Cẩm Thanh là một làng quê nằm về hướng Đông Nam của Thành phố Hội An, có diện tích gần 9km2, trong đó diện tích mặt nước chiếm đến non nửa (348,69 ha). Bốn bề nơi đây là sông, Bắc giáp phường Cửa Đại bởi sông Ba Chươm, Tây giáp phường cẩm Châu bởi sông Đò, Nam giáp huyện Duy Xuyên bởi hạ lưu sông Thu Bồn, Đông giáp Cửa Đại. Sông Đình và sông Đò nối sông Thu Bồn và sông Ba Chươm chia cắt Cẩm Thanh thành nhiều mảnh nhỏ tạo nên hệ thống sông rạch chằng chịt, với nhiều cồn/gò rất nên thơ như: Thuận Tình (cồn Kiện), cồn Ông Hơi, cồn Tiến, cồn Ba Xã, gò Hí…Hệ thống sông rạch ở đây chỗ rộng chỗ hẹp, nơi cạn nơi sâu, quanh co uốn lượn qua các cánh đồng, bãi bồi, xóm làng. Ôm sát hai bên bờ là dừa nước mọc thành rừng quanh năm xanh tốt, vừa tạo nên phong cảnh hữu tình, nên thơ, vừa che chở, bao bọc con người nơi đây trong những năm tháng bám trụ, giữ làng, giữ đất chống xâm lăng. Do nằm sát cửa biển - Cửa Đại, lại là vùng hội lưu của 3 nguồn sông lớn của Xứ Quảng (Thu Bồn, Vu/Ô Gia, Chiên Đàn/Trường Giang) và sông Cổ Cò/Đế Võng/Lộ Cảnh Giang nên nơi đây có hệ sinh thái khá đặc biệt. Đó là vùng ngập mặn cửa sông ven biển... với các hệ sinh thái điển hình của vùng nhiệt đới là rừng ngập mặn và cỏ biển. Quan trọng nhất là các rặng dừa nước dọc bờ sông rạch, một sinh cảnh rất đặc biệt ở Hội An, miền Trung Việt Nam mà chúng ta chỉ có thể tìm gặp ở miền Tây Nam bộ. Trên các cồn gò và các vực nước chung quanh các dãy dừ nước từ vùng triều thấp trở xuống còn có hệ sinh thái cỏ biển, một hệ sinh thái đặc thù trong vùng đất ngập nước, chỉ có ở vùng nhiệt đới và ôn đới, với những loài thực vật bậc cao quanh năm sống chìm trong môi trường nước luôn có dòng chảy, sóng gió. Hệ sinh thái nhiệt đới điển hình này đã được chứng minh là quan trọng đối với môi trường trong vai trò điều hoà khí hậu, chống xói lở, gia tăng trầm tích, kết chặt trầm tích và hoạt động như một máy lọc sinh học, nâng cao chất lượng môi trường và duy trì cân bằng sinh thái. Đó là chưa kể lá và mùn bã hữu cơ do chúng tạo ra là nguồn thức ăn không thể thiếu cho các loài hải sản về phương diện sinh vật, các hệ sinh thái này có sự đa dạng sinh học rất cao, là nơi cư trú, sinh sống của nhiều loài động vật biển có giá trị, nhắt là các loại tôm, cua, ghẹ và động vật thân mềm. Các thảm cỏ biển là nơi sinh sống và bắt mồi, ẩn nấp của ấu thể nhiều loại hải sản và các loài cá có giá trị kinh tế như cá mú,cá dìa. Có thể nói sông rạch và các dãy dừa nước xanh cùng hệ sinh thái nơi đây đã tạo ra một phần vẻ quyến rũ đối với du khách khi tham quan vùng đất này.
Từ góc độ lịch sử - văn hóa - nhân văn, tuy đã phải trải qua nhiều năm tháng chiến tranh tản phá ác liệt của cả 2 thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp vả đế quốc Mỹ xâm lược nhưng chúng ta vẫn dễ dàng nhận biết được nơí đây là vùng đất có bề dày, giàu truyền thống lịch sử - văn hóa - nhân văn. Hơn 23 di tích, dấu tích gồm các loại hỉnh khảo cổ, lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, danh thắng được xếphạng, đưa vào danh mục bảo vệ (quốc gia, thành phố), trong đó có những dấu tích của cư dân thời Tiền - Sơ sử (thuộc phức hệ văn hóa Sa Huỳnh cách ngày nay hơn 2000 năm), rồi của cư dân Champa qua các di tích khảo cổ, giếng cổ hay những địa danh như Lăng/Lùm Bà, Bề Đà, Trà Quân, Đồng Giá, Câu Dắp... có niên đại từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ XV. Trong giai đoạn những lưu dân Đại Việt từ phía Bắc hành tiến vào phương Nam lập nghiệp thì ngôi mộ Tổ tộc Trần ở Bầu Đà ngày nay là di tích liên quan đến cư dân Đại Việt có niên đại sớm nhất ở Hội An được biết cho đến hôm nay (năm 1498). Nơi đây còn có ngôi mộ tổ tộc Lê ở thôn Thanh Đông, lưu dấu một vị hoàng thân của triều Hậu Lê - hậu duệ của vua Lê Lợi, do bị thất thế đã theo dòng người di dân vào đây lập nghiệp, góp phần khai hoang lập làng Thanh Châu. Dân làng Thanh Châu xưa (phần lớn thuộc cẩm Thanh ngày nay) dựa vào sự ưu đãi của thiên nhiên đã sớm biết khai thác đánh bắt thủy hải sản trên sông, biển lập làng chài kết hợp với làm ruộng nước, ruộng khô, chăn nuôi gia súc và trồng trọt rau mề để Thanh Châu trở nên một vùng quê nổi tiếng trù phú một thời trên vùng đất thương cảng quốc tế Faifo - Hội An. Ngoài ra, Thanh Châu còn rất nổi tiếng với nghề buôn ghe bầu và một nghề khá đặc biệt khác đó làng nghề khai thác yến sào (tổ chim yến). Trai làng nơi đây xưa kia luôn được các Chúa Nguyễn và các vua triều Nguyễn trọng dụng, bổ sung vào những đội lính Trường Sa, Hoàng Sa chuyên khai thác tài nguyên trên biển Đông.Và do là nơi có vị trí hiểm yếu về quân sự, kinh tế nên từ thời các Chúa Nguyễn đến các triều đại phong kiến sau này dân làng Thanh Châu còn được giao nhiệm vụ cảnh giới tàu thuyền đi lại, ra vào vùng biển Cửa Đại - Hội An. Nhiều căn cứ thủy quân, bến tàu được thành lập tại đây, nhiều tướng lĩnh người Thanh Châu được giữ trọng trách và ghi công lớn trong quân đội của các triều đại phong kiến. Phải chăng, cũng bởi vai trò của vùng đất và người dân nơi đây mà vua Quang Trung đã chọn người con gái tộc Trần- bà Trần Thị Quỵ, làng Thanh Châu làm thứ phi. Đồng thời bà cũng là cháu, con, em của các vị tướng trong một gia đình họ Trần ở Thanh Châu có công lớn trong việc phò vua Quang Trung khởi nghiệp, lên ngôi hoàng đế. Rồi đến Hồ Văn Hòa, Hồ Văn Học được triều đình nhà Nguyễn giao trọng trách tiếp tục phát triển nghề khai thác yến sào ở cả 3 tỉnh Quảng Nam, Bình Định và Khánh Hòa. Đặc biệt trong giai đoạn chống Pháp, chống Mỹ xâm lược, thống nhất Tổ quốc, Cẩm Thanh từng là vùng căn cứ địa cách mạng của Hội An. Cẩm Thanh là địa phương sớm nhất ở Hội An, Quảng Nam được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” bởi có những đóng góp vô cùng to lớn cho sự nghiệp cách mạng với hơn 90% gia đình công cách mạng và là địa phương có nhiều cá nhân nhất ở Hội An được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân. Hơn nữa, nơi đây là một trong những cái nôi, đồng thời góp phần làm phong phú cho di sản văn hóa phi vật thể ở Hội An còn được bảo tồn khá sinh động với nhiều hình thức lễ nghi, lễ hội, phong tục tập quán, văn hóa ẩm thực, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian... khá độc đáo và hấp dẫn. Từ góc độ nhân học, có thể thấy điều may mắn cho nơi đây đó là vượt qua bao thăng trầm của lịch sử, tàn khốc của chiến tranh, của quá trình đô thị hóa, Cẩm Thanh ngày nay hầu như vẫn còn khá nguyên vẹn về một làng quê sông nước, ven biển đặc thù của Hội An - miền Trung, Việt Nam, vừa nằm trong phần lõi, vừa nằm trong phần chuyển tiếp của Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An. Du khách hay các nhà nghiên cứu khoa học đến đây sẽ được thu hút, hấp dẫn, trải nghiệm bởi với một thực thể sinh thái và môi trường sống của con người vừa có yếu tố của tự nhiên, truyền thống, vừa có yếu tố của môi trường, xã hội đương đại gắn kết hết sức độc đáo, đặc thù của một vùng quê ven sông cận biển trong thời hiện đại.
Những nhân tố, điều kiện, cơ may lịch sử của CẩmThanh là những mặt hết sức thuận lợi để Cẩm Thanh triển khai thực hiện “Xây dựng xã Cẩm Thanh - Làng quê sinh thái” theo hướng bảo tàng sinh thái và nhân văn, phát triển các loại hình du lịch cộng đồng, nghỉ dưỡng, làng quê...Nơi đây đang và hy vọng sẽ mãi là điềm tham quan du lịch trải nghiệm hấp dẫn và thú vị cho mọi du khách trong và ngoài nước.
BBT