Kè khẩn cấp bảo vệ phố cổ Hội An
uct
du lịch, tour du lich
Kè khẩn cấp bảo vệ phố cổ Hội An (16/09/2014)
Tuyến kè bảo vệ phố cổ, khu vực ven sông Hoài (đoạn chợ Hội An và đường Bạch Đằng) đã bị xuống cấp, sạt lở trầm trọng, đe dọa đến sự an nguy của nhà dân và khu vực phố cổ. Mùa mưa bão đang tới gần, việc triển khai biện pháp bảo vệ sự an nguy của phố cổ trở nên cấp bách.

 Lo “hà bá” nuốt chửng
Đã nhiều năm qua, 17 hộ dân sống khu vực ven sông Hoài (đoạn chợ Hội An và đường Bạch Đằng) thường xuyên sống trong tình trạng thấp thỏm, âu lo vì nhà cửa, tính mạng bị đe dọa. Sau mỗi đợt lũ lụt, nhiều người phải tiếc nuối nhìn từng mét đất của mình bị xói lở, trôi sông; nhiều hộ phải tá túc, sinh hoạt chật chội trong một nửa căn nhà còn lại bởi một nửa ngôi nhà đã bị đổ xuống sông. Bà Bùi Thị Thúy Mai, một tiểu thương tại chợ Hội An nói: “Nhà cửa đã bị sạt lở một nửa nhưng chúng tôi không dám sửa sang, mà có muốn sửa cũng không lấy đâu ra tiền. Chính quyền đã nhiều lần tới lui kiểm tra, dân chúng tôi không đòi hỏi gì, chỉ muốn yên ổn để làm ăn nhưng cứ đà này, chỉ cần một trận lụt nữa, tôi lo sợ phần nhà còn lại cũng xuống sông mất”.

Không chỉ nhà của bà Mai mà căn hộ của các ông Thái Ngọc Trợ, Nguyễn Văn Dũng... cũng bị sóng đánh bạt xuống sông gần một nửa. Một vài hộ lo sợ phải bán tháo nhà với giá trị rất thấp cho tư thương dùng làm nơi buôn bán, tìm nơi khác ở. Cách đó không xa, gia đình bà Lê Thị Thùy Nga cũng lo lắng, đứng ngồi không yên, không biết xoay xở ra sao để bảo vệ ngôi nhà từng là tổ ấm của nhiều thế hệ. Theo bà Nga, so với một số hộ khác, nhà của bà thoạt nhìn còn khá nguyên vẹn nhưng trên thực tế thì móng nhà bị xoáy nước của các trận lũ ăn sâu hoắm bên dưới và nguy cơ đổ sụp cả ngôi nhà. “Khoảng 4 - 5m đất của gia đình đã bị sông xâm thực, cả hàng dừa sau nhà cũng rớt sông. Để bảo vệ ngôi nhà, gia đình tôi đã bỏ tiền đóng cọc thép, chèn rọ đá, đổ bê tông rất kỹ, đồng thời đóng bao cát làm bờ kè vòng ngoài bảo vệ nhưng chỉ qua một trận lũ lớn, cả bờ kè bị cuốn trôi sạch” - bà Nga nói. Cũng theo bà Nga, mùa mưa lũ, hễ nghe nước lớn là gia đình bà và 16 hộ còn lại phải lo di dời ra khỏi họng nước sông Hoài, chẳng ai dám ở. Có 17 hộ đã nhiều lần làm đơn kiến nghị mong thành phố quan tâm, nhưng nhiều năm qua vẫn chưa thấy chuyển biến gì.
Theo ghi nhận của chúng tôi, tình trạng sạt lở không chỉ đe dọa đến sự an toàn của 17 nhà dân khối An Định (phường Minh An, TP.Hội An) mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khu vực chợ Hội An, đoạn giáp cầu Cẩm Nam. Nền bê tông chợ bị nứt toác kéo dài, điểm nứt và sụt lở ăn sâu từ mép sông vào khu vực nền chợ từ 3 - 4m. Nhiều đoạn kè bị ăn rỗng ruột hoặc bị sóng đánh tuột xuống sông. Vệt sạt lở kéo dài từ đầu cầu Cẩm Nam tới khu vực bến đò sông Bạch Đằng khoảng hơn 100m. Theo nhiều tiểu thương chợ Hội An, trước đó, tuyến bờ kè vững chắc đã được xây dựng từ phường Cẩm Châu qua Sơn Phương tới chân cầu Cẩm Nam, đoạn đầu phường Minh An. Riêng đoạn sông khu vực đường Huyền Trân công chúa tiếp giáp đường Bạch Đằng là khu buôn bán của tư thương và là nơi trú ngụ của 17 hộ dân đang gánh chịu sức ép từ những trận lũ lụt bởi đây là họng nước sông Hoài.
Triển khai kè cấp bách
Ông Lê Minh Kiêm - Trưởng khối phố An Định cho hay, khu vực này đã nhiều năm đối diện với sạt lở, nhà cửa xuống cấp trầm trọng. Nhưng ngặt một nỗi, trước đó chính quyền thành phố đã đưa khu vực này vào diện giải tỏa đền bù trong đề án chỉnh trang đô thị phố cổ. Nhiều gia đình lo giải tỏa nên không dám bỏ tiền ra sửa lại nhà. Gần 20 năm qua, dự án bị “treo”, người dân đi không được, ở không xong. Nhiều hộ muốn bán nhà nhưng không ai dám mua. “Nhân dân tha thiết được hỗ trợ di dời hoặc mong muốn thành phố quan tâm xây bờ kè để chắn sóng dữ” - ông Kiêm chia sẻ.
Theo ông Võ Tam - cán bộ Phòng Quản lý đô thị TP.Hội An, giai đoạn 2011 - 2012, TP.Hội An đã xử lý tạm thời tình trạng sạt lở khu vực bờ kè sông Hoài, đoạn chợ Hội An bằng việc đóng cọc, làm tuyến kè thép tạm dài 25m, sâu 3 - 4m với tổng kinh phí hơn 800 triệu đồng. Qua thời gian, lượng nước đổ về quá lớn, sức ép lớn, nền móng bị sụt lún. Hơn nữa, sức ép của nước từ tuyến kè bê tông bên kia quá lớn, gây ảnh hưởng đến tuyến kè tạm này, dẫn đến khu vực chợ và nhiều nhà dân bị xói lở. “Được sự chỉ đạo của thành phố, Phòng Quản lý đô thị đã tiến hành khảo sát, xây dựng phương án đóng kè ván cọc thép lá sen từ khu vực chợ giáp với khu vực nhà dân dài hơn 100m, chiều sâu hơn 8m. Dự kiến nguồn kinh phí khoảng 10 tỷ đồng” - ông Tam cho biết.
Tại cuộc họp mới đây, ông Nguyễn Sự - Bí thư Thành ủy Hội An đã chỉ đạo lập đoàn khảo sát, đánh giá tình hình sạt lở tại khu vực nói trên. Trước nguy cơ xói lở, hư hỏng tuyến kè tạm đường Bạch Đằng đe dọa đến nhiều hạng mục công trình của chợ Hội An cũng như tuyến đường Bạch Đằng và khu phố cổ, thành phố đã chỉ đạo Phòng Quản lý đô thị chủ trì, phối hợp với các phòng ban liên quan lập thiết kế, dự toán công trình kè chống sạt lở để trình thành phố xem xét, để triển khai trước mùa mưa bão. “Đây là công trình khẩn cấp phục vụ phòng chống thiên tai, bão lũ nên thành phố yêu cầu vừa lập thủ tục, vừa tổ chức thi công ngay và thực hiện phương thức chỉ định thầu. Kinh phí được sử dụng từ nguồn vốn đã bố trí đối ứng cho công trình kè bảo vệ phố cổ. Tuy nhiên, về lâu dài, chúng tôi mong được cấp kinh phí xây dựng lại cả tuyến kè để bảo đảm an toàn cho phố cổ Hội An” - ông Sự nói.

Lượt xem:  2,165 Bản in Quay lại

Tin đã đưa

Văn bản mới

banner van ban trung uong

Video Clip

This text will be replaced

Thư viện hình ảnh

Website các phòng ban - xã phường