Kết quả rà soát của Bộ Nội vụ cho thấy cả nước hiện có 460 hội hoạt động ở phạm vi toàn quốc, hơn 2.900 hội hoạt động ở phạm vi tỉnh, gần 5.200 hội quy mô huyện và hơn 28.300 hội cấp xã. Trong số này, khá nhiều tổ chức là do Đảng thành lập hoặc chỉ đạo thành lập, được giao thực hiện các nhiệm vụ chính trị-xã hội, có tham gia vào xây dựng chủ trương, chính sách, pháp luật...
Năm 2010, Chính phủ đã rà soát, phân loại, đưa ra khái niệm “hội có tính chất đặc thù”, với tiêu chí quan trọng là trước đó đã được Nhà nước giao biên chế, hỗ trợ kinh phí. Đây là cơ sở để trung ương và các tỉnh, thành xác định hội nào là đặc thù để hỗ trợ hoạt động.
Từ đó đến nay, ở phạm vi toàn quốc đã xác định 28 hội thuộc diện này; các tỉnh, thành cũng lên danh sách 624 hội quy mô tỉnh, gần 1.560 hội quy mô huyện và hơn 6.500 hội cấp xã. Số biên chế đã giao là hơn 6.770 người.
Theo Bộ Nội vụ, cách làm này thiếu bình đẳng, dễ gây so bì và đang có xu hướng thêm nhiều hội tiếp tục đề nghị được công nhận đặc thù. Như thế, nếu cấp từ một đến ba biên chế cho mỗi hội theo cấp tương ứng từ xã lên tỉnh thì sẽ phải thêm tới hơn 11.500 cán bộ, kèm theo đó là ngân sách không nhỏ về lương, cơ sở vật chất...
Để khắc phục, Bộ Nội vụ đề xuất sửa đổi các văn bản hiện hành, không quy định “hội có tình chất đặc thù nữa”, đồng thời bỏ cách làm giao biên chế, hỗ trợ kinh phí. Thay vào đó, tùy từng trường hợp, khoán kinh phí hoạt động gắn với nhiệm vụ chính trị-xã hội mà Đảng, Nhà nước giao cho từng hội.