Không ít cán bộ, công chức, viên chức chưa thực hiện đúng nghĩa hai từ phục vụ và vẫn còn mang phong cách ban phát khi tiếp xúc với công dân. Nụ cười hài lòng của nhân dân khi ra khỏi công sở vẫn hiếm.
Khi đến giao dịch ở các cơ quan công quyền vẫn xuất hiện những chuyện ngang tai, trái mắt.
Ngay từ cổng vào của các cơ quan hành chính nhà nước thường có tấm biển “Xuống xe, xuất trình giấy tờ”. Tại sao lại không phải là chẳng hạn “Chào mừng quý khách. Xin liên hệ phòng bảo vệ để giải đáp” hoặc những câu khác nhẹ nhàng hơn?
Tiếp đến là thường trực hay bảo vệ cơ quan là bộ phận đầu tiên chỉ dẫn cho khách đến đúng nơi cần đến. Thường trực vui vẻ, nhiệt tình sẽ gây ấn tượng tốt đẹp cho công sở.
Tuy nhiên, ở không ít công sở, người đến giao dịch thường nhận được những câu giao tiếp đầu tiên là chất vấn để xe không đúng chỗ, hỏi trống không: “Có việc gì không”, “Đi đâu đó”, “Đến có việc gì” và cách trả lời nhát gừng.
Một vấn đề nữa là, với nhiều công sở hành chính thực hiện một cửa thì nơi tiếp dân, cán bộ cần có thái độ mềm mỏng, nắm vững các quy chế, nguyên tắc, thủ tục, hướng dẫn cặn kẽ cho khách để đỡ mất công đi lại nhiều lần. Việc gì đã hẹn, đã hứa phải ghi sổ công tác ngay để không quên, làm lỡ việc của dân.
Cán bộ tiếp dân cần làm việc đúng giờ niêm yết, tránh tình trạng khách đã chờ mà cán bộ, công chức còn trà nước, tán gẫu với nhau, khi khách hỏi, lại xẵng giọng trả lời “Còn phải giao ban”, cũng tránh tình trạng chưa hết giờ mà đã về dù không còn khách nào.
Thực hiện văn hoá công sở chính là một phần của yêu cầu cải cách hành chính và mỗi cán bộ, công chức, viên chức cũng cần nhận thức được công việc của mình là phục vụ nhân dân, những người đang nộp thuế để trả lương cho mình.
Giao tiếp, ứng xử văn hóa nơi công sở thể hiện đến chất lượng, hiệu quả khi xử lý và giải quyết công việc, xây dựng lề lối làm việc khoa học của đội ngũ cán bộ, công chức, góp phần vào quá trình cải cách hành chính mà Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) đề ra.