Tổng quan về lễ hội ở Hội An
uct
du lịch, tour du lich
Tổng quan về lễ hội ở Hội An (20/01/2015)
Đặc điểm lễ hội cổ truyền ở Hội An

Trong lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Hội An, lễ hội từ lâu đã trở thành sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, nghệ thuật của cộng đồng. Trải qua nhiều thời kỳ tiến triển, sàng lọc, tích hợp, sinh hoạt lễ hội đã trở thành truyền thống của cư dân Hội An. Truyền thống tốt đẹp này không hề gián đoạn trong tâm thức cộng đồng qua nhiều giai đoạn lịch sử.

Lễ hội ở Hội An diễn ra quanh năm, bắt đầu từ lễ hội chuyển mùa - Tết Nguyên Đán. Đây là lễ hội mang tính đặc thù của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Đây là “thời điểm mạnh” của sinh hoạt cộng đồng. Hầu hết các điểm thờ tự tôn giáo – tín ngưỡng, người dân đều đắm mình vào một “không gian thiêng trong khoảnh khắc thời gian thiêng”. Tại các gia đình, nhà thờ họ, các đình, lăng, miếu, chùa, hội quán…đều có lệ cúng suốt 3 ngày Tết. Các gia đình đều có lễ cúng ông Táo (đêm 23 tháng Chạp) cúng đất (đêm giao thừa). Các di tích thờ tự cộng đồng có lễ dựng nêu. Các làng xã ngoại thành, các phường nội thành đều có trò diễn, trò chơi : hát sắc bùa, chơi thai đề, hô bài chòi, chơi du tiên, hội đua thuyền, chiếu hát bội, hát hò khoan đối đáp, chơi cờ tướng, thả thơ…

Sau Tết Nguyên Đán, lễ hội diễn ra quanh năm ở các di tích thờ tự tín ngưỡng - tôn giáo như lễ hội Nguyên Tiêu của cộng đồng người Hoa ở các hội quán, cúng giỗ Tiền hiền và sinh hoạt vui chơi của đồng hương các bang; lễ cúng cầu bông, giỗ tổ nghề Mộc, giỗ tổ nghề Gốm, lễ cúng kỳ yên (cầu an) ở các đình làng, miếu xóm; ở các chùa lớn có lễ thiên quan tích phúc (còn gọi là Lễ Thượng Nguyên) cầu trời ban phước lành; lễ tống Long Chu đầu năm.

Sang tháng hai, lễ hội Lục tánh Vương gia ở hội quán Phúc Kiến, cầu ngư ở các lăng Ông…

Tháng ba, có Tết Hàn Thực (mùng 3 tháng 3 âm lịch), Tết Thanh Minh, các tộc họ tổ chức tảo mộ và cúng tộc ( 10 đến 15 tháng 3 âm lịch); giỗ Tổ nghề Yến (10/3 âm lịch); Lễ Vía Thiên Hậu Thánh Mẫu ( 23/3 âm lịch).

Tháng tư, vào ngày rằm có lễ hội Phật Đản ở các chùa và ở các gia đình theo đạo Phật.

Tháng năm, có Tết Đoan Ngọ, cúng sông, cúng đất, cúng cô hồn ( Mùng 5 tháng 5) khắp cả Thành phố.

“Mùng Năm, ngày Tết” – là dịp Tết xum họp lần thứ hai trong năm của các gia đình.

Tháng sáu, có lễ hội Hội quán Hải Nam (15/6 âm lịch); lễ Vía Quan Thánh đế quân (24/6 âm lịch), đây là các lễ hội khá quy mô ở Chùa Ông và Hội quán Quảng Triệu.

Tháng bảy, có Tết Trung Nguyên (15/7 âm lịch) cũng đồng thời là Lễ Vu Lan, lễ Địa quan xá tội vong nhân ở các chùa Phật và một số miếu Ngũ Hành ở các làng.

Tháng tám, có Lễ hội Trung Thu (15/8 âm lịch) là lễ cúng trăng ở các gia đình và cũng là dịp tổ chức hội rước đèn, rước cộ, phá cỗ dành cho trẻ em.

Tháng chín, có Tết Trùng Cửu (mùng 9/9 âm lịch) cúng tổ tiên, ông bà.

Tháng mười, có lễ Thuỷ Quan giải ách (15/10 âm lịch). Chùa Vạn Đức làm đại lễ giỗ tổ sư Minh Lượng ( 28/10 âm lịch).

Tháng mười một, lễ cúng Minh Hải tổ sư phái thiền Lâm Tế Chúc Thánh (7/11 âm lịch) ở chùa Chúc Thánh, lễ giỗ tổ sư Minh Giác (10/11 âm lịch) ở chùa Phước Lâm.

Tháng chạp, có lễ tổ nghề may (12 tháng chạp), các đình làng làm lễ lạp tiết (Mùng hai tháng chạp) cáo yết thần linh, sau đó trở lại chu kỳ Tết Nguyên Đán, cúng ông Táo ( 23 Tháng chạp) về lễ tất niên ( hết một năm ở các gia đình).

Tìm hiểu về sinh hoạt lễ hội cổ truyền ở Hội An, tính chất nổi trội có thể nhận diện ngay đó là phần lớn các lễ hội đều in đậm màu sắc phồn thực của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, hoa mầu và cư dân làm nghề cá ở sông, biển. Các lễ hội loại này thường liên quan đến “nước” vì thế các nhà nghiên cứu đã gọi là “Lễ hội nước”: lễ tang cá Ông, lễ hội cầu mưa, lễ kỳ yên, lễ tống Long Chu, lễ cúng Thần Nông, lễ Cầu Bông…Cả đến các lễ hội tôn giáo như bộ ba lễ hội Tam Nguyên của đạo Phật : Thượng Nguyên (Nguyên Tiêu), Trung Nguyên ( lễ Vu Lan), Hạ Nguyên ( Thuỷ quan giải ách- “Rằm tháng 10 người người đều cúng” đều liên quan đến lễ cúng trăng, mừng trăng tròn, “cầu mưa thuận” để tránh ngập úng, lũ lụt vào dịp Tết Trung Nguyên, mừng cơm mới, cứu vớt những vong hồn bị chết nước vào dịp rằm tháng mười- Tết Hạ Nguyên). Các lễ hội có tính chất ngoại sinh như Vía Thiên Hậu Thánh Mẫu, Vía Quan Công, Vía Bắc Đế Trấn Vũ…cũng chịu sự chi phối của ước vọng “nhân khang, vật thịnh”, “buôn mau bán được”, “tài lộc dồi dào”, “của cải như non, bạc tiền như nước”…Như vậy có thể khẳng định lễ hội ở Hội An đậm đà màu sắc tín ngưỡng dân gian giai đoạn tiền nông nghiệp và nông nghiệp. Các yếu tố phát sinh qua tiếp biến, giao hòa đều có xu hướng “dân gian hóa” mạnh mẽ và ngược lại các yếu tố ngoại sinh cũng phải “dung hợp, tích hợp” với xu hướng này để tồn tại và diễn biến trong không gian và thời gian.


 

Chèo Bả trạo trong lễ hội Cầu Ngư tại Cửa Đại

Thực trạng lễ hội ở Hội An hiện nay

Qua khảo sát thống kê, hàng năm trên địa bàn Hội An có hơn 100 lễ hội gồm 80 lễ hội cổ truyền và 20 lễ hội đương đại.

Sau năm 1975 một thời gian khá dài, do nhiều nguyên nhân nên sinh hoạt lễ hội ở Hội An bị mai một. Tuy nhiên, các lễ thức cầu cúng thờ tự vẫn diễn ra ở hầu hết các di tích thờ tự tín ngưỡng thỏa mãn nhu cầu tâm linh của nhiều đối tượng, từ Tết Trung thu cho trẻ em, lễ cúng Thành Hoàng làng cho già trẻ ở các làng, các phường xã, thôn, ấp, đến tổ nghề các giới : thầy thuốc, nghệ nhân, nghệ sĩ, thợ may… Phần lễ nhìn chung được bảo tồn khá nguyên vẹn do tâm thức cộng đồng.

Lễ hội cổ truyền ở Hội An hiện nay đang ở giai đoạn phục hồi. Chiếm số lượng lớn vẫn là các lễ hội thờ Thành Hoàng, Tiền hiền, Hậu hiền ở các làng xã và các lễ hội tín ngưỡng - tôn giáo nói chung cho cả cộng đồng.

Cùng với sự phục hồi và phát triển của các lễ hội cổ truyền do nhân dân, cộng đồng tự tổ chức, trong những năm gần đây, nhằm mở rộng việc giao lưu văn hóa trong thời kỳ đổi mới cũng như phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân và du khách khi đến tham quan Khu Di sản văn hóa thế giới Hội An, Thành phố Hội An đã nghiên cứu tổ chức thêm một số lễ hội đương đại như: lễ hội đón Tết Dương lịch, lễ hội Hành trình từ quá khứ, lễ hội đón giao thừa thiên niên kỷ, lễ hội Văn hoá - Thể thao miền biển, Tháng Du lịch Hội An - Cảm xúc mùa hè, lễ hội Giao lưu Văn hoá Việt Nam - Nhật Bản, lễ hội “Quảng Nam – Hành trình di sản”, Đêm phố cổ... và các sự kiện văn hóa - lịch sử khác vẫn thường xuyên được tổ chức trong các dịp lễ kỷ niệm rải đều trong năm (đặc biệt là các năm chẵn). Quy mô của lễ hội lớn, phạm vi rộng, trải đều trên địa phận của nhiều xã phường (chứ không hẳn chỉ diễn ra ở mái đình, sân miếu của một xóm, làng cụ thể nào), thời gian có khi kéo dài cả tuần, có khi cả tháng, có lễ hội cấp Thành phố, cấp Tỉnh và cả cấp Quốc gia.

 


Lễ hội Giao lưu Văn hóa Hội An - Nhật Bản được tổ chức định kỳ hàng năm

Việc phục hồi và phát triển các sinh hoạt lễ hội trong những năm qua vừa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh- tín ngưỡng, nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của tầng lớp nhân dân. Thông qua sinh hoạt lễ hội, ý thức trân trọng, gìn giữ di sản văn hóa ngày càng được nâng cao trong các tầng lớp nhân dân. Qua các sinh hoạt lễ hội cũng tạo mối dây gắn kết tinh thần nhân ái, tính đồng cảm, cộng cảm của cộng đồng.

Ngoài hiệu quả xã hội, sinh hoạt lễ hội ở Hội An còn đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển, quảng bá ngành du lịch của Thành phố. Các hoạt động VH-VN nói chung, sinh hoạt lễ hội nói riêng đã thực sự trở thành những sản phẩm du lịch độc đáo của Hội An, làm cho di sản văn hóa “có hồn” và quyến rũ hơn, con người Hội An càng cởi mở và thân thiện hơn. Các lễ hội tại Hội An đã góp phần rất lớn trong việc tôn vinh văn hóa Hội An, văn hóa xứ Quảng

Phòng Văn hóa và Thông tin Hội An

Lượt xem:  2,312 Bản in Quay lại

Văn bản mới

banner van ban trung uong

Video Clip

This text will be replaced

Thư viện hình ảnh

Website các phòng ban - xã phường