Bảo tồn di sản và nền kinh tế địa phương
Bảo tồn di sản và nền kinh tế địa phương (13/07/2015)
Bảo tồn di sản đem lại nhiều giá trị: văn hóa, thẩm mỹ, giáo dục, môi trường, xã hội, lịch sử cùng nhiều giá trị khác. Và một giá trị của bảo tồn di sản được nhắc đến nhiều hơn trong thời gian gần đây là giá trị kinh tế.
Trong nhiều năm, giá trị kinh tế thường được xem là quá nông cạn và hạ đẳng đối với ý nghĩa của tài nguyên lịch sử để có thể đem ra thảo luận nghiêm túc. Thậm chí ngày nay vẫn còn những người làm bảo tồn di sản tuyệt đối hóa chối bỏ những tính toán và quan điểm ủng hộ bảo tồn dựa trên lý lẽ kinh tế, cho rằng chúng hạ thấp và xúc phạm tầm quan trọng và những giá trị siêu hình, không đo đếm được của di sản lịch sử nhân loại.

Khu Alberto Dock, thành phố Liverpool, Anh (nguồn: tripadvisor.com) 

Nếu xét trong quãng thời gian dài, những ý kiến như trên đương nhiên hợp lý. Trong chặng đường dài, tác động kinh tế của việc bảo tồn di sản trở nên kém quan trọng hơn rất nhiều so với ý nghĩa về giáo dục, môi trường, văn hóa, thẩm mỹ và xã hội. Qua thời gian, chẳng mấy ai còn quan tâm đến số lượng việc làm tạo ra từ việc xây dựng Angkor Wat hoặc tiền thuế thu được từ những quảng trường ở Florence. Qua thời gian, những giá trị còn lại của bảo tồn di sản trờ nên quan trọng hơn giá trị kinh tế. Nhưng, như nhà kinh tế nổi tiếng người Anh John Maynard đã nói: “Qua thời gian, ai rồi cũng sẽ chết.” 

Tuy nhiên, xét trong giai đoạn ngắn hơn, những đối tượng có sức ảnh hưởng lớn nhất đến những gì xảy ra với tài nguyên di sản của chúng ta – chủ nhân công trình, các chính trị gia, các ngân hàng và nhà đầu tư – chắc chắn có quan tâm đến khía cạnh kinh tế của những công trình di sản. Thường thì những người ra quyết định ủng hộ bảo tồn di sản dựa trên những lý lẽ kinh tế hơn là những yếu tố còn lại, dù chúng có quan trọng hơn. 

Do đó, ngày càng nhiều tổ chức bảo tồn di sản chọn kinh tế làm nội dung nghiên cứu. Europa Nostra, liên minh các nhóm bảo tồn di sản châu Âu, trong một tài liệu mang tên Cultural Heritage Counts for Europe đã ghi chú: “Di sản văn hóa mang lại nhiều lợi ích cho châu Âu ngày nay”[1]. Nhiều lợi ích trong số đó thuộc về kinh tế.

Nhiều nghiên cứu trong thập kỷ qua đã xác định năm biểu hiện chính của tác động kinh tế trong bảo tồn di sản : 1)việc làm và thu nhập hộ gia đình; 2) tái phát triển khu trung tâm thành phố; 3) du lịch di sản; 4) giá trị bất động sản; và 5) nuôi dưỡng các doanh nghiệp nhỏ

Việc làm và thu nhập hộ gia đình

Thứ nhất, việc làm và thu nhập hộ gia đình. Đối với hầu hết các chuyên gia trong lĩnh vực phát triển kinh tế, ưu tiên hàng đầu là tạo ra việc làm và gia tăng thu nhập hộ gia đình. Việc phục hồi những công trình lịch sử mang lại hiệu quả đặc biệt ở khía cạnh này. Tại Mỹ, chi phí xây dựng công trình mới bao gồm một nửa là vật liệu, và một nửa là nhân lực. Chi phí phục hồi di sản lại bao gồm 60-70% nhân lực và phần còn lại thuộc về vật liệu. Sự thâm dụng lao động này tác động đến kinh tế địa phương ở hai cấp độ. Thứ nhất, ví dụ, các thiết bị cấp thoát nước được mua từ một nhà máy cách xa hàng ngàn cây số và gỗ thì nhập khẩu từ bên kia đại dương, nhưng mấy ông thợ ống nước và thợ mộc thì băng qua đường là có ngay dịch vụ. Hơn thế, một khi ống nước đã lắp đặt xong thì người ta không cần phải chi thêm vào việc này nữa. Ông thợ ống nước thì lại ghé tiệm cắt tóc trên đường về nhà, đi siêu thị mua đồ ăn, góp tiền cho các quỹ từ thiện địa phương và mỗi khoản chi tiêu đó lại được xoay vòng ở địa phương.

Cơ quan Phát triển Quốc tế Thụy Điển đã tài trợ cho những dự án ở vùng Bờ Tây Palestine, ở đó họ nhận ra là cứ một dự án di sản trị giá 100.000 USD sẽ tạo ra từ 3.000 đến 3.500 ngày công với phần chi phí nhân lực chiếm khoảng 70% tổng chi phí. Ở Australia, người ta kết luận rằng các dự án bảo tồn di sản cũng sử dụng nhiều lao động hơn và kích thích sự phát triển những kỹ năng và hoạt động buôn bán truyền thống.[2]

Một vài người nghĩ rằng phát triển kinh tế chỉ có nghĩa là sản xuất. Tuy vậy, tiểu bang Tennessee là một ví dụ minh chứng điều ngược lại. Cứ mỗi một triệu USD chi cho sản xuất, một nhà máy trung bình ở Tennessee sẽ tạo ra 28,8 việc làm. Một triệu USD chi cho việc xây dựng công trình mới tạo ra 36,1 việc làm. Nhưng một triệu USD để phục hồi một công trình lịch sử thì sao? 40 việc làm.

Một triệu USD sản phẩm sẽ đóng góp thêm 604.000 USD vào thu nhập hộ gia đình ở địa phương. Một triệu USD chi cho việc xây dựng mới tạo ra 764.000 USD. Còn một triệu USD chi cho phục hồi di sản? Hơn 826.000 USD.[3]

Đến đây có thể có người cãi lại: “Thì đúng, nhưng một khi dự án hoàn thành thì công việc cũng hết.” Điều này không sai, nhưng có hai câu trả lời cho nhận định trên. Thứ nhất, bất động sản là một dạng tài sản như các thiết bị xây dựng công trình.Tức nó có tác động kinh tế trong thời gian xây dựng và cả sau đó, khi công trình đi vào sử dụng. Ngoài ra, vì hầu hết các cấu phần của một công trình có tuổi thọ 25-40 năm, một địa phương có thể phục hồi 2-3% số công trình hàng năm và hoạt động xây dựng cứ thế tiếp tục trong thời gian dài. Và những công việc thế này không thể bị chuyển ra nước ngoài.

Ở châu Âu, phục hồi di sản tạo ra nhiều hơn 16,5% việc làm so với xây dựng mới, và mỗi công việc trực tiếp trong lĩnh vực di sản văn hóa tạo ra 26,7 việc làm gián tiếp khác. Con số này trong ngành công nghiệp xe hơi chỉ là 6,3:1.[4]

Nhưng còn có một vấn đề khó nhận thấy hơn liên quan đến việc làm trong lĩnh vực bảo tồn di sản – chúng thường là những việc được trả lương cao và thị trường quốc tế thường có sự khan hiếm những kỹ năng phù hợp. Một nghiên cứu năm 2005 ở Vương quốc Anh đã cho thấy nhu cầu bổ sung 6.500 nhân lực trong 12 tháng tiếp theo để đáp ứng nhu cầu lập tức.[5] Giám đốc Cơ quan Di sản Na Uy đã xác nhận một lượng lớn tồn đọng các công trình cần được duy tu trong khi có quá ít nhân lực được đào tạo để thực hiện nó.[6] Việc phục dựng và tái phát triển khu dân cư cổ Darb al-Ahmar ở thành phố Cairo đã đem lại một lượng lớn việc làm và các chương trình đào tạo; vào những lúc cao điểm mỗi ngày có khoảng 400 người làm việc cho dự án.[7] 


Khu dân cư cổ Darb al-Ahmar ở thành phố Cairo, Ai Cập (nguồn: akdn.org)

Tầm quan trọng và cơ hội dành cho những người thợ lành nghề không hề nhỏ. Tại Anh quốc, người ta ước tính có 86.000 người làm công việc bảo tồn cho gần 4,5 triệu ngôi nhà cổ v à 550.000 tòa nhà thương mại khác có giá trị lịch sử. Tại Pháp, 40.000 thợ thủ công làm các công việc sửa chữa và duy tu di sản văn hóa.[9]

Quỹ Aga Khan đang tài trợ cho các nước Trung Đông trong chương trình khôi phục các kỹ năng truyền thống, tạo ra nhiều việc làm mới và cung cấp các chương trình đào tạo tại chỗ.[10] Tại Halmstad, Thụy Điển, các dự án phục dựng đã giúp những người thất nghiệp trong thời gian dài quay lại làm việc và đào tạo kỹ năng cho người nhập cư, người mới vào nghề và phụ nữ.[11]

Dù ở nền kinh tế đã phát triển toàn diện, kinh tế đang phát triển, kinh tế thị trường hay kinh tế xã hội chủ nghĩa, luôn có những nhà kinh tế và các chính trị gia cho rằng trong thời kì suy thoái, chi tiêu công nên được dành để tạo ra việc làm. Và thường trên thế giới, xây dựng hạ tầng giao thông là hình thức đầu tư ưa thích của các chính trị gia.

David Listokin thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Đô thị tại đại học Rutgers đã tính toán tác động tương đối của các dự án công. Giả dụ chính phủ chi một triệu USD để xây dựng một con đường cao tốc. Điều này tạo ra 34 việc làm; 1,2 triệu USD thu nhập hộ gia đình; 100.000 USD tiền thuế tiều bang và 85.000 USD tiền thuế địa phương.

Hoặc chính phủ có thể xây mộ tòa nhà mới với chi phí một triệu USD. Kết quả: 36 việc làm ;1.230.000 USD thu nhập hộ gia đình; 103.000 USD thuế tiểu bang;và 86.000 USD thuế địa phương.

Hoặc một triệu USD đó có thể được dùng đề khôi phục một công trình lịch sử. Nó sẽ tạo ra 38 việc làm, 1.300.000 thu nhập hộ gia đình, 110.000 USD thuế tiều bang và 92.000 USD thuế địa phương. Lựa chọn nào có tác động kinh tế tích cực nhất trong các dự án công đã rõ ràng.[12]

Nói cho cùng, phát triển kinh tế là tạo ra công ăn việc làm và bảo tồn di sản không chỉ tạo ra việc làm, nó tạo ra nhiều việc làm tốt. 

Lượt xem:  703 Bản in Quay lại

Video Clip

This text will be replaced

Thư viện hình ảnh

Liên kết website

Thăm dò ý kiến

Theo bạn giao diện website này như thế nào

Thống kê truy cập

Tổng lượt truy cập:    
Số người đang truy cập: