ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN, GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC LỐI SỐNG TRONG GIA ĐÌNH
ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN, GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC LỐI SỐNG TRONG GIA ĐÌNH (14/10/2021)
Gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, phòng, chống bạo lực gia đình và ngăn ngừa các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Có thể coi gia đình là trường học đầu tiên, là môi trường giáo dục đặc biệt đối với sự phát triển của con người.
Tuy nhiên, do tác động mặt trái của cơ chế thị trường và các yếu tố tiêu cực của xã hội đã ảnh hưởng đến đạo đức, lối sống, đối với truyền thống văn hóa của gia đình Việt Nam, đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình như hiếu nghĩa, thủy chung, kính trên, nhường dưới đang có biểu hiện xuống cấp, sự xung đột giữa các thế hệ về lối sống, cách sống, vấn đề ly thân, ly hôn, bạo lực trong gia đình, các tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, rượu chè bê tha… thâm nhập vào gia đình.
Để chấn chỉnh những biểu hiện tiêu cực nêu trên đồng thời phát huy truyền thống tốt đẹp của văn hóa gia đình Việt Nam, xây dựng gia đình Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa phát triển bền vững: Đảng và Chính phủ đã có nhiều Nghị quyết/Chỉ thị và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về gia đình và công tác gia đình, gần đây là Đề án “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình”.

I/ Vai trò của gia đình:

1. Gia đình là gì?

          Gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do quan hệ hôn nhân (vợ - chồng), quan hệ huyết thống (cha mẹ - con cái, ông bà – cháu chắt, anh – chị - em) hoặc do quan hệ nuôi dưỡng. Cấu trúc gia đình nhiều thế hệ gồm ông - bà, cha – mẹ, con – cháu, chắt… hoặc gia đình hạt nhân chỉ có vợ - chồng hoặc gồm có cha – mẹ và những người con chưa trưởng thành.

          Gia đình chứa đựng các mối quan hệ tình cảm, nghĩa vụ và quyền lợi giữa các thành viên với nhau; có những ràng buộc mang tính pháp lý được Nhà nước thừa nhận, bảo vệ bằng pháp luật (Luật Dân sự, Luật Thừa kế, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình…)

          Gia đình là tế bào của xã hội, có mối quan hệ chặt chẽ với bên ngoài: gia đình – xóm giềng, gia đình – cộng đồng, gia đình – dòng họ, gia đình – đất nước.

2. Chức năng cơ bản của gia đình:

          - Chức năng sinh sản, duy trì nòi giống của con người, tạo ra những công dân mới, lực lượng lao động mới.

          - Chức năng giáo dục, hình thành nhân cách con người: Đây là chức năng hết sức quan trọng của gia đình mà xã hội không thể hoàn toàn thay thế được. Giáo  dục gia đình bao giờ cũng đi trước và thường xuyên hơn giáo dục xã hội.

          - Chức năng kinh tế và tổ chức đời sống gia đình: Lao dộng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tạo ra thu nhập chính đáng để nâng cao đời sống, đảm bảo hạnh phúc cho gia đình.

          - Chức năng thỏa mãn những nhu cầu tâm – sinh lý, tình cảm: Một gia đình hào thuận, êm ấm là niềm hạnh phúc, là cái nôi thân yêu, đùm bọc, che chở cho mỗi con người. Trong xã hội hiện đại, con người thường bị nhiều áp lực dễ dẫn đến sự căng thẳng thì chính gia đình là nơi đem lại sự cân bằng tâm, sinh lý, đem lại sự bình yên, thanh thản.

3. Tầm quan trọng của gia đình:

          Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng, đánh giá cao vị trí, vai trò, tầm quan trọng của gia đình đối với sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

          Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Rất quan tâm đến gia đình là đúng, vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình có tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn. Hạt nhân của xã hội là gia đình”.

          Cương lĩnh, đường lối của Đảng nhấn mạnh: “Gia đình là tế bào xã hội, là cái nôi thân yêu nuôi dưỡng cả đời người, là môi trường giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách”. “Giữ gìn và phát huy những đạo lý tốt đẹp của gia đình Việt Nam, nêu cao vai trò gương mẫu của các bậc cha mẹ. Coi trọng xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng mối quan hệ khắng khít giữa gia đình, nhà trường và xã hội”.

          Nhà nước ta cũng đã sớm ban hành nhiều luật về gia đình, chiến lược phát triển gia đình và các chính sách khác có liên quan đến gia đình. Để phát huy hơn nữa vai trò, vị trí của gia đình Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới, ngày 4/5//2001, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg lấy ngày 28/6 hằng năm làm ngày Gia đình Việt Nam nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, thúc đẩy toàn xã hội xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững”.

          Xây dựng gia đình văn hóa là một cuộc vận động lớn trong khắp cả nước, đang được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tham gia.

II/ Những vấn đề đang đặt ra đối với gia đình hiện nay:

          Qúa trình “đô thị hóa” và “tái định cư” đang diễn ra khá nhanh và phổ biến làm thay đổi các giềng mối quan hệ, các “trật tự cũ” vốn đã ổn định từ lâu. Trong đó có quan hệ về địa vực (xóm giềng, cộng đồng) và quan hệ huyết thống (gia đình, dòng tộc) đang bị xáo trộn. Những biến động này tác động bất lợi đến các quan hệ của gia đình. Hiện nay, cấu trúc gia đình ở Hội An đang thay đổi mạnh. Số gia đình ba thế hệ trở lên ngày càng ít, chỉ còn chưa đến 30%, gia đình hai thế hệ gần 70%; ở những vùng đô thị hóa khoảng cách chênh lệch này càng giãn rộng hơn, quy mô gia đình nhỏ, gia đình trẻ chiếm đại đa số.

          Thực tế cho thấy, giềng mối quan hệ gia đình và dòng tộc đang bị nhiều tác động tiêu cực và thiếu bền vững:

          - Tình trạng bạo hành, mâu thuẫn, xung đột xảy ra ngày càng nhiều ở những gia đình trẻ, gia đình ít thế hệ, có nhiều trường hợp không thể điều hòa được dẫn đến sự đổ vỡ ngày càng phổ biến hơn, kéo theo hàng loạt các hệ lụy lâu dài về mặt xã hội không thể giải quyết trong ngày một ngày hai.

          - Trong nhiều gia đình, cha mẹ mãi lo kinh tế bỏ mặc con cái, hoặc nuông chiều thái quá, khiến con cái dễ trở nên hư hỏng, sa ngã vào các tệ nạn hoặc vi phạm pháp luật.

          - Đô thị hóa làm cho đất đai, nhà cửa ngày càng lên giá, cũng là lúc tình trạng tranh chấp, kiện tụng giữa những người thân trong gia đình và dòng tộc càng nhiều hơn: anh, chị em kiện nhau, con kiện cha mẹ, cha mẹ kiện con… Những xung đột, mâu thuẫn mà trước đây gia đình, dòng tộc rất dễ dàng hòa giải thì nay phải nhờ đến chốn pháp đình. Cũng có người thắng kiện và người thua kiện, nhưng kẻ thắng người thua đều có một mất mát lớn không thể bù đắp được đó là tình huyết thống máu mủ ruột rà…

          Những dẫn chứng nêu trên cho thấy cái nôi, cái tổ ấm, cái tế bào gia đình đang bị xâm hại. Và như thế, “pháo đài” gia đình đang có nguy cơ không còn bền vững nếu chúng ta bàng quan, thờ ơ với thực tại này.

III/ Một số nội dung về xây dựng đạo đức lối sống trong gia đình:

1. Vai trò của gia đình đối với các thành viên: Chăm sóc và giáo dục trẻ em; chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi; thực hiện an sinh xã hội, chăm sóc người ốm, người tàn tật, khuyết tật; chăm lo phát triển kinh tế gia đình; luyện tập thể dục thể thao, tự chăm sóc sức khỏe.

2. Vai trò của gia đình đối với cộng đồng và xã hội:

- Giữ gìn trật tự an toàn xã hội và phòng, chống tệ nạn xã hội

- Thực hiện bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình.

- Phối hợp nhà trường, các tổ chức xã hội trong giáo dục con cái trong gia đình.

3. Giáo dục các thành viên thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

4. Giữ gìn, kế thừa, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, hương ước, quy ước của địa phương.

5. Giáo dục đạo đức và hướng nghiệp.

6. Giữ gìn mối quan hệ trong gia đình

          Mối quan hệ giữa con cái với cha mẹ (cha mẹ chồng cũng như cha mẹ vợ), cha mẹ với con cái (con trai, con gái, con nuôi, con đẻ, con riêng của vợ hoặc chồng), cha mẹ với con dâu hoặc con rể và mối quan hệ giữa các thành viên gia đình với họ/tộc…

7. Quyền và trách nhiệm của các thành viên trong gia đình:

- Quyền và trách nhiệm làm vợ (làm chồng).

- Quyền và trách nhiệm làm cha (làm mẹ).

- Nuôi dưỡng và chăm sóc con cái.

- Cha, mẹ bảo vệ quyền lợi và làm gương cho con.

- Không phân biệt đối xử, ngược đãi, lạm dụng sức lao động trẻ em.

8. Quyền và trách nhiệm của con cháu đối với ông, bà (cha, mẹ).

- Quyền của con.

- Trách nhiệm của con, cháu.

9. Những chuẩn mực, giá trị tốt đẹp của gia đình cần được tiếp tục phát huy, đó là:

- Cha, mẹ hết lòng, quên mình, hi sinh cho con, nuôi dạy con trưởng thành nên người.

- Con, cháu yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, chăm sóc, phụng dưỡng ông/bà, cha/mẹ; đặc biệt khi cha mẹ già yếu, ốm đau, bệnh tật...

- Giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình.

- Các thành viên trong gia đình quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ lẫn nhau.

- Vợ, chồng chung thủy, yêu thương, chăm sóc, giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững.

- Anh, chị, em thương yêu, chăm sóc, giúp đỡ nhau.

- Lên án những hành vi vi phạm đạo lý, đạo đức gia đình (các hành vi ngược đãi, bạo hành, xúc phạm ông/bà, cha/mẹ, vợ/chồng, con/cháu, anh/chị/em...

                                  

                                                  Ảnh: Sinh hoạt " CLB Gia đình hạnh phúc" ở khối phố Tân Lập

Tân An

Lượt xem:  352 Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 12 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn bản mới ban hành

banner web dieu hanh Portal Quảng Nam Portal Hội An

Bộ thủ tục hành chính

Giới thiệu

Hoạt động cơ sở

Giới thiệu

Số liệu tổng hợp

Giới thiệu

Website các phòng ban - xã phường