Đôi điều về văn hóa công sở
Đôi điều về văn hóa công sở (11/05/2015)
Văn hoá nơi công sở không chỉ thể hiện đạo đức, phẩm chất của cán bộ, công nhân viên chức trong khi thực thi nhiệm vụ mà còn thể hiện trình độ văn hoá của mỗi người.

Một lần, đến liên hệ công tác tại cơ quan X, đang loay hoay tìm chỗ để xe máy, tôi bỗng giật mình vì tiếng quát: “Này! Đi đâu đấy? Hỏi ai?”. Quay ra trình bày lý do với người nhân viên bảo vệ, tôi tiếp tục nhận được những câu hỏi thiếu chủ, vị ngữ kiểu trống không như: “Mắt để đâu? Xe của khách dựng ở đây cơ mà!”. Với nhiệm vụ chỉ dẫn cho khách đúng nơi cần đến liên hệ công tác, người bảo vệ vui vẻ, nhiệt tình luôn gây ấn tượng tốt đẹp cho khách. Ngược lại, khi nhận được câu trả lời nhát gừng, hỏi trống không, khách sẽ mất thiện cảm ban đầu với cơ quan.

 
Công sở là nơi công dân, các cơ quan hữu quan, bạn đồng nghiệp trong ngành… đến liên hệ, công tác. Vì vậy, cán bộ, công chức làm việc ở đây cần có những ứng xử văn minh, thanh lịch trong giao tiếp. Tuy nhiên, thực tế hiện nay ở một số công sở, chúng ta vẫn bắt gặp những cách ứng xử thiếu thanh lịch. Nhiều nơi, mặc dù đã có nội quy, có bảng “Cấm hút thuốc lá” gắn trên tường nhưng nhiều người vẫn không chấp hành và còn “vô tư” vứt tàn thuốc bừa bãi, mặc dù gần đấy đã để sẵn thùng rác. Có người do sở thích cá nhân, vừa làm việc vừa mở nhạc, ảnh hưởng đến những người xung quanh. Có người ngồi làm việc lúc vắng người gác cả hai chân lên bàn cho “thoải mái”. Lại có chị, cứ đến cơ quan là tranh thủ dùng điện thoại “chùa” gọi đi khắp nơi, hay “tranh thủ”: đi chợ, nhặt rau…

Ăn nói, giao tiếp cũng là một biểu hiện văn hoá nơi công sở, nhưng xung quanh việc này vẫn còn nhiều điều đáng bàn. Ở một số cơ quan vẫn còn tình trạng các bà, các cô cứ rỗi việc là ngồi nói chuyện gẫu, nói xấu lẫn nhau, gây mất đoàn kết. Có anh mở miệng ra là chửi thề, nói tục. Là cơ quan công quyền nhưng một số người vẫn mang nặng tư duy cửa quyền khi tiếp xúc với dân. Vì thế, không ít nơi, chúng ta vẫn phải nghe những câu hỏi thiếu chủ ngữ, kiểu như: “Cần gì?”, “Đi đâu?”, “Gặp ai?” hoặc bắt gặp những khuôn mặt cau có, thái độ hách dịch, lạnh lùng.

Đối với công sở hành chính thực hiện cơ chế một cửa, cán bộ tiếp dân cần có thái độ mềm mỏng, nắm vững các quy chế, nguyên tắc, thủ tục, hướng dẫn cặn kẽ để khách đỡ mất công sức và thời gian đi lại nhiều lần, nhất là cần làm việc đúng giờ quy định. Song, điều đáng buồn là ở nhiều nơi vẫn xảy ra tình trạng khách cứ phải chờ đợi lâu, còn cán bộ đang bận… trà nước, tán gẫu. Có cơ quan, còn nửa tiếng mới hết giờ làm việc, nhưng khi có khách đến liên hệ công việc, cán bộ tiếp dân đã trả lời là hết giờ nhận giấy tờ, mai quay lại. Thái độ tuỳ tiện thiếu trách nhiệm này làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh các “công bộc” của dân.

Văn hoá nơi công sở không chỉ thể hiện đạo đức, phẩm chất của cán bộ, công nhân viên chức trong khi thực thi nhiệm vụ mà còn thể hiện trình độ văn hoá của mỗi người. Để bảo đảm tính trang nghiêm và hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế văn hoá công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước, có hiệu lực thi hành từ ngày 5-9-2007. Tuy nhiên, đến nay nhiều cơ quan vẫn chưa thực hiện nghiêm túc Quy chế này.

Chúng ta đang phấn đấu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phong cách ứng xử chuẩn mực trong hoạt động công vụ, có phẩm chất đạo đức tốt, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Thiết nghĩ, tại các công sở, đặc biệt là những nơi tiếp xúc với nhân dân, cán bộ công chức cần nghiêm chỉnh tuân theo các quy định cụ thể về trang phục, cách giao tiếp, trong đó đặc biệt cần tôn trọng dân, chú ý ứng xử với dân một cách có văn hoá. Điều đó góp phần tạo ra môi trường văn hoá lành mạnh nơi công sở.

Theo Sở Nội Vụ Quảng Nam

Lượt xem:  920 Bản in Quay lại

Tin đã đưa