1. Kiến nghị điều chỉnh quy định về BHXH một lần
Chính phủ nhất trí kiến nghị Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh Luật BHXH 2014 theo hướng nếu người lao động chưa đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu thì:
- Được quyền lựa chọn hưởng BHXH một lần như quy định của Luật BHXH 2006; hoặc
- Được bảo lưu thời gian đã đóng BHXH để tiếp tục đóng BHXH bắt buộc hoặc BHXH tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng khi hết tuổi lao động.
Nội dung trên được đề cập tại Nghị quyết 25/NQ-CP ngày 05/04/2015.
2. Quy định mới về miễn, giảm tiền sử dụng đất
Theo Quyết định 11/2015/QĐ-TTg , mức miễn, giảm tiền sử dụng đất trong hạn mức giao đất ở đối với hộ gia đình, cá nhân được giao đất không đúng thẩm quyền trước ngày 15/10/1993 cụ thể như sau:
- Miễn tiền sử dụng đất trong hạn mức giao đất ở đối với hộ gia đình, cá nhân tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo.
- Giảm 50% tiền sử dụng đất theo mức thu quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 8 Nghị định 45/2014/NĐ-CP trong hạn mức giao đất ở đối với hộ gia đình, cá nhân tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01/06/2015.
3. Điều kiện công nhận tiến bộ kỹ thuật ngành nông nghiệp
Từ ngày 10/05/2015, Thông tư 13/2015/TT-BNNPTNT bắt đầu có hiệu lực và thay thế Quyết định 86/2008/QĐ-BNN .
Theo đó, để được công nhận tiến bộ kỹ thuật ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Đối với tiến bộ kỹ thuật tạo ra công nghệ, giải pháp mới:
+ Có tính mới, tính sáng tạo, tính ổn định và cạnh tranh cao;
+ Sản phẩm phải được chứng nhận chất lượng đạt yêu cầu, giảm thiểu tác động đến môi trường, khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên, có triển vọng mở rộng sản xuất, góp phần ổn định an sinh xã hội.
- Đối với tiến bộ kỹ thuật tạo ra công nghệ, sản phẩm nhằm cạnh tranh hoặc thay thế sản phẩm tương tự đã có được công nhận trong thời gian gần nhất, ngoài điều kiện trên phải đáp ứng: Tiết kiệm tối thiểu 5% chi phí sản xuất; năng suất vượt trên 10%.
4. Điều kiện được cấp phép hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân
Theo Thông tư 04/2015/TT-NHNN , để được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động quỹ tín dụng nhân dân thì phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Có vốn điều lệ tối thiểu bằng mức vốn pháp định theo quy định của Chính phủ tại thời điểm đề nghị cấp Giấy phép.
- Có tối thiểu 30 thành viên đáp ứng quy định tại Điều 31 Thông tư này, có đủ năng lực tài chính để tham gia góp vốn thành lập quỹ tín dụng nhân dân.
- Người quản lý, thành viên Ban kiểm soát đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 20, Điều 23 và Điều 24 Thông tư này.
- Cơ cấu tổ chức của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát phù hợp với quy định của Luật các tổ chức tín dụng và Thông tư này.
- Có Điều lệ phù hợp với quy định tại Luật các tổ chức tín dụng, Luật Hợp tác xã và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Có Đề án thành lập, phương án kinh doanh khả thi trong 03 năm đầu hoạt động.
Thông tư 04 có hiệu lực từ ngày 01/06/2015.
5. Phí thẩm định kinh doanh thương mại cá tra
Từ ngày 23/05/2015, sẽ thu phí thẩm định kinh doanh thương mại cá tra với mức là 100.000 đồng/01 hợp đồng xuất khẩu/01 lần thẩm định (đã bao gồm thuế GTGT).
Tổ chức, cá nhân có thể nộp phí bằng tiền mặt hay chuyển khoản vào tài khoản của Hiệp hội Cá tra Việt Nam.
Nội dung trên được đề cập tại Thông tư 46/2015/TT-BTC .
6. Lộ trình đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông
Ngày 27/03/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 404/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông. Theo đó, lộ trình đổi mới như sau:
- Giai đoạn 1 (04/2015 – 06/2016): Tuyên truyền đổi mới chương trình, SGK; thành lập Ban chỉ đạo thực hiện; chuẩn bị điều kiện để tổ chức thực nghiệm SGK do Bộ Giáo dục & Đào tạo tổ chức biên soạn…
- Giai đoạn 2 (07/2016 – 06/2018): Biên soạn, thẩm định, thực nghiệm, phê duyệt và phát hành ít nhất 01 bộ SGK mới của lớp 1, lớp 6 và lớp 10; tập huấn, bồi dưỡng giáo viên để thực hiện chương trình mới này…
- Giai đoạn 3 (07/2018 – 12/2023):
+ Từ năm học 2018 – 2019, bắt đầu triển khai áp dụng chương trình mới, SGK mới theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, THCS và THPT.
+ Tiếp theo sẽ biên soạn, thẩm định, thực nghiệm, phê duyệt và phát hành SGK mới của các lớp còn lại…
7. Điều kiện để người Lào di cư nhập quốc tịch Việt Nam
Người Lào di cư sang các huyện của Việt Nam tiếp giáp với đường biên giới quốc gia Việt - Lào thuộc đối tượng được phép cư trú tại Việt Nam muốn nhập quốc tịch Việt Nam thì phải đáp ứng các điều kiện:
- Tự nguyện có đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam.
- Tự nguyện tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam.
- Không vi phạm pháp luật hình sự.
- Có cuộc sống ổn định, có nhà cửa tài sản cố định, có đất canh tác tại nơi đang cư trú.
- Không phải là người đang bị truy nã hoặc đang phải thi hành án theo quy định của pháp luật Việt Nam.
- Có tên gọi Việt Nam (do người xin nhập quốc tịch lựa chọn và ghi rõ trong Đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam).
Nội dung trên được quy định tại Thông tư 03/2015/TT-BTP (có hiệu lực từ 16/05/2015).
Thông tư này hết hiệu lực khi Thoả thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Lào về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước chấm dứt hiệu lực.