Hơn 4.500 túi giấy được tặng cho các tiểu thương và du khách vào chiều ngày 18.4
Phó Bí thư Đoàn xã Tân Hiệp - bạn Lê Thị Bích Công cho biết, đây là một trong những hoạt động do Đoàn Thanh niên xã kết hợp cùng ngành môi trường phát động, hưởng ứng chiến dịch “Nói không với túi nilon” ở Cù Lao Chàm. Chỉ sau 2 tuần phát động chiến dịch, các bạn đã gấp được hơn 4.500 túi giấy và tiến hành gửi tặng lần 1 cho các tiểu thương, du khách. Không chỉ vậy, các bạn đoàn viên đã phối hợp với chiến sĩ Đồn biên phòng Cù Lao Chàm và các em học sinh trên xã đảo tham gia chiến dịch “Hãy làm sạch biển năm 2018”, dọn dẹp các ngóc ngách trên núi lẫn bãi biển…
Từ khi Đoàn Thanh niên xã Tân Hiệp phát động chiến dịch này (ngày 3.4), ngày nào tại Nhà đón tiếp Cù Lao Chàm cũng rộn ràng tiếng cười đùa, trò chuyện của các bạn trẻ, người dân và cả các du khách đến góp giấy báo cũ. Tối thứ Ba, Năm và Chủ nhật lại cùng nhau gấp các túi giấy theo nhiều kiểu mẫu để tặng cho các hộ kinh doanh, tiểu thương và khách du lịch đến đảo. Nhiều doanh nghiệp, cá nhân ở Hội An biết thông tin cũng gửi giấy báo cũ ra đóng góp ủng hộ chiến dịch này.
Năm 2009, xã đảo Tân Hiệp là xã đầu tiên trên cả nước xây dựng mô hình điểm chương trình “Giảm thiểu sử dụng túi nilon”. Đến nay, chuyện cư dân và cả du khách đến Cù Lao Chàm không sử dụng túi nilon đã thành thói quen ăn sâu vào nếp nghĩ, lối sống. Đến xã đảo này, không khó để chứng kiến cảnh người dân sử dụng các vật liệu sinh thái, thân thiện với môi trường như túi giấy, túi lưới, rổ rá để đi chợ; dùng các loại lá như lá chuối, lá môn gói thay thế túi nilon để gói hàng hóa. Tiểu thương ở Cù Lao Chàm cũng quen với việc xin giấy báo cũ các loại để tự gấp thành túi giấy thay cho túi nilon.
Các em học sinh, đoàn viên cùng gấp túi giấy để tặng tiểu thương và du khách ở CLC
Bà Lê Thị Nga (thôn Bãi Làng) cho biết, mỗi hộ gia đình ở đây được chính quyền xã phát cho 2 giỏ xách mỗi năm. Lâu dần thành thói quen, cứ mỗi lần đi ra chợ là mang theo giỏ, giỏ màu đỏ để thịt, cá; giỏ màu xanh dùng cho rau, củ, quả. Đến bây giờ đố tìm được phụ nữ nào trên đảo mang túi nilon đi ra chợ, mua bán.
Năm 2010, xã đảo thành lập đội kiểm tra liên ngành chuyên giám sát vi phạm sử dụng túi nilon để phong trào ngày càng quy chuẩn với phương châm “Vì một xã đảo xanh - sạch - đẹp”. Doanh nghiệp vi phạm sẽ bị phạt 1 - 2 triệu đồng, tiểu thương thì ở mức dao động 300 - 500 nghìn đồng. Riêng hộ gia đình thì xã tổ chức nhắc nhở, phê bình trước toàn dân, đồng thời cắt danh hiệu gia đình văn hóa. Điều đáng mừng là tỷ lệ những vụ vi phạm ngày càng hạ thấp xuống. Từ năm 2010-2012, cả xã có 25 vụ vi phạm. Và từ đó đến nay, số vụ vi phạm rất ít, đếm được trên đầu ngón tay. Có thôn như thôn Bãi Hương hoàn toàn không có vụ việc vi phạm dùng túi nilon nào xảy ra trong vài năm lại đây.
Không chỉ người dân trên xã đảo hưởng ứng, mà du khách khi ra đảo cũng được thấy với những bảng tuyên truyền mang thông điệp “Quý khách vui lòng cùng chúng tôi không sử dụng túi ni lông trên đảo”. Các thuyết minh viên địa phương, cư dân ở đây cùng nhắc nhở du khách không nên dùng túi nilon để bảo vệ môi trường.
Du khách khi ra đảo sẽ được các thành viên đội liên ngành kiểm tra, nhắc nhở việc không mang túi nilon lên đảo. Nếu lỡ mang theo thì sẽ thay túi lưới cho du khách. Các túi nilon thu gom lại sẽ tập kết ở bãi rác và vận chuyển vào đất liền xử lý. Du khách đều vui vẻ chấp hành và thích thú nhận xét “Đến CLC là nói không với túi nilon”.
KHÁNH CHI
Nguồn: baovanhoa.vn