Tìm giải pháp trùng tu di tích Chùa Cầu Hội An
uct
du lịch, tour du lich
Tìm giải pháp trùng tu di tích Chùa Cầu Hội An (17/08/2016)
Sáng 16/8, tại hội trường Quảng trường Sông Hoài, TP Hội An đã diễn ra Hội thảo quốc tế để tìm giải pháp trùng tu Chùa Cầu Hội An đã 400 năm tuổi. Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh, cùng lãnh đạo Cục Di sản Văn hoá, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, lãnh đạo Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch và thành phố Hội An chủ trì. Hội thảo thu hút sự tham gia của 120 chuyên gia, nhà quản lý trong và ngoài nước.

 

Các chuyên gia trong và ngoài nước tìm giải pháp trùng tu chùa Cầu. Ảnh: Nguyên Khôi

Di tích Chùa Cầu được cấp bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 1990, là biểu tượng của Di sản Văn hóa thế giới Hội An. Nơi đây trở thành điểm đến không thể thiếu của du khách mỗi khi đến phố cổ Hội An. Chùa Cầu còn có tên gọi khác là cầu Nhật bản, tên chữ Lai Viễn Kiều do chúa Nguyễn Phúc Chu ban vào năm 1719. Tương truyền cầu do người Nhật xây dựng vào đầu thế kỷ XVII. Chùa Cầu vừa là công trình giao thông, vừa là công trình tín ngưỡng, là biểu tượng của sự giao lưu văn hóa lâu đời giữa Việt Nam và Nhật Bản.
 
Sau nhiều lần được trùng tu, tôn tạo, hiện nay, di tích đang trong tình trạng xuống cấp và cần sớm được tu bổ, gìn giữ lâu dài. Hằng ngày, Chùa Cầu phải đón tiếp trung bình 4.000 lượt khách. Dưới cầu là sự chuyển biến của dòng chảy Khe Ồ Ồ và môi trường ẩm ướt của sông nước. Những tác động này khiến các mố, trụ cầu bị nứt, nhiều cột, kèo có dấu hiệu mục rỗng, hư hỏng… Ngoài ra, Chùa Cầu cũng nằm ngay ở vùng rốn lũ của Hội An, thêm nguy cơ mất an toàn.
 
Chùa Cầu - Biểu tượng của Di sản Văn hóa Hội An
 
Trên cơ sở tập trung vào 2 nội dung chính gồm: quan điểm định hướng cho việc trùng tu Chùa Cầu và đề xuất các giải pháp trùng tu bảo tồn di tích Chùa Cầu. Hội thảo đã thu hút hàng chục lượt ý kiến của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước có sự nhìn nhận, đánh giá chân xác nhất về di tích Chùa Cầu, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tu bổ bảo tồn di tích này đạt hiệu quả trong thời gian đến. 
 
Chùa Cầu Hội An đang chịu nhiều áp lực, xuống cấp cần được tu bổ. Ảnh: H. Văn
Chùa Cầu Hội An đang chịu nhiều áp lực, xuống cấp cần được tu bổ. Ảnh: H. Văn

Nhiều ý kiến cho rằng, việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải đảm bảo giữ gìn tối đa các yếu tố gốc, cấu thành di tích, bảo đảm tính xác thực của di tích, không làm sai lệch những giá trị vốn có của di tích, hạn chế tối đa mọi sự thay thế, nhất là thay thế bằng vật liệu, chất liệu mới.

Theo GS. TSKH Vũ Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, cho rằng cần trùng tu theo quan điểm đồng bộ, toàn diện, nhất là kiến trúc. Nên tháo dỡ toàn bộ, làm hồ sơ chi tiết, gia cố, phục chế những bộ phận hư hỏng nặng rồi dựng lại. Không nên kéo dài tình trạng hư đâu sửa đấy khiến di tích dần biến dạng và mất hẳn tính nguyên gốc.

Kiến trúc sư Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích, Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch dẫn ra những bài học kinh nghiệm trong quá trình trùng tu trước bao gồm xử lý các vấn đề kỹ thuật, tu bổ, đặc biệt là công tác tư liệu hóa. Lần trùng tu mới nhất cách đây 30 năm cơ bản đảm bảo được các yếu tố đó, tuy nhiên vấn đề đặt ra đối với việc trùng tu Chùa Cầu hiện nay là không đơn giản. KTS  Lê Thành Vinh thống nhất với phương án hạ giải toàn bộ Chùa Cầu.

“Tất nhiên, việc hạ giải toàn bộ đối với 1 di tích đặt ra nhiều vấn đề lo ngại nhưng tôi nghĩ rằng đối với kỹ thuật, trình độ hiện nay của Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm hạ giải công trình này. Sau đó lắp trở lại và đưa trở lại như vốn có. Có những ý kiến băn khoăn, ví dụ như các kết cấu gỗ có thể tháo lắp một cách thuận tiện nhưng phần mái ở trên thì sao. Tôi nghĩ là những việc này bây giờ kỹ thuật có thể giải quyết được”, Tiến sĩ Lê Thành Vinh nhấn mạnh.

Theo PGS.TS. Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hoá Việt Nam, người có nhiều năm theo dõi các hoạt động bảo tồn di sản Đô thị cổ Hội An, có hai vấn đề cấp bách cần được xử lý triệt để trong dự án tu bổ, tôn tạo chùa Cầu trong thời gian tới. Một là cần ưu tiên tìm biện pháp xử lý nguồn nước thải sinh hoạt đô thị trước khi xả vào Khe Ồ Ồ chảy dưới chùa Cầu để cư dân Hội An cũng như du khách có được cảm giác thư thái khi đến tham quan. Thứ hai, nên sử dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại để khảo sát đánh giá lại khả năng chịu lực và độ bền vững của bộ phận móng, trụ cầu trước khi đưa ra quyết định về giải pháp trùng tu.

Sự xuống cấp của Chùa Cầu  hiện hữu ngày càng rõ rệt nhưng ở mức độ nào? Những thông số kỹ thuật, hạng mục nào cần khắc phục và khắc phục bằng giải pháp, vật liệu gì cho phù hợp là những việc phức tạp cần có giải pháp khoa học để giải quyết thấu đáo. Giáo sư Tomoda Hiromichi, Trường Đại học Nữ Chiêu Hòa, Nhật Bản cho biết, đây là biểu tượng của mối quan hệ giữa 2 nước Việt Nam và Nhật Bản. Vì vậy, ông Tomoda Hiromichi khẳng định sẽ mời các chuyên gia Nhật Bản sang Hội An để tìm hiểu, nghiên cứu kỹ lưỡng các phương án khả thi nhất.

“Nếu được mời tham gia thì chúng tôi có thể sử dụng những camera tiên tiến để chụp hình lại tất cả những cấu kiện trên mái và chúng tôi sẽ dựng thành phim 3D, dựa trên kỹ thuật in 3D hiện đại, chúng tôi có thể phục hồi lại nguyên trạng”, Giáo sư Tomoda Hiromichi nhấn mạnh.

Bà Negoro Chizuko, Bí thư Ban Văn hóa và truyền thông, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, đánh giá cao việc tổ chức hội thảo trước vấn đề trùng tu chùa Cầu và cho biết, chùa Cầu là biểu tượng văn hóa Nhật Bản giữa lòng phố cổ Hội An, kỹ sư Nhật Bản sẵn sàng hỗ trợ kỹ sư Việt Nam, giúp đỡ kỹ thuật, ý tưởng để trùng tu chùa Cầu.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Thanh cho biết: “Quan điểm của tỉnh bây giờ là phải nghe các nhà khoa học, các nhà chuyên môn sau đó tìm ra phương án tối ưu nhất. Sau khi có phương án tối ưu rồi thì chúng tôi sẽ gặp những chuyên gia tư vấn lại để đưa ra phương án cuối cùng. Sau Hội thảo này chúng tôi mới đưa ra phương án cuối cùng để làm theo cách nào. Nhưng nguyên tắc là làm sao để di tích này sống mãi với chúng ta”./.

Trung An Mỹ (tổng hợp) 

 

Lượt xem:  2,793 Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 36 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 20
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn bản mới

banner van ban trung uong

Video Clip

This text will be replaced

Thư viện hình ảnh

Website các phòng ban - xã phường