Lịch sử hình thành
Giới thiệu > Lịch sử hình thành
Vài nét khái quát về vùng đất và con người Cẩm An
(05/05/2015)
QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH LÀNG XÃ VÀ SỰ THAY ĐỔI ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH, ĐỊA DANH QUA CÁC THỜI KỲ LỊCH SỬ.
Cẩm An ( nay gồm Phường Cẩm An, Phường Cửa Đại và xã Tân Hiệp ) là một vùng ven biển-đảo, cách trung tâm thành phố Hội An 4km về hướng Đông, phía Bắc giáp với xã Điện Dương ( Điện Bàn), phía Nam và Tây Nam giáp xã Cẩm Hà, phường Cẩm Châu, xã Cẩm Thanh và được ngăn cách bởi con sông Đế Võng ( một đoạn sông thuộc Sông Cổ Cò ), tuyến đường thủy này, một thời là huyết mạch giao thương quan trọng giữa Hội An và Đà Nẵng, phía Đông giáp Biển Đông với bờ biển dài hơn 7 km và quần đảo Cù Lao Chàm, bờ biển cát trắng mịn, không khí trong lành của vùng sinh thái biển đảo.

 Cẩm An là nơi có Đại Chiêm hải khẩu( còn gọi là Đại Chiêm trấn, Đại Chiêm môn, nay là Cửa Đại), vào thế kỷ XVII -XVIII từng là cửa ngõ của thương cảng quốc tế sầm uất vào bậc nhất xứ Đàng Trong của quốc gia Đại Việt. Cách Cửa Đại khoảng 08 hải lý là cụm đảo Cù lao Chàm có hình cánh cung nghiêng theo hướng Tây Bắc-Đông Nam gồm 8 đảo lớn nhỏ theo thứ tự từ Bắc vào Nam: Hòn Ông( còn gọi là hòn Nồm), hòn Tai, hòn Lao, hòn Dài, hòn Mồ, hòn Lá, hòn Khô mẹ và hòn Khô con; với tổng diện tích của các đảo hơn 15km2, trong đó diện tích rừng chiếm khoản 90%. Ngoài phong cảnh hữu tình, Cù Lao Chàm như bức bình phong án ngữ trên Cửa Đại, có ý nghĩa đặc thù về quân sự, lịch sử và văn hóa. Tại Cù Lao Chàm, hơn 3.000 năm trước đã có dấu vết con người cư trú, với những di chỉ thuộc văn hóa Sa Huỳnh, Champa, Việt nối tiếp nhau. Từ khoảng thế kỷ X-XI, Cù Lao Chàm đã trở thành tiền tiêu của Cửa Đại, là điểm dừng chân lấy nước ngọt, trú bão trên đường giao lưu buôn bán của thương gia Ả Rập, Trung Hoa, Ấn Độ, Nhật Bản và một số nước Đông Nam Á. Dưới thời Champa, một số tù nhân đã bị đưa ra lưu đày tại đây và muộn nhất là vào thế kỷ XVII, cư dân người Việt đã đến định cư tại nơi này. Sách Đại Nam Nhất thống chí viết '' Cách Diên Phước 68 dặm về phía Đông, ngất ngưỡng giữa biển, gọi là đảo Ngoạ Long, cũng gọi là hòn Cù lao, có tên nữa là núi Tiêm Bút, tên cổ là Chiêm Bất Lao, làm trấn sơn cho cửa biển Đại Chiêm, dân phường Tân Hợp ở phía nam núi; ruộng đất trên núi có thể cày cấy, thuyền biển nước ta và nước ngoài trông núi này làm chừng đi về đều đỗ ở đấy để lấy củi, nước...''. Với chiều dài lịch sử, văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, nhân văn phong phú và đa dạng, Cù Lao Chàm đã được Bộ văn hóa-Thông tin công nhận là Danh thắng quốc gia vào năm 2007, năm 2009, UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Trải qua các thời kỳ lịch sử, tên gọi của các làng xã Cẩm An có nhiều thay đổi theo tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng. Năm Ất Tỵ 1305, vua Champa sai Chế Bồ Đà dẫn hơn 100 người mang vàng bạc, hương quý, vật lạ,...ra Thăng Long cầu hôn Huyền Trân công chúa, con gái của Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông. Năm 1306, vua Champa là Chế Mân (niên hiệu là Jaya Simhavar man) dâng hai châu Ô, Lý( Rí ) làm sính lễ xin cưới công chúa Huyền Trân, em gái của vua Trần Anh Tông. Năm Đinh Mùi 1307, vua Trần Anh Tông chính thức nhận đất 2 Châu và đổi thành Thuận Châu, Hóa Châu( Thuận Châu gồm Quảng Trị và Hóa Châu gồm Thừa Thiên và vùng đất từ đèo Hải Vân đến bờ bắc sông Thu Bồn).
Theo sách Phương Đình dư địa chí( * ) “ Quảng Nam là đất quận Nhật Nam đời Hán bị nước Lâm Ấp( Chiêm Thành) chiếm giữ, nhà Nhuận Hồ đánh lấy được động chia đặt thành 4 châu: Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa, đặt các chức Thăng Hoa an lộ phủ sứ để cai trị, lại di dân đến ở”. Sau khi Hồ Quý Ly lên ngôi, năm 1403, khu vực Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa đã chính thức thống thuộc vào quyền lực nhà nước Đại Việt. Theo Đại Việt sử ký toàn thư: họ Hồ đã ra lệnh cho dân có của mà không có ruộng ở Nghệ An, Thuận Hóa đem vợ con vào ở để khai khẩn; lại mộ những người có trâu đem nộp và cấp cho phẩm tước để lấy trâu cấp cho dân cày.
Đến năm Tân Mão 1471, vua Lê Thánh Tông mang đại quân vào tập kết ở Tân Ấp( nay tương đương với vùng đất Kỳ Hà, huyện Núi Thành), dùng mưu đẩy lui quân Chiêm và tiến về triệt hạ thành Đồ Bàn ( Chà Bàn). Sau khi vua bình Chiêm trở về, vua Lê Thánh Tông xuống chiếu chiêu mộ nhân dân vào ở vùng đất mới và tiến hành thành lập bộ máy cai trị từ Thăng, Hoa đến Bình Định ngày nay. Tháng 6 năm 1472, vua Lê Thánh Tông thành lập đạo Thừa tuyên Quảng Nam. Danh xưng Quảng Nam ra đời từ thời điểm này và trở thành Đạo thứ 13 của quốc gia Đại Việt. Cuộc '' bình Chiêm '' đại thắng và cơ cấu hành chính của quốc gia Đại Việt được xác lập, một số người trong đại quân ấy tuân lệnh vua ở lại trấn giữ bờ cõi và lập nghiệp trên vùng đất này. Đây cũng là lớp tiên dân khai cơ, lập nghiệp trên vùng đất mới Quảng Nam.
Đến năm 1602, Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa, nhằm củng cố thế lực cát cứ chống lại họ Trịnh ở Đàng Ngoài và tiến dần về phương Nam để mưu lược cơ đồ, tính kế cho muôn đời sau. Từ đây cả vùng đất rộng lớn từ đèo Hải Vân đến núi Đá Bia ( Phú Yên ) mới trở nên yên ổn, thu hút đông đảo cư dân ở đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ vào khai khẩn đất đai, tạo ấp, lập làng, xây dựng cuộc sống mới. Buổi đầu cư dân miền Bắc vào cư trú ở những đồng bằng màu mỡ sau tiến dần về phía cửa sông, cồn bãi ven biển khi dân số ngày càng tăng nhanh.

Vào thời điểm này, quá trình tụ cư của cư dân Đại Việt trên vùng đất Hội An cũng đang định hình. Đây chính là điều kiện thuận lợi để Quảng Nam-Hội An tiếp nhận luồng di dân mới từ phía Bắc vào lập nghiệp. Chủ yếu là cư dân ở các vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh... Gia phả hay bia mộ tổ của các tộc tiền hiền: Trần, Lê, Đinh , Nguyễn, Phạm ở Đại An và Trương, Trần, Lê, Phạm ở Phước Trạch bị hư hỏng, thất lạc hoặc được sao lục lại sau này không ghi rõ cội nguồn gốc tích…nhưng cũng cho chúng ta biết được các làng Đại An, làng Câu ra đời muộn hơn các làng khác của vùng đất Hội An. Căn cứ vào nguồn tư liệu điền dã, gia phả của một số họ tộc ở An Bàng, Phước Trạch và Tân Thành cho thấy tên gọi các thôn/ấp Cẩm An ngày nay xuất hiện vào khoảng thế kỷ XVII. Gia phả họ Đinh tại An Bàng ghi" Ngài Đinh Quý Công từ Bắc Việt vào Nam đánh dẹp loạn tặc, sau đó con là Đinh Văn Thạnh đến làng Đại An sinh sống...". Gia phả họ Phan ở An Bàng cho biết Ngài Phan Văn Đệ cũng từ Bắc Việt vào Nam lập nghiệp tại làng Đại An. Theo gia phả và bia mộ tổ họ Lê ở ấp Cồn Động( nay là Tân Thịnh): “ thuỷ tổ là Lê Văn De, gốc tại xã An Lưu, huyện Phú Vinh, phủ Triệu Phong vào làng Câu thế kỷ XVII..’’.


*
* *


Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, các làng cũ của Cẩm An bao gồm xã Phước Trạch, xã An Bàng ( 2) và ấp Cồn Động (thuộc xã Thanh Hà) thuộc Tổng Thanh Châu, Phủ Điện Bàn, Tỉnh Quảng Nam.
Như vậy, trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, Cẩm An không tồn tại như một đơn vị hành chính độc lập mà các thôn, ấp đều thuộc phạm vi kiểm soát và quản lý của các xã Phước Trạch, An Bàng và Thanh Hà. Tháng 3 năm 1946, Chính phủ Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, chủ trương hợp nhất xã lần thứ nhất, đơn vị hành chính của nước Việt Nam được chia thành kỳ, tỉnh, thị xã tại các vùng đô thị, huyện và xã tại các vùng nông thôn, không có tổng đơn vị giữa làng và huyện như trước đây. Năm 1946, thực hiện chủ trương của Chính phủ về hợp nhất xã lần thứ nhất, Thị xã Hội An được chia thành 8 Khu phố; trong đó An Bàng, Tân Thành, Phước Trạch thuộc Khu phố VII( Tuy Nhạc), tương ứng với phường Cửa Đại và phường Cẩm An hiện nay. Tân Hiệp thuộc khu phố VIII( các đảo Cù Lao Chàm).
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Quảng Nam và Đà Nẵng được tách thành hai đơn vị hành chính là tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Đến tháng 11 năm 1946, để chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp, tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng hợp nhất thành liên tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Tháng 11 năm 1948, Chính phủ chủ trương hợp nhất xã lần thứ 2, nhưng do tính chất của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược diễn ra ngày càng ác liệt, mãi đến cuối năm 1949 cơ cấu tổ chức hành chính của Hội An mới được thay đổi; lúc này vùng An Bàng, Tân Thành, Phước Trạch ( tương ứng với phường Cẩm An và các khối phố Phước Tân, Phước Trạch và Phước Hòa của phường Cửa Đại hiện nay) thuộc Khu phố Hội Điền, Phước Hải và Tân Hiệp ngày nay sát nhập vào Khu phố Hội Hải( tương đương với khối phố Phước Hải, Phước Thịnh và xã Tân Hiệp hiện nay).
Đến tháng 7 năm 1950, Tỉnh uỷ Quảng Nam quyết định thành lập Thị xã thuần tuý Hội An bao gồm vùng nội ô và các vùng ven, lân cận. Lúc bấy giờ, vùng Phước Trạch, Tân Thành, An Bàng và Thanh Hà lập thành xã Điện Hải, thuộc huyện Điện Bàn. Nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của nhân dân, đảm bảo cho cuộc kháng chiến'' toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực, cánh sinh'' theo đường lối của Trung ương Đảng. Ngày 15 tháng 10 năm 1951, Ủy ban hành chính Miền Nam Trung bộ ra Nghị định số 229-MN/2 cắt một phần đất của Thị xã Hội An chuyển cho các xã Điện Dương, xã Điện Nam thuộc huyện Điện Bàn và xã Duy Vinh thuộc huyện Duy Xuyên. Lúc bấy giờ vùng An Bàng, Tân Thành sáp nhập vào xã Điện Dương, huyện Điện Bàn, vùng Phước Trạch nhập về Khu Đông, Thị xã Hội An. Ngày 01 tháng 7 năm 1952, Ủy ban hành chính kháng chiến miền Nam Trung bộ ra nghị định đổi tên Thị xã Hội An thành xã đặc biệt Hội An trực thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, đến cuối tháng 3 năm 1952, tỉnh có chủ trương cho các vùng ngoại ô nhập về lại Thị xã Hội An và chia thành 4 đơn vị hành chính mới: Đông, Tây, Nam, Bắc. Vùng đất An Bàng, Tân Thành, Phước Trạch, Phước Hải thuộc khu Bắc( tương ứng với phường Cẩm An và phường Cửa Đại hiện nay), Tân Hiệp ngày nay thuộc khu Đông.
Về phía địch, để củng cố hệ thống chính quyền các cấp, tháng 3 năm 1955, ngụy quyền ra sắc lệnh thay đổi địa giới hành chính các cấp. Năm 1956, địch thành lập Khu hành chính Cẩm Phô bao gồm 9 xã: Cẩm Châu, Cẩm An, Cẩm Thanh, Cẩm Hà, Cẩm Nam, Cẩm Kim, Cẩm Hải ( nay thuộc xã Điện Dương, huyện Điện Bàn), Hội An( nội thị) và Xuyên Long( nay là thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên); danh xưng Cẩm An ra đời từ đây. Ngày 31 tháng 7 năm 1962, Thủ tướng Việt Nam cộng hòa đã ra sắc lệnh 162-NV chia tỉnh Quảng Nam thành hai đơn vị hành chính: địa phận tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng ở phía Bắc sông Thu Bồn và tỉnh Quảng Tín ở phía Nam sông Thu Bồn. Thị xã Hội An nằm trên địa phận tỉnh Quảng Nam, gồm 9 xã: Cẩm Châu, Cẩm Hải, Cẩm Kim, Cẩm Hà, Cẩm Thanh, Cẩm An, Cẩm Nam, Hội An( nội thị ) và Xuyên Long.
Về phía ta, để kịp thời lãnh đạo công cuộc kháng chiến chống Pháp toàn diện, tháng 12 năm 1962, Khu ủy V quyết định chia tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng thành hai đơn vị hành chính mới: tỉnh Quảng Đà ở phía Bắc sông Bà Rén, tỉnh Quảng Nam ở phía Nam sông Bà Rén; Thị xã Hội An lúc này thuộc tỉnh Quảng Đà. Năm 1963, chính quyền Mỹ-Ngụy đổi khu hành chính Cẩm Phô thành quận Hiếu Nhơn, trong đó Cẩm An bao gồm các thôn: An Bàng, Tân Thành, Phước Trạch và Tân Hiệp.
Từ 1964 đến tháng 10 năm 1967, theo sự chỉ đạo của khu ủy V, thành phố Đà Nẵng tách ra khỏi tỉnh Quảng Đà. Thị xã Hội An lúc này thuộc tỉnh Quảng Đà. Để chuẩn bị tiềm lực cho cuộc tổng tiến công xuân Mậu Thân 1968, tháng 11 năm 1967, tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng hợp nhất thành Đặc khu Quảng Đà.
Sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, ngày 04 tháng 10 năm 1975, Ủy ban nhân dân cách mạng Khu Trung Trung Bộ quyết định hợp nhất tỉnh Quảng Đà và tỉnh Quảng Nam thành một đơn vị hành chính duy nhất với tên gọi mới là tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng.
Ngày 25 tháng 7 năm 1978, Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành Nghị định 131/HĐBT thành lập xã Tân Hiệp, tách ra từ xã Cẩm An, trực thuộc Thị xã Hội An. Cơ cấu hành chính của xã Tân Hiệp hiện nay gồm 4 thôn: Thôn Bãi Làng, thôn Bãi Hương, thôn Bãi Ông và thôn Cấm. Diện tích tự nhiên của xã Tân Hiệp là 15,491km¬¬2 , dân số: 2.617 người( * ).
Ngày 12 tháng 01 năm 2004, Chính phủ ban hành Nghị định số 20/NĐ-CP về việc thành lập 2 phường mới: Cửa Đại và Cẩm An trên diện tích tự nhiên và dân số của xã Cẩm An.
Diện tích tự nhiên của phường Cửa Đại là: 314,07 ha và 4.875 nhân khẩu. Địa giới hành chính: Đông giáp Biển Đông; Tây giáp Phường Cẩm Châu và xã Cẩm Thanh; Nam giáp Huyện Duy Xuyên; Bắc giáp Phường Cẩm An. Cơ cấu hành chính hiện nay của Phường Cửa Đại gồm 5 khối phố: Phước Tân, Phước Trạch, Phước Hòa, Phước Thịnh và Phước Hải.
Diện tích tự nhiên của phường Cẩm An là: 290,46 ha và 4.765 nhân khẩu. Địa giới hành chính: Đông giáp Biển Đông; Tây giáp xã Cẩm Hà; Nam giáp các phường Cẩm Châu, Cửa Đại; Bắc giáp Huyện Điện Bàn. Cơ cấu hành chính của Phường Cẩm An bao gồm 5 khối phố: Tân Mỹ, Tân Thịnh, Tân Thành, An Tân và An Bàng.


*
* *


Lịch sử dân tộc Việt Nam đã bước sang một trang mới nhưng ở bất cứ thời kỳ nào, vùng đất Cẩm An cũng để lại những dấu ấn đậm nét: Là vùng ven biển-đảo, có ý nghĩa chiến lược về quân sự, văn hóa, chính trị, kinh tế và là vùng đất phên dậu trong quá trình đấu tranh giữ nước vĩ đại của nhân dân Hội An, xứ Quảng. Từ khi hình thành cho đến nay các thôn ấp, làng xã ở Cẩm An đã trải qua nhiều lần thay đổi địa danh, địa giới hành chính nhưng gắn bó mật thiết với những bước thăng trầm của lịch sử dân tộc Việt Nam, lịch sử vùng đất Quảng Nam- Hội An. Chính vì thế những tên đất, tên làng tự ngàn xưa như Sợi Mây, làng Câu, Cồn Động, Cù lao Chàm sau này là An Bàng, Phước Trạch, Tân Thành, Tân Hiệp..., mãi khắc ghi một thời kỳ lịch sử oanh liệt ''mang gươm đi mở cõi” khai phá xứ Đàng Trong của các chúa Nguyễn, mãi mãi là niềm tự hào của bao thế hệ cư dân Cẩm An. Ý thức hướng về cội nguồn, tri ân những bậc tiền nhân có công khai khẩn đất đai tạo ấp, dựng làng, là cái nôi nuôi dưỡng bao tâm hồn lớn lên cùng đất nước, biết bao thế hệ cư dân hằn gắn bó với quê hương như máu thịt. Cũng chính từ vùng đất này đã hun đúc nên truyền thống đoàn kết trong lao động, trong chiến đấu bảo vệ và xây dựng quê hương

UBND phường Cẩm An

Lượt xem:  6 Bản in Quay lại


Văn bản mới ban hành

banner web dieu hanh Portal Quảng Nam Portal Hội An

Bộ thủ tục hành chính

Giới thiệu

Số liệu tổng hợp

Giới thiệu

Website các phòng ban - xã phường