-
LĨNH VỰC BẢO TRỢ XÃ HỘI
1. Thủ tục xác định, xác định lại mức độ khuyết tật và cấp Giấy xác nhận khuyết tật
Trình tự, thời gian thực hiện.
- Bước 1: Khi có nhu cầu xác định, xác định lại mức độ khuyết tật, thì người đề nghị hoặc người đại diện hợp pháp của người khuyết tật làm hồ sơ theo quy định tại Điều 4, Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú theo quy định của pháp luật. Khi nộp hồ sơ xuất trình các giấy tờ sau để cán bộ tiếp nhận hồ sơ đối chiếu các thông tin kê khai trong đơn: CMND hoặc căn cước của công dân của đối tượng, hoặc người đại diện hợp pháp; Giấy khai sinh đối với trẻ em; Sổ hộ khẩu của đối tượng, người đại diện hợp pháp.
- Bước 2: Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ của người đề nghị , Chủ tịch Hội đồng có trách nhiệm:
a) Gửi văn bản tham khảo ý kiến cơ sở giáo dục về tình trạng khó khăn trong học tập, sinh hoạt, giao tiếp và kiến nghị về dạng khuyết tật, mức độ khuyết tật của người được xác định mức độ khuyết tật đang đi học theo Mẫu số 04 ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Triệu tập các thành viên, gửi thông báo về thời gian và địa điểm xác định mức độ khuyết tật cho người khuyết tật hoặc người đại diện hợp pháp của họ;
c) Tổ chức đánh giá dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật đối với người khuyết tật theo phương pháp quy định tại Điều 3 Thông tư này; lập hồ sơ, biên bản kết luận dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật.
Đối với trường hợp người khuyết tật đã có kết luận của Hội đồng Giám định y khoa về khả năng tự phục vụ, mức độ suy giảm khả năng lao động trước ngày Nghị định số 28/2012/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực, Hội đồng căn cứ kết luận của Hội đồng giám định y khoa để xác định mức độ khuyết tật theo quy định tại Khoản 3 Điều 4 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP;
d) Biên bản họp Hội đồng ghi theo Mẫu số 05 ban hành kèm theo Thông tư này.
- Bước 3. Việc thực hiện xác định mức độ khuyết tật được tiến hành tại Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Trạm y tế. Trường hợp người khuyết tật không thể đến được địa điểm quy định trên thì Hội đồng tiến hành quan sát và phỏng vấn người khuyết tật tại nơi cư trú của người khuyết tật.
- Bước 4. Trường hợp Hội đồng không đưa ra được kết luận về mức độ khuyết tật; người khuyết tật hoặc đại diện hợp pháp của người khuyết tật không đồng ý với kết luận của Hội đồng hoặc có bằng chứng xác thực về việc xác định mức độ khuyết tật của Hội đồng không khách quan, chính xác thì Hội đồng chuyển hồ sơ lên Hội đồng Giám định y khoa theo quy định của pháp luật.
Đối với trường hợp do Hội đồng giám định y khoa xác định, kết luận về dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật: Căn cứ kết luận của Hội đồng Giám định y khoa về dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã cấp Giấy xác nhận khuyết tật.
Cách thức thực hiện: Nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của UBND cấp xã.
Thành phần, số lượng hồ sơ: 01 bộ hồ sơ, gồm có:
- Đối với trường hợp xác định khuyết tật:
+ Đơn đề nghị (theo mẫu số 01).
+ Bản sao các giấy tờ y tế chứng minh về khuyết tật: bệnh án, giấy tờ khám, điều trị, phẫu thuật hoặc các giấy tờ liên quan khác (nếu có)
+ Bản sao kết luận của Hội đồng Giám định y khoa về khả năng tự phục vụ, mức độ suy giảm khả năng lao động đối với trường hợp người khuyết tật đã có kết luận của Hội đồng Giám định y khoa trước ngày 01/6/2012.
- Đối với trường hợp xác định lại khuyết tật:
+ Đơn đề nghị (theo mẫu số 01).
+ Bản sao Giấy xác nhận khuyết tật.
Thời hạn giải quyết: 35 ngày.
Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính:
- Người khuyết tật hoặc người đại diện hợp pháp của người khuyết tật
Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính:
- Ủy ban nhân dân cấp xã, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội.
Kết quả thực hiện thủ tục hành chính:
- Giấy xác nhận khuyết tật
Lệ phí: Không quy định.
Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai:
+ Đơn đề nghị xác định, xác định lại mức độ khuyết tật và cấp, đổi, cấp lại Giấy xác nhận khuyết tật (Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH, ngày 02/01/2019 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội).
Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính: Không
Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính:
+ Luật người khuyết tật ngày 17 tháng 6 năm 2010;
+ Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ Quy đinh chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người khuyết tật.
+ Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, về việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện.
+ Quyết định số 1938/QĐ-LĐTBXH ngày 31/12/2015 của Bộ lao động – Thương binh và Xã hội.
Mau don 01
-
Thủ tục đổi, cấp lại Giấy xác nhận khuyết tật
Trong trường hợp:
* Giấy xác nhận khuyết tật hư hỏng không sử dụng được
* Trẻ khuyết tật từ đủ 6 tuổi trở lên
* Mất Giấy xác nhận khuyết tật
Trình tự, thời gian thực hiện.
+ Bước 1: Khi có nhu cầu đổi hoặc cấp lại Giấy xác nhận khuyết tật thì người khuyết tật hoặc người đại diện hợp pháp của người khuyết tật làm đơn theo Mẫu số 01 gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người khuyết tật cư trú.
+ Bước 2: Sau 05 ngày làm việc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã căn cứ hồ sơ đang lưu giữ quyết định đổi hoặc cấp lại Giấy xác nhận khuyết tật.
Cách thức thực hiện: Nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận tiếp nhận và Trả kết quả của UBND cấp xã.
Thành phần, số lượng hồ sơ: 01 bộ hồ sơ, gồm có:
Đơn đề nghị theo Mẫu số 01.
Thời hạn giải quyết: 05 ngày.
Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính:
Người khuyết tật hoặc người đại diện hợp pháp của người khuyết tật
Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính:
Ủy ban nhân dân cấp xã.
Kết quả thực hiện thủ tục hành chính:
Giấy xác nhận khuyết tật (đổi, cấp lại).
Lệ phí: Không
Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai:
- Đơn đề nghị xác định, xác định lại mức độ khuyết tật và cấp, đổi, cấp lại Giấy xác nhận khuyết tật (Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 37/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT-BTC-BGDĐT).
Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính: Không
Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính:
+ Luật người khuyết tật ngày 17 tháng 6 năm 2010;
+ Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ Quy đinh chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người khuyết tật.
+ Thông tư liên tịch số 37/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT-BTC-BGDĐT của Liên Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện.
+ Quyết định số 1938/QĐ-LĐTBXH ngày 31/12/2015 của Bộ lao động – Thương binh và Xã hội.
Mẫu đơn xác định lại mức độ khuyết tật
-
Thủ tục trợ giúp xã hội đột xuất về hỗ trợ làm nhà ở, sửa chữa nhà ở
Trình tự thực hiện và thời hạn giải quyết:
- Bước 1: Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở lập Tờ khai đề nghị hỗ trợ về nhà ở (theo mẫu), gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.
- Bước 2: Trong thời hạn 02 ngày, kể từ ngày nhận được Tờ khai đề nghị của hộ gia đình, Hội đồng xét duyệt thống nhất danh sách, mức hỗ trợ, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định.
- Bước 3: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định cứu trợ ngay những trường hợp cấp thiết. Trường hợp thiếu nguồn lực thì có văn bản đề nghị trợ giúp gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Bước 4: Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định hỗ trợ.
- Bước 5: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định hỗ trợ. Trường hợp thiếu nguồn lực thì có văn bản đề nghị trợ giúp gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tổng hợp, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định. Trường hợp thiếu nguồn lực, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Cách thức thực hiện:
- Nộp hồ sơ trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính về Bộ phận tiếp nhận và Trả kết quả của UBND cấp xã.
Thành phần, số lượng hồ sơ:
* Thành phần hồ sơ gồm:
Tờ khai đề nghị hỗ trợ về nhà ở (theo mẫu số 07 ban hành kèm theo Thông tư số 29/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC)
* Số lượng hồ sơ: 01 (một) bộ.
Thời hạn giải quyết: 02 ngày.
Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính:
- Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 15 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP.
Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính:
Ủy ban nhân dân cấp xã.
Cơ quan có thẩm quyền quyết định:
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.
Kết quả thực hiện thủ tục hành chính:
- Quyết định trợ giúp của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.
Lệ phí: Không.
Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai: Tờ khai đề nghị hỗ trợ về nhà ở (mẫu số 07 ban hành kèm theo Thông tư số 29/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC)
Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính: Không
Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính:
+ Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
+ Thông tư liên tịch số 29/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 24 tháng 10 năm 2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số136/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
+ Quyết định số 1938/QĐ-LĐTBXH ngày 31/12/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Mẫu tờ khai số 07
-
Thủ tục Đăng ký hoạt động đối với cơ sở trợ giúp xã hội dưới 10 đối tượng có hoàn cảnh khó khăn
Trình tự thực hiện
- Bước 1: Người đứng đầu cơ sở hồ sơ theo quy định tại UBND cấp xã nơi cơ sở có trụ sở.
- Bước 2: Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, UBND cấp xã có trách nhiệm xem xét, cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động trợ giúp xã hội cho cơ sở. Trường hợp từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động trợ giúp xã hội thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Cách thức thực hiện: Nộp hồ sơ qua bưu điện hoặc trực tiếp tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND cấp xã.
Thành phần và số lượng hồ sơ
a) Thành phần hồ sơ:
- Tờ khai đăng ký hoạt động trợ giúp xã hội;
- Phiếu lý lịch tư pháp của người đứng đầu cơ sở, nhân viên của cơ sở;
- Bản sao giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đứng đầu, nhân viên của cơ sở.
b) Số lượng hồ sơ: 01 bộ
Thời hạn giải quyết: 10 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ
Đối tượng thực hiện: Cơ sở trợ giúp xã hội dưới 10 đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.
Cơ quan thực hiện: UBND cấp xã
Kết quả thực hiện: Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động.
Lệ phí: Không
Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai:
Tờ khai đăng ký hoạt động trợ giúp xã hội (Mẫu số 14 ban hành kèm theo Nghị định số 103/2017/NĐ-CP).
Yêu cầu, điều kiện:
Cơ sở trợ giúp xã hội dưới 10 đối tượng có hoàn cảnh khó khăn được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động trợ giúp xã hội khi có đủ các điều kiện sau:
- Người đứng đầu, nhân viên của cơ sở phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có phẩm chất đạo đức tốt, không mắc tệ nạn xã hội; không thuộc đối tượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà chưa được xóa án tích.
- Có nhân viên trợ giúp xã hội cho đối tượng.
- Đáp ứng các điều kiện cơ bản về nhà ở, nhà bếp, điện, nước phục vụ sinh hoạt hàng ngày cho đối tượng.
Căn cứ pháp lý:
- Nghị định số 103/2017/NĐ-CP ngày 12/9/2017 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội.
+ Nghị định số 103/2017NĐ-CP ngày 12/9/2017 của Chính phủ.
Tờ khai mẫu số 14