Hướng đến sự phát triển thịnh vượng khu vực châu Á - Thái Bình Dương
uct
du lịch, tour du lich
Hướng đến sự phát triển thịnh vượng khu vực châu Á - Thái Bình Dương (22/10/2017)
Cam kết tiếp tục tập trung vào những hoạt động ưu tiên và hợp tác quốc tế về tài chính, tìm kiếm các giải pháp nhằm đối phó với các thách thức toàn cầu và khu vực, hướng tới sự ổn định và liên kết tài chính bền vững trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương chính là những nội dung được bàn thảo tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017 (FMM 2017) khai mạc sáng 21.10 tại khách sạn Palm Garden Resort (TP.Hội An).

Hướng đến sự phát triển thịnh vượng khu vực châu Á - Thái Bình Dương

;
Thứ Bảy, 21/10/2017, 16:00 [GMT+7]

 

bvc
Các đại biểu chủ trì phiên khai mạc. Ảnh: T.D

Hội nghị có sự tham dự của các Bộ trưởng Tài chính, Trưởng đoàn và đại biểu cấp cao đại diện 21 nền kinh tế thành viên APEC và các tổ chức tài chính quốc tế (IMF, WBG, ADB, OECD). Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu và Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cũng tham dự phiên khai mạc.

Tìm kiếm giải pháp, đối phó thách thức toàn cầu

Sau khá nhiều hội nghị liên quan kể từ tháng 2.2017, các vấn đề về kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế, hợp tác tài chính trong khu vực và toàn cầu với những thách thức và chính sách ứng phó phù hợp một lần nữa đã được đem ra tranh biện tại FMM. Những khuyến nghị thông qua cuộc đối thoại với Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) cũng để nhằm mục đích tăng cường sự đóng góp của khu vực tư nhân vào Tiến trình Bộ trưởng Tài chính. Theo Bộ Tài chính, hợp tác tài chính là một trong các trụ cột của APEC. APEC 2017 là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược đổi mới Tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC do Bộ Tài chính Việt Nam chủ trì Tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC 2017. Việc triển khai 4 sáng kiến hợp tác tài chính APEC Việt Nam 2017 vừa gắn với ưu tiên quốc gia, vừa thực hiện hiệu quả Chiến lược đổi mới Tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC, hướng tới lợi ích thiết thực cho toàn khu vực.

Đại biểu các nền kinh tế thành viên APEC tham dự hội nghị. Ảnh: T.D
Đại biểu các nền kinh tế thành viên APEC tham dự hội nghị. Ảnh: T.D

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Đinh Tiến Dũng các trụ cột ưu tiên quốc gia và Kế hoạch hành động Cebu được các Bộ trưởng Tài chính APEC thông qua năm 2015 đã được cụ thể hóa trong kênh hợp tác tài chính APEC bằng 4 sáng kiến cụ thể. Thứ nhất là đầu tư dài hạn cơ sở hạ tầng. Sáng kiến này nhấn mạnh vào vai trò của cơ chế tài chính, đặc biệt là cơ chế chia sẻ rủi ro trong việc xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng thông qua hình thức PPP khả thi. Thông qua đó, sẽ thúc đẩy việc phát triển các dự án PPP trong khu vực. APEC 2017 tiếp tục khẳng định cam kết mạnh mẽ của các Bộ trưởng Tài chính tăng cường đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng mang tính bền vững, nhất là thu hút các nguồn đầu tư dài hạn cho hạ tầng từ các nhà tài trợ tổ chức trong khu vực, tối đa hóa vai trò PPP thông qua việc đánh giá khung chính sách về cơ sở hạ tầng, phân tích các thông lệ tốt về chia sẻ rủi ro trong đầu tư cơ sở hạ tầng. Mặt khác, hình thức PPP sẽ giúp khu vực công vừa giảm áp lực về vốn đầu tư, đồng thời tận dụng được kiến thức, kinh nghiệm và hiệu quả hoạt động của khu vực tư. Việc chia sẻ kinh nghiệm triển khai của các nền kinh tế áp dụng thành công các dự án PPP như Australia, Nhật Bản, và Peru trong diễn đàn APEC thực sự hữu ích.

Thứ hai, xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) - thực chất là hành vi trốn thuế của người nộp thuế, doanh nghiệp thông qua việc lợi dụng khoảng trống và những hạn chế trong chính sách thuế tại những nước nơi doanh nghiệp tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh để chuyển lợi nhuận sang những nước/vùng lãnh thổ có mức thuế suất thấp hơn hoặc bằng không. Thứ ba là tài chính và bảo hiểm rủi ro đang là vấn đề đau đầu của các nền kinh tế thành viên. Thực tế, Việt Nam là một trong 5 quốc gia có rủi ro thiên tai cao nhất thế giới, dẫn tới chịu tổn thất nghiêm trọng về kinh tế. Việc xây dựng, phát triển các hệ thống giải pháp tài chính mới về quản lý rủi ro và chuyển giao rủi ro thiên tai là rất cần thiết. Theo nhận định của các quan chức cấp cao nền kinh tế thành viên APEC, giải pháp về bảo hiểm là giải pháp hữu hiệu, giúp giảm nhẹ gánh nặng về ngân sách nhà nước và chuyển giao rủi ro ra thị trường quốc tế. Và tài chính toàn diện là vấn đề cuối cùng được cụ thể hóa. Kết quả điều tra của các nền kinh tế thành viên APEC cho biết tại hầu hết các nền kinh tế đang phát triển, tài chính vi mô còn chưa thực sự phát triển. Chất lượng dịch vụ và số lượng sản phẩm tài chính vi mô còn nhiều hạn chế.

Vì một khu vực thịnh vượng chung

Phát biểu tại phiên khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cho rằng không phải mọi thành viên trong xã hội đều được hưởng lợi từ quá trình toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại và đầu tư. Không ít khó khăn và thách thức, trong khi các nguồn lực, nhất là tài chính còn hạn hẹp. Nên đòi hỏi cần sự chung tay của cộng đồng kinh tế này để vừa nỗ lực gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định và chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác sáng tạo, hiệu quả để cùng phát triển thịnh vượng và bền vững. Chính phủ Việt Nam trên tinh thần kiến tạo phát triển, hành động quyết liệt, phục vụ người dân, doanh nghiệp, sẽ tiếp tục đổi mới, cơ cấu lại nền kinh tế, đặc biệt là khu vực tài chính, theo hướng nâng cao hiệu quả, chất lượng và sức cạnh tranh, tăng trưởng bền vững và bao trùm. Với tư cách Chủ tịch FMM 2017, Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Đinh Tiến Dũng cho rằng các vấn đề thảo luận tại FMM đều là những thách thức quan trọng trong khu vực. Vấn đề này đòi hỏi nỗ lực hợp tác của tất cả nền kinh tế thành viên APEC, tìm kiếm và chia sẻ các giải pháp, kinh nghiệm tốt, giúp các nến kinh tế thành viên, đặc biệt là các nền kinh tế đang phát triển, ứng phó một cách có hiệu quả với những khó khăn, thách thức, góp phần vào sự phát triển chung của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Đại biểu chụp hình
Đại biểu chụp hình lưu niệm. Ảnh: T.D

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, việc ưu tiên hợp tác tìm hiểu về cơ chế chia sẻ rủi ro trong các dự án PPP sẽ giúp giải quyết vấn đề then chốt còn tồn tại của các dự án PPP chưa thành công tại Việt Nam. Hiện tại Việt Nam và các nền kinh tế đang phát triển có nhu cầu đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng và tăng cường xã hội hóa các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ngày càng lớn. Không chỉ vậy, ngày càng bị ảnh hưởng nguồn thu chính đáng từ hành vi trốn thuế được thể hiện rõ nhất qua chuyển giá hay các giao dịch qua biên giới trong lĩnh vực thương mại điện tử. BEPS hiện là vấn đề mang tính toàn cầu nên khả năng ngăn chặn BEPS bằng các biện pháp đơn phương và song phương như hiện nay không khả thi do số lượng các công ty đa quốc gia ngày càng tăng, quy mô lớn và giao dịch phức tạp.

Tất cả những nội dung thông qua một tuyên bố chung trình lên APEC 2017, chính thức cam kết tiếp tục tăng cường tiếp cận nguồn vốn và dịch vụ tài chính cho cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Động lực mới về tài chính đã được bàn thảo không chỉ giúp ngân sách nhà nước có thêm các nguồn lực đầu tư phát triển được huy động từ khu vực tư nhân, nâng cao tính bền vững tài chính, mà còn hỗ trợ nâng cao năng lực thể chế và quản lý thực thi chính sách của các chính phủ trong việc triển khai chiến lược phát triển kinh tế, tận dụng cơ hội và đối diện với thách thức từ hợp tác và hội nhập khu vực và toàn cầu. Ngược lại, khu vực tư nhân cũng sẽ được hưởng lợi ích từ các sáng kiến phục vụ cải thiện cơ sở hạ tầng, tăng cường khả năng ứng phó với thiên tai, và dễ tiếp cận hơn các nguồn vốn và dịch vụ tài chính vi mô cho hoạt động kinh doanh và cuộc sống dân sinh.

TRỊNH DŨNG (baoquangnam.vn)

 

Lượt xem:  1,116 Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 11 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn bản mới

banner van ban trung uong

Video Clip

This text will be replaced

Thư viện hình ảnh

Website các phòng ban - xã phường