Văn hóa và Thông tin trước Cách mạng tháng 8
uct
du lịch, tour du lich
Văn hóa và Thông tin trước Cách mạng tháng 8 (21/08/2015)
Văn hóa và thông tin là hai ngành trọng yếu của công tác tư tưởng của Đảng, góp phần đắc lực vào sự nghiệp cách mạng, xây dựng con người mới, nền văn hóa mới Việt Nam.
Trước khi có Đảng, từ hồi còn là tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí hội, Bác Hồ chính là người chiến sĩ cộng sản đã dùng vũ khí văn hóa và thông tin, mà tiêu biểu là báo Người cùng khổ năm 1922, tác phẩm Bản án chế độ thực dân năm 1925, Đường kách mệnh năm 1929… cùng với người cộng sản Việt Nam đầu tiên khéo kết hợp việc tuyên truyền cổ động chính trị với nhiều hình thức linh hoạt, phong phú để giáo dục lòng yêu nước, nâng cao giác ngộ của quần chúng, tổ chức quần chúng đấu tranh giành quyền lợi, tiến lên giải phóng dân tộc.

Nhờ đó mà dấy lên cao trào cách mạng cả nước trong hai năm 1930-1931 mà đỉnh cao là nổi trống Xô Viết, giương cao ngọn cờ đỏ Búa Liềm, vang lên bài hát cách mạng Cùng nhau đi hồng binh, tán phát rộng rãi truyền đơn, sách báo, tài liệu cách mạng, làm nổ ra dồn dập nhiều cuộc biểu tình của hàng ngàn người lập Chính quyền Xô viết ở nhiều nơi trong hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh năm 1930, báo trước một thời đại mới ra đời.

Tuy bị đế quốc Pháp đàn áp dã man, phong trào cách mạng đã phải lắng xuống nhưng nắm được thời cơ, phong trào Mặt trận bình dân ở Pháp ra đời tháng 1/1936, Đảng ta lại dấy lên phong trào đấu tranh đòi dân chủ, dân sinh vừa công khai, hợp pháp, vừa bí mật hoạt động.

Hàng ngày, báo chí công khai tuyên truyền, quần chúng mít tinh hưởng ứng phong trào Đại hội Đông Dương tháng 7/1936 từ Nam ra Bắc, khiến bọn phản động thuộc địa phải tìm mọi cách để ngăn chặn phong trào.
Từ năm 1937, hàng chục tờ báo của Đảng, của Mặt trận dân chủ và đoàn thể Thanh niên, Công nhân… nối tiếp nhau ra đời ở cả Bắc Trung Nam(1). Tờ Tin tức và tờ Dân chúng của Đảng phát hành hàng ngày từ 5.000 đến 15.000 bản.

Nhiều tập sách giới thiệu chủ nghĩa Mác-Lênin và giải thích những chính sách mới của Đảng được xuất bản như cuốn Vấn đề dân cày của Qua Ninh (Trường Chinh) và Vân Đình (Võ Nguyên Giáp), cuốn Chủ nghĩa Các Mác của Hải Triều và nhiều bài báo tranh luận chung quanh vấn đề Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh của nhiều đồng chí; nhiều cuốn sách giới thiệu Liên Xô, cách mạng Trung Quốc, Mặt trận nhân dân Pháp và Mặt trận nhân dân Tây Ban Nha, thơ Tố Hữu; những tác phẩm có giá trị của nhiều nhà văn tiến bộ như Tắt đèn, Việc làng của Ngô Tất Tố, Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan…

Một mạng lưới phát hành sách báo cách mạng được tổ chức rộng khắp cả nước. Ở Hà Nội có hiệu sách Đồng Xuân và nhà in Le Progrés. Ở Huế có Nhà Xuất bản và Hiệu sách Hương Giang, Thuận Hóa. Ở Đà Nẵng có hiệu sách Việt Quang. Ở Sài Gòn có Nhà sách Tân văn hóa. Những hiệu sách này đồng thời là cơ quan liên lạc của Đảng. Ở các tỉnh khác, thị xã, huyện đều có Chi nhánh và Đại lý bán sách báo cách mạng. Quần chúng lập ra các nhóm, hội mua và đọc sách báo; lập các thư viện bình dân.

Cuối năm 1937, Đảng lại phát động phong trào truyền bá quốc ngữ, làm cho nó nhanh chóng trở thành cơ sở hoạt động công khai khắp thành thị và nông thôn cho đến ngày khởi nghĩa tháng 8/1945.

Đỉnh cao là cuộc mít tinh trên 25.000 người, kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 01/5/1938 tại Khu Đấu xảo (nay là Cung văn hóa Hữu nghị) đòi tự do nghiệp đoàn; tự do dân chủ; chống phát xít và chiến tranh; chống nạn sinh hoạt đắt đỏ; thi hành triệt để Luật xã hội… Mọi người đều hàng ngũ chỉnh tề, huy hiệu trên ngực, khẩu hiệu trên mũ, nón đi qua các đường phố hô vang những khẩu hiệu cách mạng để quần chúng ở các phố hô theo. Trên lễ đài trang nghiêm, giương cao 12 lá cờ đỏ lớn, vang dậy bài Quốc tế ca… tràn đầy niềm tin tất thắng.

Lúc này, bên dòng văn hóa cách mạng, còn có dòng văn hóa cải cách, có dòng cải cách tiến bộ, có loại nhân danh cải cách để truyền bá tư tưởng thỏa hiệp, cực đoan, phản động.

Bọn thực dân Pháp cũng bầy trò Kéc-mét (Chợ phiên), phong trào thanh niên Ducouroy, hòng mê hoặc, trụy lạc hóa thanh niên.

Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, thời cuộc thế giới và trong nước đã có nhiều biến đổi.

Ngày 8/2/1941, đồng chí Nguyễn Ái Quốc bí mật về nước ở vùng Pắc Bó (Cao Bằng).

Mặt trận Việt Minh ra đời ngày 25/10/1941, đánh dấu một bước ngoặt quyết định của cách mạng, đáp ứng lòng mong mỏi của mọi người. Sách, báo của Đảng, của Mặt trận và của các địa phương được xuất bản ngày càng nhiều và lưu truyền rộng rãi. Trung ương có các tờ Cờ giải phóng, Cứu quốc, Hồn nước, Tạp chí Cộng sản, Khu Cao Bắc Lạng có tờ Việt Nam Độc lập. Tin tức qua báo, qua truyền miệng được loan đi nhanh chóng.

Năm 1943, Đảng công bố Đề cương văn hóa Việt Nam. Bản đề cương nêu rõ: Văn hóa là một trong ba mặt trận cách mạng (kinh tế, chính trị và văn hóa), cần tập hợp các nhà văn hóa, văn nghệ, trí thức yêu nước chống lại văn hóa phát xít và phong kiến lạc hậu, xây dựng nền văn hóa cách mạng theo phương châm: Dân tộc, Khoa học, Đại chúng. Nhiều văn nghệ sĩ tiến bộ đã gia nhập Hội văn hóa cứu quốc. Ra đời một số tác phẩm lý luận như Văn học khái luận của Đặng Thái Mai, Sức sống của dân tộc Việt Nam trong ca dao và cổ tích của Nguyễn Đình Thi, một số sáng tác của Tô Hoài, Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng có khuynh hướng hiện thực phê phán… Những tác phẩm trên được phổ biến trong thanh niên, học sinh, sinh viên, có tác dụng giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước, chống lại văn hóa thực dân, nô lệ, phản động, tư tưởng thân Nhật, chống bọn Trốt xkít khiêu khích, phá hoại.

Cùng với sách, báo, thơ của Tố Hữu tiếp tục truyền bá và ăn sâu trong quần chúng. Ca khúc yêu nước và cách mạng nhất là các ca khúc của Lưu Hữu Phước đã trở thành phong trào ca hát trong giới thanh niên, sinh viên từ Nam chí Bắc, đặc biệt là bài Thanh niên hành khúc ca.

Các nhà tù của đế quốc đã biến thành trường học đào tạo cán bộ nòng cốt cho cách mạng tháng tám sau này. Các chiến sĩ cách mạng ta vẫn tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lê-nin, làm thơ, ca hát, diễn kịch, viết báo, dạy văn hóa, như tờ báo Suối reo, diễn kịch Lôi Vũ ở nhà tù Sơn La… Nhiều tập thơ đã truyền ra ngoài và sau cách mạng được in, phổ biến thành sách có giá trị tư tưởng và nghệ thuật.

Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính, Pháp đầu hàng. Không khí tiền khởi nghĩa sôi sục khắp nơi. Nhiều hoạt động trở thành công khai, nửa công khai như treo cờ, rải truyền đơn, căng biểu ngữ, viết khẩu hiệu, diễn thuyết xung phong trên xe điện, trong rạp hát; giữa chợ, các ngả đường… Cán bộ Việt Minh xuất hiện công khai gặp gỡ, vận động thanh niên, nhân sĩ, trí thức…

Cuộc mít tinh của chính quyền bù nhìn giao cho Tổng hội viên tổ chức ngày 17/8/1945 ở Hà Nội đã bất ngờ bị ta chiếm lĩnh, biến thành cuộc mít tinh, diễu hành, hô vang khẩu hiệu, giương cao cờ đỏ sao vàng của Việt Minh trên các đường phố, thu hút đông đảo quần chúng tham gia.

Từ đó dấy lên cao trào tổng khởi nghĩa 19/8/1945 bừng bừng khí thế trở thành Ngày hội cách mạng của toàn dân.

Văn hóa và thông tin thực sự đã đóng góp một vai trò đáng kể trong thắng lợi cách mạng tháng Tám.

CTTĐT
(Theo 50 năm ngành Văn hóa-Thông tin Việt Nam (28/8/1945-28/8/1995) của Bộ Văn hóa-Thông tin, xuất bản tháng 8/1995)

Theo CTTĐT Bộ VHTT và DL

Lượt xem:  2,644 Bản in Quay lại

Văn bản mới

banner van ban trung uong

Video Clip

This text will be replaced

Thư viện hình ảnh

Website các phòng ban - xã phường