Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 92/2015/TT-BTC và có hiệu lực từ ngày 30/7/2015 theo đó đã sửa đổi căn bản chính sách thuế và phương pháp quản lý thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân đối với Hộ kinh doanh, giải quyết được những bất cập trước đây như cách tính thuế phức tạp, việc công khai thông tin còn hạn chế, vai trò giám sát, kiểm tra của các cấp chính quyền ở địa phương và của người dân chưa được tạo điều kiện thực hiện ... Nội dung sửa đổi, bổ sung này nhằm đáp ứng yêu cầu việc cải cách hành chính về thuế tại Nghị quyết số 19/2015/NQ – CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015-2016. Cụ thể như sau:
Đơn giản, minh bạch khi xác định số thuế phải nộp
Từ năm 2015, Hộ kinh doanh (bao gồm cá nhân, nhóm cá nhân và hộ gia đình) sản xuất, kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán có doanh thu trên 100 triệu/năm sẽ nộp thuế theo tỷ lệ trên doanh thu (tùy theo ngành nghề kinh doanh), khai thuế 1 lần/năm, nộp thuế 4 lần/năm và không phải quyết toán thuế vào cuối năm, thay cho việc phải nộp thuế trên cơ sở doanh thu trừ chi phí và các khoản giảm trừ và áp dụng biểu thuế lũy tiến từng phần và phải quyết toán thuế vào cuối năm (nếu có nhiều nguồn thu nhập hoặc được hoàn thuế) như trước đây.
Hàng tháng, căn cứ tình hình biến động trong hoạt động kinh doanh của cá nhân (cá nhân mới ra kinh doanh; cá nhân ngừng, nghỉ kinh doanh; cá nhân thay đổi quy mô, ngành nghề kinh doanh hoặc thay đổi phương pháp tính thuế...) hoặc do những thay đổi về chính sách thuế có ảnh hưởng đến doanh thu khoán và mức thuế khoán phải nộp thì cơ quan thuế điều chỉnh, bổ sung và thông báo lại tiền thuế phải nộp trong tháng, quý cho cá nhân nộp thuế khoán.
Từ năm 2016 doanh thu theo hóa đơn của hộ kinh doanh được xác định ngoài doanh thu khoán và khai nộp thuế theo từng quý để ngăn ngừa việc lợi dụng là sử dụng hóa đơn của Hộ kinh doanh để hợp thức hóa chứng từ đầu vào làm chi phí của doanh nghiệp hoặc chứng từ đầu vào của các đơn vị sử dụng vốn ngân sách nhằm chiếm đoạt tiền thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc tham nhũng.
Công khai rộng rãi để tăng cường giám sát cơ quan thuế và Hộ kinh doanh trong quá trình xác định mức thuế khoán và tổ chức thực hiện.
Việc công khai thông tin đối với Hộ kinh doanh đã được Bộ Tài chính quan tâm và sửa đổi, bổ sung, cụ thể như sau:
Về nội dung công khai: ngoài các nội dung phải công khai như trước đây là Danh sách cá nhân thuộc diện không phải nộp thuế GTGT, không phải nộp thuế TNCN; công khai Danh sách cá nhân thuộc diện phải nộp thuế GTGT, thuế TNCN Thông tư đã bổ sung công khai Danh sách cá nhân sử dụng hóa đơn của cơ quan thuế để quản lý việc sử dụng hóa đơn của Hộ kinh doanh và Bảng công khai thông tin cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán gồm thông tin về doanh thu khoán và mức thuế khoán của Hộ kinh doanh khai và thông tin của cơ quan thuế tính.
Về phương pháp công khai: ngoài việc gửi lấy ý kiến rộng rãi người dân và Hộ kinh doanh tại các địa điểm là UBND xã, phường, thị trấn, cơ quan thuế như trước đây, Thông tư đã bổ sung việc gửi Bảng công khai thông tin của Hộ kinh doanh cùng với thông tin của 200 Hộ kinh doanh có cùng địa bàn hoặc cùng ngành nghề kinh doanh đến từng Hộ kinh doanh đối với cả 2 lần niêm yết (dự kiến và chính thức).
Ngoài ra, các tài liệu niêm yết công khai lần 1 và lần 2 còn được gửi tới Hội đồng nhân dân và Mặt trận tổ quốc quận, huyên, xã phường thị trấn … để tăng cường giám sát cơ quan thuế và Hộ kinh doanh trong quá trình xác định mức thuế khoán và tổ chức thực hiện.
Thực hiện công khai thông tin trên trang thông tin điện tử của ngành thuế về doanh thu khoán và mức thuế khoán chính thức của từng Hộ kinh doanh để tất cả mọi người quan tâm đều có thể tra cứu được vào đầu năm khi thông báo mức thuế phải nộp của năm và cập nhật hàng tháng khi có sự thay đổi.
Về địa điểm niêm yết công khai: để đảm bảo thuận lợi cho việc tiếp nhận thông tin và giám sát của người dân, Hộ kinh doanh và các cơ quan, ban ngành tại địa phương, Thông tư hướng đã hướng dẫn cụ thể và bổ sung so với trước đây. Cụ thể việc niêm yết được đặt tại bộ phận một cửa của Chi cục thuế và ủy ban nhân dân quận, huyện; tại cửa, cổng hoặc địa điểm thích hợp của trụ sở ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; trụ sở Đội thuế; Ban quản lý chợ ….; Trước đây chỉ niêm yết công khai tại trụ sở ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; trụ sở Đội thuế; Ban quản lý chợ …
Thông báo công khai địa điểm niêm yết công khai thông tin và địa chỉ nhận phản hồi:Cơ quan thuế phải thông báo đến từng Hộ kinh doanh về địa điểm niêm yết công khai (lần 1 và lần 2) thời gian và địa chỉ nhận phản hồi thông tin từ Hộ kinh doanh.
Tăng cường kiểm tra, giám sát của người dân, cơ quan ban ngành tại địa phương, cơ quan thuế cấp trên đối với việc xác định mức thuế khoán cũng như trong quá trình quản lý thuế, đó là:
Tăng cường vai trò chỉ đạo giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp, chính quyền địa phương, các ban ngành, tổ chức chính trị các cấp trên địa bàn:
Các tài liệu yết công khai lần 1 (dự kiến) và lần 2 (chính thức) đều được gửi tới Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Mặt trận tổ quốc huyện, xã, phường, thị trấn để xin ý kiến, phối hợp chỉ đạo, giám sát trong quá trình thực hiện.
Nâng cao trách nhiệm của Hội đồng tư vấn thuế :
Thông tư quy định cụ thể: khi được tham vấn về dự kiến Danh sách cá nhân kinh doanh không phải nộp thuế và mức doanh thu, mức thuế dự kiến của cá nhân kinh doanh phải nộp thuế (niêm yết công khai lần 1) thì các thành viên Hội đồng tư vấn thuế trên địa bàn phải ghi rõ ý kiến về việc Hộ kinh doanh thuộc diện phải nộp thuế hoặc không phải nộp thuế; doanh thu, mức thuế phải nộp của từng Hộ kinh doanh; Ý kiến được lập thành Biên bản có chữ ký xác nhận của từng thành viên Hội đồng tư vấn thuế.
Tăng cường vai trò của Cục thuế so với trước đây trong việc chỉ đạo, kiểm tra, giám sát Chi Cục thuế thực hiện:
Cục thuế có trách nhiệm chỉ đạo trước khi lập mức thuế dự kiến; kiểm ra thực tế tối thiểu 20% số chi cục thuế trong khi lập mức dự kiến; kiểm tra thực tế tối thiểu 10% số chi cục thuế sau khi đã duyệt mức thuế hàng quý (Quý I, II, II), trong đó kiểm tra thực tế ít nhất 15% số Hộ kinh doanh trên địa bàn, tập trung 100% hộ kinh doanh thuộc diện quản lý thuế theo rủi ro.
Quản lý thuế theo rủi ro đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán
Song song với việc đơn giản, minh bạch công khai về thuế đối với Hộ kinh doanh, để tăng cường quản lý, Thông tư quy định áp dụng phương pháp quản lý thuế theo rủi ro đối với Hộ kinh doanh. Đây là phương pháp quản lý thuế hiện đại, lần đầu tiên quy định áp dụng phương pháp này cho cho Hộ kinh doanh, trước đó mới chỉ áp dụng cho doanh nghiệp. Với phương pháp này cơ quản thuế có trách nhiệm xây dựng bộ tiêu chí rủi ro để quản lý thuế đối với Hộ kinh doanh theo các đối tượng như:
- Cá nhân nộp thuế khoán kinh doanh tại chợ biên giới;
- Cá nhân nộp thuế khoán kinh doanh vật liệu xây dựng có nguồn gốc tài nguyên khoáng sản (cát, đá, sỏi, gỗ, sản phẩm từ gỗ,...);
- Cá nhân kinh doanh có mức doanh thu tính thuế bất hợp lý so với chi phí (diện tích kinh doanh, thuê địa điểm, giá trị tài sản, trang thiết bị, cửa hàng, kho tàng, chi phí điện, chi phí nước,...); so với số phương tiện vận tải đang sử dụng; so với số lượng lao động; so với hàng hoá (hàng hoá mua vào, hàng hoá trưng bày, hàng hoá tồn kho,...);
- Cá nhân nộp thuế khoán nhưng thường xuyên sử dụng từ 10 lao động trở lên nhưng không thành lập doanh nghiệp;
- Cá nhân nộp thuế khoán có sử dụng hoá đơn của cơ quan thuế;
- Cá nhân nộp thuế khoán có từ hai (02) địa điểm kinh doanh trở lên;
- Cá nhân nộp thuế khoán nợ thuế.