Bạn đọc Lã Ngọc Hạnh (Sóc Trăng): Ðội ngũ cán bộ cơ sở ở nước ta ngày càng đông đảo. Trình độ, năng lực, phẩm chất, đạo đức của cán bộ cấp cơ sở cũng từng bước được nâng lên. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức làm việc ở cấp xã, phường có trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. Nhiều địa phương triển khai thí điểm việc đưa sinh viên tốt nghiệp đại học về công tác tại địa bàn xã, phường, nhằm khuyến khích các trí thức trẻ chủ động, sáng tạo trong việc ứng dụng những kiến thức học được từ nhà trường vào thực tế cuộc sống. Qua mô hình thí điểm này, nhiều trí thức trẻ góp phần không nhỏ thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển, thực hiện hiệu quả công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Trên đây là những mô hình thí điểm, còn thực tế ở nhiều địa phương, tình trạng sử dụng cán bộ là người về hưu vẫn phổ biến. Nhiều cán bộ tham gia cấp ủy, mặt trận, đoàn thể, dân phòng ở xã, phường khi đã 60, 70 tuổi, nghĩa là những người đó đều đã về hưu, vẫn được mời tham gia các chức danh cán bộ ở cấp cơ sở.
Bạn đọc Trương Hương Lan (Thừa Thiên - Huế): Cán bộ xã, phường, thôn, xóm, tổ dân phố hiện nay thường là kiêm nhiệm. Có khi một người giữ vài ba chức vụ, như đồng thời tham gia cả cấp ủy, chính quyền, chủ nhiệm hợp tác xã; có người vừa là cán bộ mặt trận, vừa là đại diện Hội Nông dân, Cựu chiến binh... Do tình trạng sử dụng cán bộ không chuyên, chắp vá, tùy tiện mà chất lượng, hiệu quả công việc còn thấp. Có cán bộ tư pháp, hộ tịch của xã, phường, thị trấn mà khi viết văn bản, giấy tờ còn mắc lỗi chính tả. Nhiều cán bộ dân phòng, địa chính, trật tự xây dựng ở cấp cơ sở thiếu hiểu biết pháp luật, dẫn đến khi thực thi nhiệm vụ thường xảy ra sai sót, nhầm lẫn đáng tiếc. Nhất là trong lĩnh vực quản lý đất đai, cấp giấy phép xây dựng, xử lý vi phạm hành chính về giao thông, trật tự đô thị. Chế độ, chính sách, mức phụ cấp, thù lao cho những cán bộ làm công tác ở cấp cơ sở chưa thỏa đáng, thiếu thống nhất, cho nên không khuyến khích được đội ngũ này tích cực, hăng say công tác.
Bạn đọc Vũ Hoài Phương (Hải Dương): Hiện nay, thực trạng cơ cấu tổ chức, bộ máy chính quyền, đoàn thể ở cấp cơ sở đặt ra những vấn đề cần tiếp tục cải tiến. Có nhiều bộ phận còn chồng chéo, mâu thuẫn. Ở nhiều địa phương, bộ máy chính quyền cơ sở vẫn cồng kềnh, đội ngũ cán bộ vừa thừa, lại vừa thiếu, làm việc kém hiệu quả. Tại một số địa phương, một số bộ phận, cán bộ, nhân viên vất vả, làm không hết việc, nhưng ở nhiều khâu, nhiều địa bàn, không ít cán bộ chính quyền, đoàn thể cấp cơ sở hằng ngày đến trụ sở tập trung ngồi uống nước, nói chuyện phiếm, rồi lảng vảng đi đâu đó cho hết thời gian. Một số trường hợp còn vi phạm quy trình giải quyết công việc, cán bộ xã, thôn tùy tiện mang giấy tờ, con dấu về nhà trực tiếp xử lý hồ sơ cho người dân.