HÀNH TRÌNH PHÁT TRIỂN CẨM KIM
uct
du lịch, tour du lich
HÀNH TRÌNH PHÁT TRIỂN CẨM KIM (15/07/2020)
Trong chiến lược phát triển du lịch của Quảng Nam, TP.Hội An được xác định là trọng điểm của vùng Đông Bắc tỉnh, trong đó Cẩm Kim có vai trò là cầu nối giữa Di sản văn hóa đô thị cổ Hội An với các vùng phía Nam sông Thu Bồn như Bàn Thạch, Trà Nhiêu, di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn… Do vậy Cẩm Kim có sức hút và lan tỏa sâu rộng trong tương lai. Nghị quyết của HĐND thành phố xác định xây dựng và phát triển làng quê - làng nghề sinh thái Cẩm Kim chính là góp phần quan trọng để xây dựng và phát triển Hội An.

Cẩm Kim là địa phương có tiềm năng, lợi thế về không gian, cảnh quan, về vị thế phát triển và văn hóa nhân văn khá dồi dào, có khả năng đáp ứng yêu cầu cho việc xây dựng làng quê, làng nghề sinh thái, phù hợp với định hướng xây dựng Hội An – thành phố sinh thái, văn hóa và du lịch. Là xã cù lao nằm bên bờ Nam hạ lưu sông Thu Bồn thuộc vùng đệm của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An, Cẩm Kim có hệ động thực vật, hệ sinh thái phong phú. Hệ thống sông rạch, mặt tiếp xúc sông khá lớn, cộng với các đặc trưng của mô hình làng quê sông nước như cồn bãi, công trình kiến trúc cổ, đường làng, rặng tre, đồng lúa… còn tương đối nguyên vẹn – là giá trị tài nguyên vô cùng lớn để Cẩm Kim có thể khai thác, phát triển du lịch sinh thái, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

Cơ sở đóng sửa tàu thuyền của ông Võ Xuân Phương. Ảnh sưu tầm

*Từ nông nghiệp:

Trong giai đoạn 2017 – 2020 nông nghiệp tiếp tục được xác định là ngành kinh tế chủ đạo của Cẩm Kim, lấy kinh tế hộ làm nòng cốt phát triển theo hướng đa ngành nghề, phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp an toàn, sạch và có giá trị tăng cao. Bên cạnh việc giữ ổn định diện tích đất sản xuất lúa cần mở rộng diện tích các loại cây trồng đã được khẳng định như: loại cây thực phẩm (bắp nếp, ớt, rau màu…), loại cây cây ăn quả (dưa hấu, đu đủ, mít, chuối…), cây công nghiệp (bông, lạc, cói…). Phát triển diện tích nông nghiệp hữu cơ với nhiều nhóm cây trồng và vật nuôi thích hợp, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và hiệu quả kinh tế. Trong sản xuất nông nghiệp còn có chăn nuôi, khai thác thủy sản… cũng được xác định phát triển theo hướng sạch, an toàn. Đồng thời sản xuất nông nghiệp ở Cẩm Kim phát triển phải gắn với việc cung cấp nguyên liệu để phục vụ các nghề thủ công truyền thống và dịch vụ du lịch. Đối với ngành tiểu thủ công nghiệp cần phát huy thế mạnh của làng nghề mộc Kim Bồng và các cụm xưởng nghề truyền thống, gắn kết với phục vụ du lịch. Trong giai đoạn hiện nay, thành phố xác định Cẩm Kim vẫn phát triển theo hướng bảo tồn những giá trị đang có. Kinh tế thì phát triển nông nghiệp vẫn là chủ đạo nhằm tạo điều kiện cho du lịch phát triển, giữa nông nghiệp và du lịch phải có sự gắn kết với nhau, hỗ trợ cho nhau để thúc đẩy phát triển nâng cao giá thành sản phẩn nông nghiệp từ du lịch, trong đó phát huy những cây trồng đặc hữu của địa phương như cây lúa, cây bắp, hiện nay có thêm cây ớt và một số cây trồng khác phù hợp thì cũng cần mạnh dạn chuyển đổi một số cây trồng trên những diện tích không đảm bảo nước tưới cho sản xuất cây lúa. Bên cạnh đó là phát triển những ngành nghề TTCN, lấy nghề mộc Kim Bồng làm trọng tâm. Ngày xưa thì với nghề mộc gia dụng, mộc kiến trúc, mộc đóng sửa ghe thuyền thì ngày nay phát triển thêm nghề mộc điêu khắc nghệ thuật thành những mặt hàng lưu niệm để phục vụ đáp ứng nhu cầu của du khách.

Nhà thờ tộc Phan Xuân. Ảnh sưu tầm

*Đến du lịch:

Về với Cẩm Kim còn phải nói là về với làng mộc truyền thống Kim Bồng vốn nổi tiếng từ xa xưa, tích hợp nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Trong năm qua, thành phố đã giao cho trung tâm văn hóa thể thao, truyền thanh truyền hình thành phố đảm nhiệm xây dựng và triển khai đề án khôi phục làng nghề truyền thống Kim Bồng, tuy nhiên, chưa được đưa vào hoạt động do ảnh hưởng của đại dịch Covid -19. Năm 2016 làng Mộc Kim Bồng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào tháng 11, nghề mộc Kim Bồng chắc chắn là tiềm năng, lợi thế đặc trưng của Cẩm Kim trong quá trình phát triển ngành TTCN và du lịch dịch vụ trong thời gian tới. Đặc biệt, Cẩm Kim nằm kề cận khu đô thị cổ Hội An – di sản văn hóa thế giới, vừa là hành lang kết nối vừa là vành đai mở rộng không gian phát triển du lịch của Hội An. Đây là những lợi thế cơ bản để lựa chọn định hướng phát triển ngành kinh tế du lịch ở Cẩm Kim trong những năm sau 2020. “Đến thời gian sau năm 2020 dần dần phấn đấu đưa ngành kinh tế du lịch dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của xã với mục đích là khai thác tối đa những tiềm năng lợi thế về sinh thái, văn hóa, nhân văn của xã để phát triển”, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Ánh nói.

Du lịch ở Cẩm Kim được xác định chủ yếu là phát triển du lịch cộng đồng lấy người dân làm trung tâm, khai thác mạnh các sản phẩm du lịch sinh thái, làng quê, làng nghề, giữ gìn môi trường sinh thái và các giá trị văn hóa đặc trưng, khai thác mô hình du lịch làng nghề, du lịch cộng đồng, trải nghiệm văn hóa bản địa… Hiện nay thành phố đã có chính sách tiếp tục đầu tư về cơ sở hạ tầng, tổ chức lại không gian làng nghề mộc Kim Bồng, không gian các làng nghề truyền thống ở nông thôn như: đóng sửa tàu thuyền, đan chiếu, may mặc, làm mì, làm bánh tráng… Không gian các làng nghề phải là không gian “sống” gắn với các dịch vụ phục vụ trải nghiệm của du khách khi đến tham quan, khám phá. Bên cạnh đó, lãnh đạo thành phố còn yêu cầu chú trọng bảo vệ, cải tạo không gian cảnh quan để tạo không gian phát triển kinh tế, trọng tâm đó là cảnh quan nông nghiệp, cảnh quan nông thôn, cảnh quan làng nghề và cảnh quan sông nước, cồn bãi. “Duy nhất Cẩm Kim là một địa phương đến thời điểm hiện tại còn hội đủ những điều kiện cần thiết về nguồn dự trữ tài nguyên rất là quý về mặt không gian phát triển của Hội An. Nếu chúng ta giữ được những cái gì tốt đẹp nhất của Cẩm Kim thì sẽ đem lại sự đổi thay và lợi ích rất lớn không chỉ cho dân Cẩm Kim mà cho cả Hội An. Và du lịch Cẩm Kim chính là du lịch nông nghiệp chứ không có du lịch gì khác”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng xác định.

Với hành trình phát triển từ kinh tế nông nghiệp là chủ đạo sang du lịch – dịch vụ - thương mại là mũi nhọn, lãnh đạo thành phố xác định mục tiêu của Cẩm Kim đến năm 2025 là: xác lập mô hình làng sinh thái, văn hóa, du lịch Cẩm Kim phát triển bền vững theo định hướng “Làng quê – Làng nghề sinh thái”, trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố Hội An.

 

Sưu tầm tổng hợp

Lượt xem:  1,098 Bản in Quay lại

Tin đã đưa

Văn bản mới

banner van ban trung uong

Video Clip

This text will be replaced

Thư viện hình ảnh

Website các phòng ban - xã phường