Từ nhỏ, trẻ con đã được dạy "đi thưa, về chào", đi học, đi chơi về phải chào ông bà, cha mẹ và anh em... Trong giao tiếp xã hội, người trẻ phải chào hỏi người lớn tuổi thì mới phải đạo. Ở mỗi nơi tùy thuộc mối quan hệ, phong tục, tập quán của từng địa phương, dân tộc có những cách thể hiện chào hỏi khác nhau và chào hỏi luôn được xem là giá trị đạo đức của cá nhân, gia đình và xã hội.
Tại công sở, những giá trị văn hóa của lời chào được nâng lên như một nghệ thuật trong giao tiếp và có những nguyên tắc rất rõ ràng như nam chào nữ trước, cấp dưới chào cấp trên, trẻ chào già trước, người đến sau chào người đến trước, người từ ngoài vào chào người ở trong phòng ... Hiện nay, ở một số doanh nghiệp trong nước và nước ngoài cũng đã đưa các quy tắc về chào hỏi trong quy chế xây dựng văn hóa. Việc chào hỏi được xem như một nghi thức quan trọng đầu tiên trong mối quan hệ giao tiếp, giữa cấp dưới với cấp trên, với đối tác, khách hàng, với đồng nghiệp và các mối quan hệ khác. Hình thức thể hiện và thái độ chào hỏi phải phù hợp với tuổi tác, chức vụ, môi trường công tác và tùy những mối quan hệ cụ thể song phải đảm bảo những giá trị về văn hóa, đạo đức.
Đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong cơ quan hành chính nhà nước việc chào hỏi trở thành một nếp quen ...Với đồng nghiệp buổi sáng đầu tuần, hay bắt đầu ngày làm việc mới mở nụ cười chào, chúc nhau một ngày vui vẻ. Một cái bắt tay, một câu hỏi thăm sau những ngày công tác dài trở về sẽ tạo nên một không khí thân thiện, sôi nổi đầy sức sống trong cơ quan, đơn vị. Và có thể nói, chào hỏi ở công sở trở thành công cụ thể hiện tình cảm, sự gần gũi, nuôi dưỡng mối đoàn kết trong nội bộ tổ chức và mỗi cá nhân. Trong thực hiện công vụ, giao tiếp với công dân chào hỏi và thái độ chào hỏi niềm nở thể hiện rất rõ trình độ, phẩm chất của người cán bộ; việc chào hỏi thể hiện sự kính trọng, quan tâm và sẵn sàng phục vụ yêu cầu của công dân, góp phần xây dựng hình ảnh người cán bộ, công chức, viên chức gần dân và vì dân.