Từ chủ trương "Cấm quay đầu" ở Cù Lao Chàm: Đảo xanh hơn trong mắt du khách
Từ chủ trương "Cấm quay đầu" ở Cù Lao Chàm: Đảo xanh hơn trong mắt du khách (24/07/2015)
Được triển khai từ đầu tháng 4.2015, qua gần 3 tháng thực hiện Quy định về tổ chức các hoạt động du lịch tại Cù Lao Chàm (còn gọi là Quy định Cấm quay đầu) đã bắt đầu phát huy tác dụng trong việc điều tiết giao thông và lượng khách ra đảo mỗi ngày

Việc phát triển du lịch nóng, nếu không kìm hãm, sẽ phá vỡ cảnh quan môi trường trên đảo Cù Lao Chàm.

Nhiều bên cùng có lợi

Bến cảng Cửa Đại những ngày đầu hè đã trở nên trật tự hơn, không còn cảnh tàu ghe ca nô chen nhau đưa khách vào ra. Từ ngày TP.Hội An ban hành chủ trương “Cấm quay đầu” với việc cho phép mỗi phương tiện doanh nghiệp chỉ được xuất bến 1 lần trong ngày nhằm điều tiết giao thông và khống chế lượng khách ra đảo xuống còn 3.000 người/một thời điểm đã thật sự tạo bước đột phá cho bức tranh du lịch nơi đây. Không ít doanh nghiệp nhỏ đã coi quy định trên như tấm phao cứu sống đơn vị thoát khỏi tình trạng phá sản. “Tuyệt vời!” - là cảm xúc chia sẻ của ông Võ Văn Tri, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Hương Chàm. Theo ông Tri, trước đây doanh nghiệp ông chủ yếu bắt khách lẻ hoặc nằm bến chứ không đủ sức cạnh tranh với những công ty khác vì số lượng ca nô ít, năng lực vận chuyển có hạn. Từ ngày chủ trương ra đời, 2 ca nô của ông vận chuyển khách thường xuyên hơn do các doanh nghiệp lớn… chia sẻ khách.

Hiện tại khu vực bến cảng có khoảng 39 doanh nghiệp hoạt động vận chuyển khách du lịch ra đảo với 135 phương tiện, trong đó số doanh nghiệp có 1 – 2 ca nô là 14 đơn vị nên sự ủng hộ từ các doanh nghiệp này rất lớn. Ông Trần Hưng – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Cù Lao Chàm khẳng định, đây là chủ trương mang lại lợi ích cho cả 4 bên là doanh nghiệp, du khách, nhà nước và cộng đồng cư dân trên đảo. Với doanh nghiệp, nếu trước đây làm ăn cẩu thả, giá cả không chuẩn, cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến tình trạng người đi không hết khách, kẻ ngồi không.  Bây giờ chủ trương đã tạo công ăn việc làm đồng đều cho doanh nghiệp từ lớn đến nhỏ, giúp giải quyết bài toán thu nhập cho doanh nghiệp và người lao động hết sức hiệu quả. Ngoài ra, chủ trương khống chế lượng ca nô ra đảo mỗi ngày cũng giúp tàu bè đi lại an toàn hơn do không phải lo vượt tốc độ, chở quá tải hay tranh thủ thời gian chen nhau đón khách. “Trước kia khách chưa kịp ăn uống, chưa kịp thưởng thức các dịch vụ theo cam kết thì phải vội vã đưa họ về để còn chở chuyến khác ra; bây giờ buộc phải làm đúng những cam kết mà doanh nghiệp đã đề ra với khách” - ông Hưng dẫn chứng. Thành công nhất chính là đã giải được bài toán về môi trường tránh nguy cơ ô nhiễm rác thải, thiếu hụt nước sinh hoạt phục vụ khách và dân sinh… “Nếu không khống chế lượng khách ra đảo chắc chắn sẽ gây áp lực lớn lên Cù Lao Chàm, cứ tưởng tượng mỗi ngày có 4.000 người ra đảo thì không thể phục vụ nổi, hạ tầng cũng khó đảm bảo, chất lượng dịch vụ chắc chắn sẽ giảm, hậu quả là khách chưa đi thì ham hố nhưng đi mà gặp chất lượng dịch vụ như vậy thì danh tiếng Cù Lao Chàm cũng không còn’’ - ông Hưng phân tích.

Phát triển bền vững

Đã qua rồi quan điểm phát triển du lịch nóng, đón khách bằng mọi giá với con số năm sau cao hơn năm trước, dẫn đến hậu quả làm ăn chụp giựt, chất lượng dịch vụ giảm sút, cảnh quan môi trường bị tàn phá. Vì vậy, việc TP.Hội An ban hành chủ trương khống chế lượng khách ra đảo là bước đi cần thiết nhằm hãm phanh tốc độ tăng trưởng nóng. Thống kê 6 tháng đầu năm đã có 183 nghìn khách đến Cù Lao Chàm, đạt hơn 73% chỉ tiêu đón khách năm 2015  là 250 nghìn lượt, vượt tổng lượng khách năm 2014 là 176 lượt. Bà Đinh Thị Thu Thủy – Trưởng phòng Thương mại và du lịch Hội An cho biết với chủ trương “Cấm quay đầu” thành phố đang khống chế sức chứa của đảo trong thời điểm buổi sáng là 3.000 người, điều này cũng đồng nghĩa mỗi doanh nghiệp chỉ được xuất phát một chuyến (riêng doanh nghiệp nào có 1 - 2 ca nô thì cho phép quay đầu một lần đảm bảo tối thiểu mỗi doanh nghiệp được 3 chuyến trong ngày), số khách còn lại được vận động chuyển qua trưa có thể chiều về hoặc ở lại đêm nhằm giúp giãn khách ra đảo trong một thời điểm.  

Như vậy, xét về mặt cơ học dù lượng khách không giảm nhưng chủ trương đã giúp Hội An kiểm soát được lượng khách ra đảo, giảm tải những tác động về môi trường. Đặc biệt, giúp tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp và công đồng làm dịch vụ trên đảo như nhà hàng, UBND xã và các cơ quan liên quan trong vấn đề bảo vệ môi trường như rác thải, bảo vệ các rặng san hô, khoanh vùng bơi lặn, tạo những điểm neo khoan xa khu vực bơi lội… đáp ứng yêu cầu du lịch cấp thời để có những chiến lược điều chỉnh thời gian tới.

Ông Trần Hưng cho rằng, việc thành phố ban hành chủ trương là quá tốt nhưng vấn đề doanh nghiệp lo lắng nhất hiện nay là điểm nóng về môi trường trên đảo, dù đã có những biện pháp và nỗ lực nhưng vấn đề vệ sinh môi trường tại Bãi Ông đang có dấu hiệu ô nhiễm khi nước thải của các nhà hàng vẫn chưa được kiểm soát, xử lý dẫn đến tụ vũng tồn đọng. Ngoài ra, chất lượng nhà vệ sinh công cộng cũng đang là nỗi lo khi lượng khách tăng cao. “Thử hình dung nếu 2.000 du khách mà tập trung trong nhà vệ sinh một lúc thì không thể nào giải quyết hết được, nên chuyện du khách phải chờ 2 tiếng đồng hồ mới được tắm là chuyện không hiếm. Theo tôi, nếu không kiểm soát hoặc không giải quyết nổi về áp lực khách gia tăng, thành phố có thể rút xuống còn 2.000 thậm chí còn 1.000 khách để đảm bảo cho Cù Lao Chàm giữ được môi trường thực sự bền vững đúng với tiêu chí một Khu dự trữ sinh quyển thế giới thì doanh nghiệp chúng tôi vẫn ủng hộ” - ông Hưng khẳng định.

 

VĨNH LỘC (baoquangnam.com.vn)

Lượt xem:  608 Bản in Quay lại

Tin đã đưa

Văn bản mới ban hành

banner web dieu hanh Portal Quảng Nam Portal Hội An

Số liệu tổng hợp

Giới thiệu

Website các phòng ban - xã phường