“Xin đặc thù” để hưởng kinh phí, biên chế
Theo quy định, hiện nay có 28 Hội có tính chất “đặc thù” với biên chế, hỗ trợ về kinh phí hoạt động, phương tiện và cơ sở vật chất. Cụ thể, ở TW có 28 Hội được giao 679 biên chế. Ở địa phương, đến 31/3/2013 có 62 tỉnh, thành xác định được 8.966 Hội hoạt động trong phạm vi địa phương cũng là Hội có tính chất “đặc thù”. Như vậy, số lượng Hội quần chúng có tính chất “đặc thù” là rất lớn, kéo theo đó là kinh phí và biên chế lên đến 6.771 người cho Hội có tính chất “đặc thù” này.
Theo tính toán của Bộ Nội vụ, với số lượng Hội có tính chất đặc thù nêu trên, mà mỗi Hội cấp tỉnh được giao 3 biên chế, cấp huyện 2 biên chế, cấp xã 1 định suất lương thì biên chế lên cho các Hội này lớn hơn một sư đoàn, bằng 11.542 người. Điều này hẳn không phù hợp với lộ trình tinh giản biên chế trong giai đoạn hiện nay.
Mặt khác, các Hội sẽ có xu hướng tiếp tục đề nghị công nhận được là Hội có tính chất “đặc thù” để được hưởng các hỗ trợ trên trong hoạt động. Điều này tạo ra sự so bì, thiếu bình đẳng, không phù hợp với nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Hội: Tự chủ, tự nguyện, tự trang trải và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Ông Dĩnh cho biết, hiện Bộ Nội vụ đang nhận được đề nghị của 20 Hội kiến nghị được công nhận là Hội có tính chất “đặc thù” như Hội làm vườn, Hội xuất bản...
Qua đó, Bộ Nội vụ kiến nghị việc xác định Hội có tính chất đặc thù và giao biên chế đối với Hội này cần được xem xét, nghiên cứu để xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này.
"Quý hồ tinh, bất quý hồ đa"
Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thanh cho biết, hiện TP có 24 Hội có tính chất đặc thù, được giao biên chế, được cấp kinh phí hoạt động. Việc thành lập các Hội cũng chịu sức ép của nhiều cấp tác động xuống các sở ngành của Thành phố.
Tuy nhiên, nhiều Hội trên địa bàn hoạt động kém hiệu quả, không phát triển được hội viên, không thu được hội phí, không đáp ứng được nguyện vọng của người tham gia. Có Hội 8 năm không tổ chức được đại hội cho nhiệm kỳ mới. Việc thành lập các tổ chức pháp nhân thuộc Hội cũng cần có chế tài nghiêm khắc, có thẩm định trước khi cho phép thành lập tránh sự lộn xộn bởi nguyên tắc hoạt động của Hội là phi lợi nhuận.
Thủ đô Hà Nội có tới 3.561 Hội do UBND TP thành lập. Hiện nay, Sở Nội vụ Hà Nội vẫn đang thụ lý, xem xét đề nghị của các quận huyện về thành lập một số Hội theo sở thích (như Hội Thơ quận Hà Đông, Hội Cầu lông huyện Đông Anh hay CLB thể dục thẩm mỹ)...
Cần xác định rõ tiêu chí thành lập hội
Nhiều đại biểu cho rằng, cần xác định rõ tiêu chí để thành lập của các Hội là việc khó nhất, quan trọng hàng đầu đối với Đề án này. Bởi hiện nay, xuất hiện quả nhiều bất cập trong quá trình thẩm định, thành lập, quản lý, hoạt động của các Hội quần chúng.
Hiện tại, Bộ Nội vụ đang dự thảo xây dựng 5 tiêu chí xác định tính chất Hội. Đó là tiêu chí xác định Hội có tính chất chính trị - xã hội; Hội có tính chất chính trị - xã hội – nghề nghiệp; Hội có tổ chức Đảng đoàn; Hội có tính chất xã hội – nhân đạo và Hội có tính chất xã hội – nghề nghiệp, để lấy ý kiến các nhà quản lý, nhà khoa học, các tổ chức hội và nhân dân về vấn đề này.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng cần sớm sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành về tổ chức Hội đã có quá nhiều bất cập hiện nay như Nghị định 45/2010/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý Hội, Quyết định 68/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về các tiêu chí của Hội có tính chất đặc thù, Quyết định số 30/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chế độ thù lao đối với người đã nghỉ hưu giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách các Hội.