Đạo đức của người công chức
Đạo đức của người công chức (11/05/2015)
Theo cách hiểu thông thường hiện nay, công chức là người có chức phận làm việc công, tức là những người làm việc trong bộ máy công quyền, bộ máy nhà nước. Trong thể chế chính trị nước ta, Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất cầm quyền nên công chức trong bộ máy nhà nước hầu hết là cán bộ, đảng viên của Đảng.

 Trong bối cảnh hiện nay, cùng với sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức và lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên của Đảng là sự xuống cấp tư tưởng, đạo đức và lối sống của một bộ phận không ít công chức nhà nước. Nếu như sự suy thoái của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên kể cả một số cán bộ chủ chốt các cấp đang là "một nguy cơ lớn liên quan đến sự sống còn của Đảng và của chế độ” (Văn kiện Đại hội X) thì sự tha hoá của một bộ phận không ít cán bộ, công chức rất đáng lo ngại. Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội tại kỳ họp lần thứ năm khóa XI khẳng định: "Bộ máy nhà nước làm việc kém hiệu lực và tình trạng tha hoá ngày càng nghiêm trọng, gây bất bình trong nhân dân (...) nhiều chủ trương chính sách bị biến dạng qua các tầng nấc hành chính, cơ quan nhà nước vẫn "hành dân là chính” sự tha hoá trong bộ máy và đội ngũ cán bộ không giảm (...). Điều đó lại càng nguy hiểm khi bộ máy hành chính của nước ta vừa quan liêu vừa tham nhũng, tạo kẽ hở cho sự hình thành các mối quan hệ theo kiểu đường dây (...). 

Để khắc phục tình trạng trên, chúng ta kỳ vọng vào việc đẩy mạnh "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Do vậy cần suy ngẫm sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức của người công chức, từ đó mỗi công chức tự ý thức để hành xử cho phù hợp với vị thế xã hội của mình.

Hồ Chí Minh rất đề cao vị thế xã hội của công chức nhà nước thông qua việc đề cao vị thế của bộ máy nhà nước, của Chính phủ, đó là những người "dẫn đường” cho nhân dân, cho xã hội. Trong bức thư gửi Uỷ ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng ngày 17-10-1945, Người viết: "Nếu không có nhân dân thì Chính phủ không đủ lực lượng. Nếu không có Chính phủ thì nhân dân không có ai dẫn đường”. Vị thế của người dẫn đường trong đời sống xã hội là vị thế cao quý, vị thế đó chỉ dành cho người có những phẩm chất hơn người và do vậy rất đáng được tôn vinh (tất nhiên cũng là niềm ao ước của nhiều người trong xã hội). Người cầm quyền, người dẫn đường theo Hồ Chí Minh cũng chính là "công bộc” của nhân dân. Công bộc là người phục vụ, người "đầy tớ” nhân dân vừa là trách nhiệm,vừa là danh dự cao quý. Bởi phục vụ nhân dân, phụng sự cho lợi ích chung của cộng đồng, của xã hội là phẩm giá mang tính tộc loại chỉ có ở con người (loài người). Còn chỉ biết đến lợi ích, nhu cầu bản thân mỗi cá thể (hay mỗi cá nhân) thì ở các loài động vật bản năng ấy mạnh hơn con người.

Để xứng đáng với vị thế xã hội của người lãnh đạo, người đầy tớ của nhân dân thì người cán bộ công chức phải biết tự ý thức giữ gìn địa vị và nâng cao phẩm giá của mình tức là phải biết tu dưỡng đạo đức cá nhân. Muốn tu dưỡng đạo đức cá nhân cần phải biết liêm sỉ. Biết liêm sỉ là tự biết xấu hổ, biết hổ thẹn trước những hành động sai trái không đúng với lương tâm, không đúng với vị thế của mình và sự kỳ vọng của xã hội. Vì liêm sỉ, người cán bộ, công chức phải biết vượt qua khát vọng quyền lực hoặc từ bỏ địa vị, quyền lực nếu không xứng đáng. Người cán bộ, công chức, đề cao liêm sỉ là phải biết đề cao giá trị nhân cách, đặt phẩm chất tinh thần cao hơn nhu cầu vật chất, coi danh dự như là linh hồn, như phẩm giá cá nhân (nhân cách nghĩa rộng). Địa vị xã hội càng cao, phẩm chất đó càng phải tương xứng. Cách đây hơn bảy trăm năm, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn trong Hịch tướng sỹ đã viết: "Chẳng những thân ta kiếp này chịu nhục mà tiếng xấu ngàn năm sau khôn rửa” (nếu thua giặc); Chẳng những thanh danh của ta kiếp này được sáng rõ mà tiếng thơm còn lưu đến muôn đời” (khi thắng lợi). Ông là tấm gương hi sinh lợi ích gia đình, lợi ích bản thân để phụng sự đất nước, đoàn kết quân dân nhà Trần bảo vệ độc lập dân tộc. Ông là một nhân cách lớn vượt thời đại vì ông đã biết tự ý thức về danh dự của một vương gia, một danh tướng và trước hết là của một con người.

Người cán bộ, công chức biết liêm sỉ là người phải nói đi đôi với làm, nói thì phải làm, không nói một đằng làm một nẻo, nói nhiều làm ít và đặc biệt là không trí trá hai mặt, không lẩn tránh trách nhiệm, không tư biện, không nguỵ biện trước những sai lầm, khuyết điểm của mình.

Chính vì vậy, trong Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: "Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi cán bộ và đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, phải thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Theo Sở Nội Vụ Quảng Nam

Lượt xem:  750 Bản in Quay lại

Tin đã đưa