Nâng tầm nghệ thuật truyền thống
Nâng tầm nghệ thuật truyền thống (04/05/2015)
Bền bỉ, kiên trì nhiều năm, Trung tâm VH-TT Hội An đã chú trọng đầu tư và tổ chức nhiều hoạt động bảo tồn và phát huy các loại hình văn hóa - nghệ thuật truyền thống phục vụ cho các hoạt động du lịch và văn hóa.

Cách làm riêng

Liên tục nhiều năm, Trung tâm VH-TT Hội An tổ chức mở lớp và đào tạo được nhiều mầm non hát dân ca tại các xã phường trên địa bàn thành phố. Hoặc phát hiện những nhân tố triển vọng từ hoạt động văn nghệ quần chúng giới thiệu vào làm việc tại cơ quan để gầy dựng lực lượng nòng cốt, làm hạt nhân cho phong trào văn hóa - văn nghệ tại địa phương. Từ năm 2004 đến nay, trung tâm còn có sáng kiến phối hợp với ngành GD-ĐT đưa chương trình dạy hát dân ca cho học sinh vào các trường THCS, mở lớp dạy nhạc cụ dân tộc cho các đối tượng yêu thích và có nhu cầu... Cô giáo Huỳnh Thị Kim Chi - Hiệu phó Trường THCS Nguyễn Du cho biết: “Nhờ các lớp dạy hát dân ca trong trường học do trung tâm phối hợp giảng dạy mà chúng tôi có điều kiện thuận lợi để truyền thụ cho các em những kiến thức sinh động về nghệ thuật dân tộc mang dấu ấn Quảng Nam, miền Trung và phát hiện kịp thời những em có năng khiếu hát dân ca, làm phong phú các chương trình biểu diễn văn nghệ trong nhà trường”.
Trò chơi diễn xướng bài chòi của Đoàn nghệ thuật Hội An tại sân khấu thành phố Sakai - Nhật Bản.                                                                                                            Ảnh: ĐỖ HUẤN
Trò chơi diễn xướng bài chòi của Đoàn nghệ thuật Hội An tại sân khấu thành phố Sakai - Nhật Bản. Ảnh: ĐỖ HUẤN
Bên cạnh đó, trung tâm luôn đề cao các tiết mục dân ca, các tác phẩm mang âm hưởng dân ca bằng các quy định bắt buộc trong các chương trình hội thi, hội diễn phối hợp với các đoàn thể, ban ngành tổ chức, hoặc tham gia dự thi cấp tỉnh, cấp khu vực và toàn quốc. Từ năm 2010, trung tâm còn mở các lớp dạy hát dân ca, dạy hô hát bài chòi... thường xuyên lồng ghép đưa các hoạt động: hát hò khoan đối đáp, biểu diễn nghệ thuật truyền thống vào hoạt động “Phố đêm” cũng như sự kiện “Đêm phố cổ” hàng tháng.  Ông Võ Phùng - Giám đốc Trung tâm VH-TT thành phố nhìn nhận: “Không chủ quan, tôi nghĩ đây là một việc làm sáng tạo và đầy nỗ lực của trung tâm trong việc góp phần định hướng thị hiếu, đặc biệt là giáo dục lòng yêu âm nhạc dân tộc trong lớp trẻ, đào tạo được lớp diễn viên, nhạc công kế cận hoạt động hiệu quả, góp phần giới thiệu, quảng bá cái hay, cái đẹp của nghệ thuật truyền thống dân tộc và quê hương đến với du khách trong cũng như ngoài nước”.
Vươn tầm
 Trò chơi diễn xướng bài chòi - một loại hình văn hóa phi vật thể quý giá của miền Trung tưởng chừng như đã mai một và thất truyền nhưng với cách làm riêng và hiệu quả từ năm 1998, Trung tâm VH-TT Hội An đã góp phần phục hồi và phát triển lên tầm cao mới. Hồ sơ nghệ thuật bài chòi - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đang trong quá trình xác lập để trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cũng được các chuyên gia và các nhà nghiên cứu thu thập thêm tư liệu và thực hiện những cảnh quay tại Hội An. Dường như du khách nào khi đặt chân đến tham quan Hội An cũng muốn được nghe hô hát và tham gia chơi bài chòi dù chỉ một lần. Năm 2005 và 2006, Trung tâm VH-TT Hội An cũng đã phối hợp với Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP.Đà Nẵng tổ chức ghi hình 12 chương trình trò chơi bài chòi nhằm phổ biến, giới thiệu nét đặc sắc của trò chơi bài chòi đến đông đảo khán giả xem truyền hình cả nước. Hồi sinh mạnh mẽ, vang tiếng muôn nơi, bài chòi Hội An không chỉ nhiều lần được mời giao lưu tại thủ đô Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Nẵng, Quảng Trị, Huế với khoảng 50 buổi/năm... mà còn được mang “đi đánh xứ người” ở: Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Hồng Kông - Trung Quốc, Ý, Đức, Hungary...
Biết chọn lọc và phát huy những giá trị đặc sắc, Trung tâm VH-TT Hội An đã đóng góp xứng đáng vào việc nâng tầm, quảng bá nghệ thuật truyền thống của dân tộc và quê hương. Không chỉ có nghệ thuật bài chòi mà các tiết mục hát bả trạo, múa Chăm, các điệu hò, điệu lý đất Quảng, trình tấu tác phẩm âm nhạc của các nước bạn bằng nhạc cụ dân tộc (đàn bầu, đàn nhị, sáo trúc)... trong các chương trình nghệ thuật do trung tâm dàn dựng và biểu diễn được khán giả và bè bạn các nước đánh giá cao.
Theo đánh giá của UBND thành phố, với năng lực tổ chức không ngừng được nâng cao và ngày càng bài bản cùng với hướng đi đúng về việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của Di sản văn hóa thế giới Hội An, Trung tâm VH-TT Hội An trở thành một trong số các đơn vị nòng cốt, chủ lực của thành phố thực hiện tốt nhiệm vụ tổ chức giao lưu, hợp tác văn hóa với các nước bạn. Trong đó, các hoạt động đã được tổ chức thành công mang dấu ấn Trung tâm VH-TT Hội An như: Lễ hội giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản; Liên hoan Hợp xướng quốc tế; Hội nghị cấp cao SOM III, Hội nghị Bộ trưởng Du lịch APEC…

Theo Hoian.gov.vn

Lượt xem:  622 Bản in Quay lại

Tin đã đưa

Văn bản mới ban hành

banner web dieu hanh Portal Quảng Nam Portal Hội An

Hoạt động cơ sở

Giới thiệu

Website các phòng ban - xã phường