Những giá trị truyền thống
uct
du lịch, tour du lich
Những giá trị truyền thống (29/12/2014)
Diễn trình lịch sử hình thành và phát triển của đô thị- thương cảng Hội An đã có ý nghĩa quyết định đến diện mạo di sản văn hóa Hội An khá đa dạng, phong phú và đậm bản sắc đặc trưng.

Có thể nói hiếm có nơi nào tập trung mật độ di tích dày đặc như ở Hội An; với hơn 1.350 di tích, trong đó có 1.273 di tích kiến trúc nghệ thuật thuộc các công trình dân dụng (nhà ở, cầu, giếng, chợ), công trình tín ngưỡng (đình, chùa, lăng - miếu, hội quán, nhà thờ tộc) và công trình đặc thù (mộ). Mỗi loại hình kiến trúc đều có những đặc điểm, sắc thái riêng và đều góp phần tăng thêm tính phong phú, đa dạng văn hóa của đô thị cổ Hội An. Trong đó, hạt nhân cơ bản là quần thể di tích kiến trúc khu phố cổ được xem như một “bảo tàng sống”, bởi từ bao đời nay thị dân Hội An vẫn “sống cùng phố cổ, sống với phố cổ, sống vì phố cổ”. Hàng ngày cuộc sống đời thường diễn ra ngay trong lòng phố cổ; từng công trình kiến trúc cổ đều in đậm, hằn sâu nếp sống, lối sống văn hóa đặc trưng của con người Hội An.

Hội An là nơi tụ cư, hợp cư của con người từ nhiều lớp, nhiều nguồn, nhiều dân tộc; là cái nôi truyền bá Thiên chúa giáo và Phật giáo ở Đàng Trong- Việt Nam, là một trong hai cái nôi (cùng Kinh Kỳ- Hà Nội) ra đời chữ Quốc ngữ vào thế kỷ XVII; là điểm gặp gỡ, giao thoa các nền văn minh Chăm - Việt - Hoa - Nhật - Ấn và các nước Phương Tây. Các yếu tố văn hóa từ nhiều nguồn trải qua quá trình chọn lọc, tiếp biến để rồi định hình sắc thái riêng rất độc đáo của kho tàng văn hóa phi vật thể Hội An; giữ vai trò dòng chủ lưu là hệ thống các phong tục tập quán- tín ngưỡng của cộng đồng cư dân Việt và cộng đồng cư dân gốc Hoa.

Ở Hội An gần như quanh năm bốn mùa đều diễn ra các lễ hội văn hóa truyền thống, gồm các lễ hội của cư dân sông nước như lễ hội cầu ngư- tế Cá Ông- đua thuyền; của cư dân thương nghiệp như lễ hội vía Tài Thần, Thiên Hậu Thánh Mẫu, Bổn Đầu Công, Lục Tánh Vương Gia; của cư dân nông nghiệp như Tết Nguyên Đán, Tết Nguyên Tiêu, Tết Trung Thu, Lễ cầu bông, long chu, xô cộ...Ngoài ra còn có các lễ hội tế Xuân, tế Tổ nghề Mộc- nghề May- nghề Gốm - nghề khai thác Yến sào...Và những năm gần đây các lễ hội hiện đại, các sự kiện văn hóa- du lịch, kỷ niệm những ngày lễ lớn được tổ chức khá hoành tráng đã thu hút sự tham gia đông đảo, nồng nhiệt của cả cộng đồng dân cư và du khách.

Hội An còn có những làng nghề nổi tiếng như làng mộc Kim Bồng, làng gốm Thanh Hà, làng khai thác Yến Thanh Châu, làng trồng rau Trà Quế, làng hến- bắp Cẩm Nam, các làng chài Thanh Nam, Đế Võng, Phước Trạch, Bãi Làng, Bãi Hương, các làng buôn Hội An, Minh Hương, Cẩm Phô...cùng với nguồn văn hóa ẩm thực đặc sắc, phong phú và vang tiếng khắp nơi. Hội An còn có kho tàng văn nghệ dân gian muôn hình muôn vẻ như những truyền thuyết, huyền thoại, cổ tích, ngụ ngôn; những lời hát ru dào dạt, những điệu hò khoan trữ tình, những câu dân ca- bài chòi nồng thắm...

Cùng với những nét đặc sắc về lịch sử - văn hóa, mảnh đất và con người Hội An còn đậm đà truyền thống yêu nước và cách mạng. Hội An là quê hương sinh ra chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu- lãnh tụ của Nghĩa Hội Quảng Nam với cuộc khởi nghĩa oanh liệt chống Pháp từ 1885-1888; ngay trên mảnh đất Hội An cũng có nhiều văn thân, chí sĩ đứng ra lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa như: Trần Trung Tri, Lương Như Bích ở làng Cẩm Phô; Nguyễn Bính ở Sơn Phô; ông Tuy, ông Nhạc ở Phước Trạch; Châu Thượng Văn ở Minh Hương.

Phong trào Cần Vương vừa kết thúc thì ở Quảng Nam tiếp tục dấy lên các cuộc vận động cách mạng sôi nổi gắn với tên tuổi của Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Phan Bội Châu...Hội An là trung tâm của các trào lưu yêu nước lúc bấy giờ, là nơi tổ chức các cuộc họp kín, bí mật đón tiếp, gặp gỡ các nhà yêu nước trong Nam ngoài Bắc bàn thế sự. Hội An là địa bàn trọng yếu của phong trào chống thuế bùng nổ năm 1908 và của cuộc khởi nghĩa do Thái Phiên và Trần Cao Vân lãnh đạo năm 1916.

Ngay từ đầu thế kỷ XX, những thanh niên yêu nước đã sớm tìm đến ánh sáng con đường cách mạng của Nguyễn Ái Quốc. Từ tháng 10-1927 ở Hội An đã thành lập tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Ngày 28-3-1930, tại Hội An, Tỉnh ủy lâm thời Đảng bộ Đảng cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Nam được thành lập và là địa bàn đóng cơ quan bí mật của Tỉnh ủy Quảng Nam. Tháng 4-1930, chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên của Hội An ra đời lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân. Ngày 18-8-1945, cuộc khởi nghĩa ở Hội An thắng lợi, trở thành một trong bốn Tỉnh lỵ giành được chính quyền sớm nhất của cả nước trong Cách mạng Tháng Tám.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Hội An là thị xã tỉnh lỵ của Quảng Nam, thuộc vùng địch tạm chiếm, đóng các cơ quan đầu não. Tuy vậy, phong trào nhân dân du kích chiến tranh của quân và dân thị xã phát triển ngày càng mạnh, lập nên nhiều chiến công vang dội; đặc biệt là kỳ tích đột nhập vào trung tâm nội ô bắt sống Tỉnh trưởng bù nhìn, được Bác Hồ khen tặng khẩu súng các-bin.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Hội An tiếp tục là thị xã tỉnh lỵ của Quảng Nam, trở thành một chiến trường trọng điểm, ác liệt. Đảng bộ Hội An đã lãnh đạo quân và dân thị xã kiên cường chiến đấu trên mọi mặt trận với kẻ thù, ghi dấu nhiều chiến công hiển hách.

Sau ngày quê hương được giải phóng, đất nước thống nhất; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hội An đã tập trung mọi nguồn lực để phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo an ninh- quốc phòng và đã đạt được những thành tựu to lớn. Đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao về mọi mặt. Diện mạo phố thị, làng quê, hải đảo ngày càng khởi sắc. Những năm gần đây, Hội An tiếp tục có bước phát triển nhanh, trở thành một trong những trung tâm du lịch của khu vực miền Trung và cả nước.

Với những thành tích nổi bật về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, truyền thống cách mạng và xây dựng quê hương; Đảng bộ và nhân dân Hội An đã vinh dự nhận được nhiều danh hiệu cao quý:

* Ngày 22/8/1998, cán bộ và nhân dân Hội An được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân. Trong toàn thành phố có 8/13 xã/phường, 2 đơn vị vũ trang và 15 cá nhân được phong tặng danh hiệu cao qúy này và 175 mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt nam Anh hùng.
* Ngày 04/12/1999, Đô thị cổ Hội An đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá thế giới và sau đó được trao tặng 4 giải thưởng về các lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản.

* Ngày 24-8-2000, Cán bộ và nhân dân Hội An được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới". Ngoài ra còn có 3 đơn vị và 1 cá nhân được phong tặng danh hiệu này.

* Năm 2005, Hội An được Trung ương và tỉnh công nhận hoàn thành các tiêu chí xây dựng Thị xã văn hóa giai đoạn 2001 - 2005, là Đô thị văn hóa đầu tiên và điển hình của cả nước.
* Ngày 26/5/2009, hệ sinh thái Cù lao Chàm – Hội An đã được UNESCO chính thức đưa vào danh sách Khu dự trữ sinh quyển thế giới. 

Lượt xem:  3,730 Bản in Quay lại

Văn bản mới

banner van ban trung uong

Video Clip

This text will be replaced

Thư viện hình ảnh

Website các phòng ban - xã phường