.T
Các sản phẩm CN-TTCN góp phần kích cầu phát triển du lịch ở Hội An. Ảnh: Q.T

Cụm công nghiệp - dịch vụ - đô thị Thanh Hà đã đi vào hoạt động và lấp đầy được khoảng 70% diện tích. Có 8/14 doanh nghiệp hoạt động sản xuất tại đây, giúp CN-TTCN của Hội An có một bước tiến mới. Năm 2010, giá trị sản xuất CN-TTCN của Hội An chỉ đạt 258,5 tỷ đồng thì đến năm 2014 đã tăng lên 562 tỷ đồng (tăng hơn 217%) và ước cả năm 2015 sẽ đạt 592 tỷ đồng. Tất nhiên chưa thể so sánh với các địa phương phát triển mạnh về công nghiệp trong tỉnh như Núi Thành, Điện Bàn hay Tam Kỳ nhưng đó là một nỗ lực rất lớn của Hội An.

Cơ cấu sản phẩm CN-TTCN của Hội An khá đa dạng với các ngành: mộc, rượu, nước tinh khiết, thêu, may mặc, chiếu cói, đèn lồng, sản phẩm may gia công… Nhiều doanh nghiệp có quy mô tương đối lớn như Công ty CP May Hòa Thọ  (tạo việc làm cho 570 lao động); Công ty CP Cẩm Hà (140 lao động); Xí nghiệp Mộc Việt Đức (180 lao động)... Năm 2014, CN-TTCN đã chiếm 26,9% trong tỷ trọng nền kinh tế toàn thành phố so với mức 14% ở năm 2010. Nhiều nhóm ngành, sản phẩm hầu hết phục vụ cho xuất khẩu như may, gỗ, thêu… Bà Trần Thị Vân - Trưởng phòng Kinh tế TP.Hội An cho biết: “Thời gian gần đây, CN-TTCN của thành phố khởi sắc mạnh mẽ. Sắp tới, sẽ tiếp tục cố gắng mời gọi doanh nghiệp lấp đầy diện tích còn lại ở Cụm công nghiệp - dịch vụ - đô thị Thanh Hà, hy vọng sẽ tạo ra một bước đột phá về CN-TTCN ở Hội An”.

Kích cầu du lịch

Ở Hội An, có một điều rất đặc biệt mà hiếm địa phương nào có được là ngành CN-TTCN góp một phần quan trọng thúc đẩy du lịch phát triển, tạo ra mối quan hệ tương hỗ và ngày càng bền chặt. Nhiều du khách đến Hội An không chỉ coi nơi đây là một địa điểm để tham quan mà còn thích tìm hiểu, khám phá các nét văn hóa lịch sử ở phố Hội, trong đó có các làng nghề TTCN. Phần lớn du khách đến với đô thị cổ này đều dành thời gian thực hiện các tour đến các địa điểm sản xuất sản phẩm TTCN trên địa bàn thành phố để tham quan và mua sắm tại chỗ. Chị Nguyễn Ngọc Phương, một du khách đến từ Đà Lạt chia sẻ: “Lý do chính khiến mình đến Hội An là để chiêm ngưỡng những con đường ngập tràn ánh sáng mờ ảo của đèn lồng vào mỗi tối, được tự mình đạp xe tìm hiểu những nét đặc sắc ở làng gốm Thanh Hà hay làng mộc Kim Bồng. Những làng nghề TTCN ở Hội An thực sự rất thú vị”.

Làng gốm Thanh Hà, làng mộc Kim Bồng hay làng lụa Hội An luôn là những địa điểm thu hút du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Sự hấp dẫn đó một phần nhờ những sản phẩm TTCN chất lượng và đặc sắc. Cũng chính nhờ lượng du khách này mà sản phẩm CN-TTCN của Hội An tạo được thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ. Nhiều chương trình kích cầu du lịch Hội An gắn với các sản phẩm CN-TTCN được triển khai trong năm 2015 như “khuyến mãi, tặng sản phẩm may mặc cho khách du lịch”, “ngày hội văn hóa gỗ Hội An”, “đêm phố cổ”, “lễ hội thi trình diễn lồng đèn”…, giúp thương hiệu du lịch Hội An thêm đặc sắc và tạo được chỗ đứng vững chắc trong lòng du khách thập phương. Nhiều thương hiệu “may nhanh” như Thu Thủy, Á Đông Silk, Bebe… đã có chỗ đứng trong lòng du khách bốn phương.

Bà Đinh Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Thương mại - dịch vụ TP.Hội An cho biết: “Các sản phẩm CN-TTCN trên địa bàn thành phố có mối liên kết chặt chẽ với ngành du lịch - dịch vụ và là một thành tố có đóng góp không nhỏ trong việc kích cầu du lịch, tạo thêm nhiều điểm nhấn mới đối với khách du lịch đến Hội An”. Có thể thấy CN-TTCN của Hội An không chỉ đang ngày càng có được chỗ đứng vững chắc trong nền kinh tế địa phương mà còn trợ lực cho việc phát triển du lịch của đô thị này.

QUỐC TUẤN (baoquangnam.com.vn)

 

Lượt xem:  1,434 Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 4 1 2 3 4
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn bản mới

banner van ban trung uong

Video Clip

This text will be replaced

Thư viện hình ảnh

Website các phòng ban - xã phường