Phường Sơn phong hiện có hơn 1 ha đất trồng rau muống, tập trung ở các cánh đồng ruộng cao. Từ năm 2007 trở về trước trên diện tích này bà con chỉ độc canh cây lúa, ngày ngày dải nắng dầm mưa, chăm bón chuyên cần nhưng vẫn đạt năng suất thấp, đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn. Vào đầu năm 2008 Đảng bộ, chính quyến phường Sơn phong tổ chức cuộc họp bàn sâu chuyên đề chuyển dịch sản xuất cây trồng, đẩy mạnh phát triển kinh tế và thống nhất đưa ra quyết sách chuyển diện tích sản xuất lương thực trên đất ruộng chua phèn sang sản xuất hàng hóa, từng bước nâng cao đời sống nông dân. Qua đó Hội Nông dân phường đã tiến hành khảo sát quy hoạch lại đất đai, vận động bà con nông dân chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa chua phèn, có độ phì kém, khó khăn về mặt tưới tiêu sang trồng cây rau muống. Từ 2 sào rau trong năm 2008, năm đầu trồng thử nghiệm, đến năm 2017 toàn phường đã nâng diện tích trồng rau muống lên hơn 1 ha với 10 hộ đầu tư canh tác.
Nếu như từ 2009 trở về trước bà con nông dân phường Sơn phong chỉ trồng rau theo phương pháp dân gian, không cải tạo đất kỹ nên cây rau thiếu chất dinh dưỡng, ít đạt năng suất, thì 7 năm trở lại đây bà con đã chú trọng áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nguồn đất trước khi đưa vào cấy giống bà con đã tập trung cải tạo, cày ải kỹ lưỡng cho thật tơi xốp và đầu tư bón lót bánh dầu, phân chuồng hoai mục theo tỷ lệ thích hợp, nhờ vậy ruộng rau đã hấp thu đủ chất hữu cơ, rau phát triển xanh tốt, thân khỏe, nứt nhiều nhánh, lá rau mượt và giòn.
Nhờ áp dụng sáng kiến cải tiến kỹ thuật, cây rau trên đất ruộng chua phèn ở phường Sơn phong lại thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, chống chịu được nắng mưa bốn mùa và dưới bàn tay chăm bón của con người đã vươn lên phát triển xanh tốt cho năng suất cao. Theo hạch toán kinh tế của bà con nông dân: Chi phí đầu tư phân bón, nguồn giống cho 1 sào rau hiện nay ở mức 150.000 đồng/sào, chỉ bằng một nữa so với đầu tư trồng lúa. Hàng tháng bà con thu hoạch cắt bán 2 lứa rau muống với sản lượng bình quân 3.000Kg/sào, sau khi trừ chi phí sản xuất mỗi sào cũng cho thu nhập 2 triệu đồng một tháng, gấp 2,5 lần so với trồng lúa trước đây. Trong năm 2016 nông dân toàn phường đã thu hoạch bán ra 360 tấn rau muống, đạt thu nhập 440 triệu đồng. Cả 10 hộ trồng rau muống trong phường đều có thu nhập cao, giải quyết được nhiều lao động nhàn rỗi trong gia đình, hộ trồng cao nhất đạt thu nhập 6 triệu đồng/ tháng và thấp nhất cũng đạt 2 triệu đồng/ tháng. Các hộ trồng rau đạt hiệu quả nhất là hộ bà Lê Thị Cập, ông Nguyễn Dũng, ông Phan Một, bà Nguyễn thị Đa ở khối phố Phong An.
Đến thăm ruộng rau muống của chú Phan Một tôi đã chứng kiến cảnh lao động khẩn trương, vui say của gia đình trong kỳ thu hoạch. Cả hai vợ chồng chú tập trung cắt rau, còn hai người con thì thu gom cột thành từng bó xếp vào từng giỏ bội, quang gánh. Phấn khởi được mùa rau bội thu, chú đã chia sẻ niềm vui với tôi : “ Tại ruộng rau này trước đây tôi trồng lúa, nhọc công lắm mà thu nhập chẳng có bao nhiều, từ khi phường phát động đầu tư sản xuất hàng hóa, chuyển đổi một số diện tích đất lúa sản xuất kém hiệu qủa sang trồng cây rau muống tôi thấp hợp lý, trồng thử nghiệm trên 1 sào đất ruộng, kết quả đạt thu nhập cao, tôi vui lắm và từ đó đến nay gia đình tôi trồng rau trên đất này, đã cải thiện được đời sống kinh tế gia đình và giải quyết được việc làm quanh năm cho cả gia đình tôi” .
Qua hơn 9 năm chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất ruộng chua phèn, Đảng bộ phường Sơn phong đã khẳng định được chủ trương, hướng đi đúng đắn của mình trên bước đường lãnh đạo, vận động nông dân phá thế độc canh, phát triển sản xuất cải thiện đời sống kinh tế gia đình. Nhiều ngôi nhà ngói, nhà cao tầng mọc lên bên lũy tre xanh của làng quê Sơn phong ấm áp. Cuộc sống ấm no, hạnh phúc đang đến với từng người, từng hộ nông dân ở phường Sơn phong ./.